Hip hop - hình ảnh mới của giới trẻ Việt

Không “dị ứng” trước quần thụng, áo số, mũ nỉ; không quá bất ngờ trước những điệu nhảy lạ mắt cùng với nhạc Rap, giờ đây giới trẻ Việt được tiếp cận với một mảng văn hóa mới của thế giới: văn hoá Hip-hop.

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất và thể hiện rõ nhất phong cách Hip-hop là trang phục. Rất dễ nhận thấy trên đường phố một chàng trai với quần thụng có dây xích, áo số, mũ nỉ, giày Neaker. Họ dễ nhận ra bởi hình ảnh còn khá lạ mắt với nhiều người Việt Nam. VCD mới nhất của ca sĩ Tiến Đạt đã thể hiện khá rõ phong cách Hip-hop, từ âm nhạc cho tới trang phục và đã tạo được một ấn tượng mới trong làng âm nhạc giải trí.

 

Mặc dù hình ảnh khuôn mẫu là áo số, mũ nỉ, song các nhà thiết kế thời trang Hip-hop luôn có những biến tấu, cách điệu rất hiện đại, trẻ trung. Với đầy đủ chất liệu như thun, cotton, lưới... phù hợp với các kiểu dáng quần và áo. Áo thì có áo số, áo bóng rổ, áo nỉ mũ. Mũ đội đầu thường là mũ Rappers, mũ cáp có lưới ở đằng sau, mũ không khoá, mũ thủng... Dân Hip-hop thường đi giày kiểu Neaker của các hãng Adidas, Ecko,Tubu...

 

Hip-hop ra đời những năm 1970 tại khu Bronx, thành phố New York (Mỹ). Đây là một trong những nơi tập trung nhiều người da đen nghèo khổ, vô gia cư. Họ sống trong những ngôi nhà ổ chuột tồi tàn và rách nát, những nhà máy xí nghiệp bỏ hoang. Họ không có việc làm, không có quyền công dân và bị phân biệt đối xử một cách hà khắc.

 

Mặc dù ở dưới đáy của xã hội song ở họ luôn có khao khát vươn lên, muốn chứng tỏ mình, muốn được công nhận và thán phục. Những điệu nhảy lạ mắt, những bộ trang phục chẳng giống ai, những kiểu vẽ tranh trên tường ấn tượng bởi hình khối và màu sắc - họ muốn thể hiện mình theo một phong cách riêng. Và chính họ là người đã tạo ra những mảng văn hoá và nghệ thuật hoàn toàn mới như vẽ tường Graffiti, nhảy Break, DJ, MC, gọi chung là Hip-hop.

Một phần khá quan trọng trong phong cách Hip-hop là nhảy Break. Dân Hip-hop hay tập trung ở những nơi có địa điểm đẹp, thoáng, rộng như công viên Lê Nin, công viên Thống Nhất, khu vực Hồ Giảng Võ... để cùng tập nhảy. Những động tác như đá Nike, ke người, xoay đầu, uốn, xoay, đều là những động tác khó và cần sự khổ luyện. Yêu cầu của nhảy Break là phải dẻo và dứt khoát đồng thời kết hợp nhịp nhàng với nhạc.

 

Theo chân một nhóm nhảy tại Công viên Lê Nin, tôi gặp Hưng (Phan Bội Châu - Hà Nội) một trong những thành viên nhảy khá nhất nhóm cho biết: “Sau giờ học bọn em thường tập trung ra đây để tập nhảy, đứa nọ chỉ bảo cho đứa kia, chăm chỉ luyện tập cũng là để tăng cường sức khoẻ”.

 

Nam - một thành viên mới tham gia nhóm cũng hồ hởi cho biết: “Em thấy, để thành thục những điệu nhảy này cần phải chăm chỉ luyện tập vì yêu cầu của nhảy break phải vận động toàn thân, tập từ dễ đến khó. Tất cả thời gian ngoài giờ học bọn em dành cho việc học nhảy nên không dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, bố mẹ em hoàn toàn ủng hộ việc này”.

 

Giới trẻ Việt Nam đến với Hip-hop tuy muộn hơn so với các nước trong khu vực, nhưng từ khi xuất hiện đã tạo thành một làn sóng mạnh mẽ. Con đường du nhập chủ yếu là từ những học sinh du học từ nước ngoài trở về, sau đó phổ biến cho các bạn ở nhà hoặc xem băng hình ca nhạc của nước ngoài rồi tập theo.

 

Để sắm cho mình một bộ cánh đúng chất, phải có một lưng vốn kha khá bởi chủ yếu trang phục Hip-hop là hàng nhập khẩu hoặc xách tay nên giá thành rất cao, trung bình một bộ từ 300.000đ đến 500.000đ và tất nhiên giá cả còn phụ thuộc vào chất liệu và thương hiệu của sản phẩm đó.

 

Các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới về Hip-hop là Tubu, Fatfarm, Akademics, Ecko, SeanJohn. Thời trang Hip-hop hiện có tại các cửa hàng thời trang như 12 Trần Nhân Tông, 113 Nam Cao, 125 Hàng Bông...

 

Phan Thu Phương