Hiệu ứng Tinkerbell: Khi mình có lòng tin, chuyện tốt sẽ tới
(Dân trí) - Trong bộ phim "Gara hạnh phúc", nhân vật Sơn Ca đã có một câu thoại nổi tiếng: "Nếu mình tin vào chuyện tốt thì chuyện tốt sẽ tới". Đây cũng chính là thông điệp của hiệu ứng Tinkerbell.
Hiệu ứng Tinkerbell bắt đầu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội TikTok từ tháng 8/2022, với hơn 5,2 triệu lượt xem. Nhiều người tin rằng đây là một cách để thực hiện luật hấp dẫn, giúp bạn thu hút những năng lượng tích cực bằng chính suy nghĩ của mình.
Hiệu ứng Tinkerbell là gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau của hiệu ứng Tinkerbell trên mạng xã hội. Một số người cho rằng hiệu ứng này gắn liền với giả thiết "Sẽ như thế nào nếu…?", số khác lại thực hiện hiệu ứng Tinkerbell bằng cách tưởng tượng mục tiêu của họ là một ký ức, nghĩa là nó đã xảy ra, thay vì là một điều sẽ xảy ra trong tương lai xa.
Nói cách khác, hiệu ứng Tinkerbell nghĩa là khi bạn càng tin tưởng vào một sự việc có khả năng xảy ra thì nó càng dễ trở thành sự thật.
Đó có thể là một cơ hội việc làm mới, một buổi hẹn hò lãng mạn với crush (người thầm thương trộm nhớ) của bạn hoặc thậm chí là một kế hoạch thay đổi bản thân.
Vì sao hiệu ứng Tinkerbell trở nên phổ biến trên TikTok?
Cùng với sự phổ biến của các video bói bài Tarot và các video về luật hấp dẫn, "hiệu ứng Tinkerbell" cũng trở thành một từ khóa có hàng ngàn lượt tìm kiếm trên mạng xã hội TikTok.
Một trong những lý do khiến hiệu ứng này trở thành trào lưu là nó đánh trúng tâm lý của giới trẻ - những người thường có xu hướng tin tưởng vào sức mạnh tinh thần, sức mạnh bên trong của mỗi con người nhiều hơn.
Ngoài ra, do thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt với rất nhiều điều tiêu cực nên sức khỏe tinh thần cũng không mạnh mẽ như các thế hệ khác. Do đó, một hiệu ứng mang lại thông điệp tích cực như hiệu ứng Tinkerbell cũng dễ dàng được đón nhận hơn.
Bạn có đang hiểu sai về hiệu ứng Tinkerbell?
Nếu bạn cho rằng hiệu ứng Tinkerbell nghĩa là bạn chỉ cần ngồi im một chỗ, tin vào sức mạnh của tâm trí và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn ngay sau đó thì rất tiếc, suy nghĩ này là một sai lầm.
Hiệu ứng Tinkerbell giúp chúng ta "chăm chỉ" hơn trong việc suy nghĩ tích cực và tin vào năng lượng tích cực mà niềm tin tạo ra. Nó không chỉ giúp sức khỏe tinh thần của chúng ta được cải thiện mà nhiều khía cạnh của cuộc sống cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể chỉ dựa dẫm vào suy nghĩ và không hành động. Bên cạnh đó, hiệu ứng Tinkerbell không có cơ sở khoa học và chỉ đơn giản là một trào lưu trên mạng xã hội.
Do đó, bạn chỉ nên coi đó như một cách giúp mình suy nghĩ tích cực hơn, yêu đời hơn chứ không nên lạm dụng, phụ thuộc hay quá tin tưởng vào trào lưu này.
Làm thế nào để sử dụng hiệu ứng Tinkerbell?
Về cơ bản, có ba bước để giúp bạn thực hiện hiệu ứng Tinkerbell nhằm đạt được một mục tiêu cụ thể.
Bước 1: Tìm ra mục tiêu của bản thân
Bạn cần phải thực sự rõ ràng trong việc xác định những gì bạn mong muốn và hãy chỉ chọn một mục tiêu cụ thể nhất để bắt đầu. Sau đó, hãy cố gắng cụ thể hóa mục tiêu đó, càng cụ thể càng tốt.
Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi như Bạn thực sự muốn gì? Các bước để đạt được điều đó là gì? Tại sao mong muốn này có lợi cho bạn?... Khi đã có thể hình dung được mục tiêu của bạn một cách rõ ràng trong tâm trí, tần số rung động sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với mục tiêu đó.
Bước 2: Tin tưởng tuyệt đối vào tính khả thi của mục tiêu
Đừng để những suy nghĩ tiêu cực như "điều này sẽ không thể xảy ra", hay "những điều tốt đẹp sẽ không bao giờ đến với tôi" xuất hiện trong đầu bạn. Thay vào đó, bạn cần thực sự chân thành với niềm tin đó, suy nghĩ tích cực để có một tần số rung động phù hợp với niềm tin đó.
Theo cách lý giải của luật hấp dẫn, mỗi suy nghĩ sẽ có một tần số rung động riêng và tần số này sẽ quyết định năng lượng mà bạn thu hút là tích cực hay tiêu cực.
Trong khi những niềm tin tiêu cực thường có tần số rung thấp và thu hút những trải nghiệm tiêu cực thì những suy nghĩ tích cực lại giúp bạn thu hút những năng lượng, con người tích cực vào cuộc sống của bạn.
Bước 3: Đắm mình trong sự khao khát của bạn
Hãy tưởng tượng một viễn cảnh sống động khi những điều bạn mong muốn trở thành sự thật. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy như thế nào, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thế nào, ai sẽ ở bên cạnh bạn, bạn sẽ trở thành người như thế nào?
Bằng cách này, bạn có thể gửi tín hiệu đến tiềm thức và làm cho bộ não tin rằng điều bạn đang mong muốn là sự thật.
Ý chí tinh thần là một điều kỳ diệu. Mọi hành động của chúng ta đều liên quan mật thiết đến suy nghĩ và niềm tin. Hiệu ứng Tinkerbell hướng tới những điều tích cực, vận dụng niềm tin tuyệt đối vào những điều tốt đẹp cũng như sự lạc quan, tin tưởng vào bản thân để đạt được điều mà ta mong muốn.