Họ đã vượt qua số phận nghiệt ngã...
(Dân trí) - Có một buổi gặp gỡ mà những người bị khiếm khuyết về thể xác trở thành những chuyên gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sống. Chính khi đó, mọi khoảng cách giữa người khuyết tật và những người may mắn hơn trở thành con số không.
Buổi giao lưu là một phần trong buổi triển lãm ảnh gây quỹ từ thiện với chủ đề “Khi khoảng cách không còn là vấn đề” được nhóm Class Ambassadors (gồm các sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TPHCM) tổ chức ngày 2/1/2010. Người tham dự được xem những bức ảnh do các SV chụp những trẻ em khuyết tật và một số bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á về những tấm gương vượt qua nghịch cảnh.
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã gặp lại thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo “dùng chân viết nên số phận”. Bên cạnh đó là bạn Nguyễn Xuân Nghĩa, người được xem là Nguyễn Ngọc Ký thời hiện đại và cô gái Trần Trà My, người đã viết nên câu chuyện cổ tích “Giấc mơ đôi chân thiên thần”. Họ đã vượt qua số phận nghiệt ngã, sự khuyết tật để đứng lên một cách mạnh mẽ.
Nguyễn Ngọc Ký, người thầy giáo nổi tiếng với nghị lực viết trên đôi chân ngày nào giờ đã ở tuổi 62. Dù sức khỏe không được tốt nữa nhưng thầy vẫn dành thời gian để giao lưu, tâm tình với các bạn trẻ mà theo cách nói của mình là “chuyển đến một chút niềm tin”. Kể lại chuyện mình lúc nhỏ thường nhảy cẫng lên la hét vì vui khi giải được bài toán, thầy Ký đúc kết: “Những khó khăn, thách thức luôn rình rập suốt nhưng cũng hãy cảm ơn nó đi vì giúp ta trưởng thành”.
Trước vấn đề nhiều bạn trẻ khuyết tật dễ dàng mặc cảm về mình và buông xuôi, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký tâm sự: “Tôi thành công chính nhờ tôi mặc cảm. Những người khuyết tật thành công một phần vì mặc cảm nhưng đó là mặc cảm tích cực để biết mình ở đâu. Người khuyết tật thường hay buồn nhưng hãy nuốt nỗi buồn xuống để cố gắng học”. Vượt qua khuyết tật, thầy Ký hiện là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam với chủ yếu những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Theo cách thầy Ký nói “đó cách nhìn đời ở thế giới màu hồng”.
Bạn Nguyễn Xuân Nghĩa (22 tuổi) có hoàn cảnh tương tự thầy Ký khi mất hết hai tay từ nhỏ. Vượt qua những khiếm khuyết về hình thể, bạn đã tập viết trên hai chân rồi đi học và giờ đã đi làm. Thích học luật nhưng không đạt được nên bạn đã thi vào học Khoa Công nghệ thông tin tại Viện Đại học Mở. Nghĩa trở thành chủ nhiệm đội công tác xã hội của trường và năm 2007 được chọn là công dân tiêu biểu của thành phố. Khi học năm 2 đại học, Nghĩa đã quyết thực hiện ước mơ của mình từ nhỏ và thi vào đại học Luật hệ tại chức. Đáng khâm phục là giờ đây, bạn đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và làm marketing online của trường dạy nghề Ispace nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi ngành luật yêu thích.
Một tấm gương nữa về nghị lực của bạn trẻ khuyết tật là Trần Trà My (24 tuổi). Cô bạn bị khuyết tật do cơn sốt từ nhỏ và không thể nói tròn lời, đôi chân thì “teo tóp”. Khó khăn lắm, đôi tay co quắp của My mới gõ được lên bàn phím nhưng cô gái có “đôi chân thiên thần” đã tự tin giao lưu cùng mọi người. My tâm sự: “Từ nhỏ My luôn muốn trở thành nhà tâm lí nhưng số phận không cho phép nên My đã chuyển hướng sang viết văn và nhận ra nó cũng giống như công việc của nhà tâm lý đó là thắp sáng ước mơ cho người đọc”.
Một điều ngạc nhiên nữa là chính trong buổi nói chuyện gần gũi này, những nhân vật khiếm khuyết về thể xác lại chính là những nhà tư vấn cho nhiều bạn trẻ về cách làm sao biến ước mơ thành sự thật, cách vượt qua nỗi buồn hay thất bại.
Bạn Nguyễn Xuân Nghĩa đã chia sẻ cách mà bạn vượt qua buồn phiền đó là “tìm đến những trẻ em ở mái ấm, vì trẻ em mồ côi”. Nghĩa chia sẻ: “Các em bị bại não ở trung tâm ở Thị Nghè phải đối mặt với cuộc chiến giành giật sự sống từng ngày, từng giờ. Vậy thì vì sao các bạn may mắn hơn lại từ bỏ cuộc sống”. Và khẩu hiệu mà Nghĩa kêu gọi các bạn trẻ khác là: “Chúng ta là những người có đủ điều kiện sống, vậy sao chúng ta không làm những điều nên làm. Giờ đây chúng ta hãy rút ngắn khoảng cách lại, không còn cách xa với những người khuyết tật”.
Ngoài hoạt động giao lưu, buổi triển lãm “Khi khoảng cách không còn là vấn đề” còn có hoạt động rất thiết thực là “Tôi cũng ký tên”, “Tôi cũng đấu giá”. Theo đó, mỗi chữ ký của người tham dự tương đương 500 đồng và chương trình bán đấu giá những bức ảnh của chương trình. Dù số tiền đóng góp không nhiều nhưng tất cả đều được dùng để ủng hộ quỹ từ thiện của Đội Công tác xã hội trường Đại học Ngoại Thương với chiến dịch Xuân tình nguyện 2010.
Vào những ngày đầu năm, hoạt động này như những phút lắng đọng và cảm nhận giá trị về cuộc sống.
Bài và ảnh: Lê Phương