Hiệu ứng sống ảo tạo nên trào lưu dao kéo nguy hiểm của giới trẻ
(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ hiện có mong muốn trở nên xinh đẹp như khi sử dụng bộ lọc trên mạng xã hội.
Không còn những hiệu ứng trái tim hay động vật đáng yêu, giờ đây, các filters (bộ lọc) được ưa chuộng ngày càng trở nên thực tế như làm mịn lỗ chân lông, xóa mụn, tạo viền sống mũi, môi căng mọng, định hình lại xương hàm...
Trên mạng xã hội TikTok, những bộ lọc AI (trí tuệ nhân tạo) có tên gọi "Bold Glamour" hay "Teenage Look" có độ chân thực được đánh giá cao. Chúng biến đổi từng chi tiết trên khuôn mặt người dùng mà gần như không thể phát hiện được.
Mới đây, còn có một loại bộ lọc mới nổi lên. Nó đưa ra những thước đo và đánh giá vẻ đẹp trên gương mặt, đặt ra tiêu chuẩn về gương mặt "lý tưởng". Các bộ lọc này thường được lấy theo tỷ lệ gương mặt của người nổi tiếng.
Theo Dazed Digital, kể từ khi xuất hiện, những bộ lọc này đã tác động không ít đến đời thực. Năm 2018, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Tijion Esho đã đặt ra thuật ngữ "chứng rối loạn mạng xã hội Snapchat". Bác sĩ nhận thấy nhiều người tìm đến ông với mong muốn có được khuôn mặt giống như khi sử dụng bộ lọc ảo, thay vì hình mẫu người nổi tiếng.
6 năm trôi qua, công nghệ này ngày càng trở nên thực tế và phổ biến hơn. Trước xu hướng này, không ít chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp chỉ ra hiệu ứng tiêu cực mà nó mang lại.
Họ cho rằng, người dùng có thể nhìn nhận khuôn mặt của chính họ tiêu cực hơn và nảy sinh khao khát can thiệp thẩm mỹ mạnh mẽ nếu họ không vượt qua bài kiểm tra của bộ lọc. Ví dụ, chỉ một chút không hoàn hảo ở cằm cũng sẽ khiến họ muốn tiêm chất làm đầy hàm, ngay cả khi không quá cần thiết.
Tiến sĩ Devine (hiện hành nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ) đồng ý rằng, mọi người hoàn toàn có thể cải thiện những chi tiết trên gương mặt bằng chất làm đầy. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và không đến các cơ sở làm đẹp uy tín, rất có thể từ chỉ muốn sửa một chỗ nhỏ sẽ biến thành những cuộc phẫu thuật không hồi kết.
"Những bộ lọc này thường miêu tả các tiêu chuẩn sắc đẹp không thể đạt được, như làn da mịn màng không có lỗ chân lông chẳng hạn. Điều đó thật khó để thực hiện ở đời thực", Ian Michael Crumm - chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng - chia sẻ với Dazed.
Bên cạnh đó, bộ lọc trên mạng xã hội cũng phần nào khiến giới trẻ nhận thức sớm hơn về việc lão hóa. Chúng cho họ thấy bản thân ở 50 năm sau sẽ có diện mạo như thế nào. Để rồi từ đó, những phương pháp làm đẹp chống lão hóa cũng được ưa chuộng hơn.
Theo Dazed, các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn và chống lão hóa đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong năm 2023, có đến 26,2 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn như tiêm chất làm đầy môi và botox đã được thực hiện chỉ riêng tại Mỹ.
Sự phổ biến của mạng xã hội quả thực phần nào tăng lên nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ. Sắc đẹp nhân tạo cũng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định vẫn đóng vai trò quan trọng và là điều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng muốn khuyên nhủ mọi người.