Hè vui kiểu... nghèo
Nghèo, không hề gì. Niềm vui mùa hè đối với trẻ thơ luôn có mặt bởi những trò chơi sáng tạo của tuổi nhỏ có khi còn có lợi hơn những trò chơi khuôn mẫu phải mua vé.
6 giờ 30 sáng, em Trần Văn Thương, 9 tuổi, ở P. Đông Hưng Thuận, Q.7 đã vác cây lồng trúc cao gấp mười người em đi thọc trứng kiến vàng. Thương giải thích rằng “mình đi thọc sớm thì đám kiến vàng chưa tỉnh ngủ, cắn ít đau hơn”. Em khoe bữa nào em cũng câu được 10-20 con cá rô to từ 1-3 ngón tay. Hè này em không học thêm vì nhà “không có tiền đóng, còn em thì khoái chơi hơn!”.
Nghèo chơi theo nghèo
Nhờ khéo tay và “sát cá” nên Thương được phong làm thủ lĩnh của sáu bạn trai trạc tuổi, trong khu phố lao động nghèo ở Q.7. Đầu hè, nhóm của Thương bắt đầu lén người nhà xé tập mang lại nhờ em làm diều giùm.
“Gió hiu hiu là tụi em mang diều ra thả thi tới tối mịt mới về nhà. Trưa nực thì cả đám kéo nhau ra sông tắm, chơi cút bắt. Có mưa đầu mùa là tụi em rủ nhau đi rình bắt dế về đá bắt xác. Dế của đứa nào thua thì bị bóp đầu quăng cho gà ăn. Mồi này gà ăn sung lắm, để mình nhổ lông làm cầu đá, đằm lắm! Còn đá banh nhựa ăn cõng, lúc nào hứng là tụi em kéo nhau đi... Mai mốt em sẽ làm thầu nhà đất. Em sẽ để dành một miếng đất rộng nửa mẫu cho trẻ nhỏ tha hồ chơi. Chứ bây giờ sân đá banh của tụi em sắp bị rào lại xây nhà xưởng rồi”, Thương nói.
Thường lông nhông ngoài trời nhưng nhóm em chưa có đứa nào bị “sổ mũi ấm đầu” cả. Chị Trần Thị Hằng, công nhân, chị ba của em Thương cho biết.
Các em nữ cùng cảnh như Thương cũng biết cách tự tạo đồ chơi, trò chơi cho mình. Ghé nhà chị Phạm Thị Tuyết, phụ hồ, ở P.6, Q.8 nghe tiếng trẻ em cười nắc nẻ trong phòng ngủ của chị. Hỏi mới biết, con gái 8 tuổi của chị đang chơi đánh bài cào ăn quẹt lọ cùng ba bạn gái gần nhà.
Nhắc tới “nghề” chơi của con, chị kể một mạch: “Mấy hôm tôi đi làm, ở nhà nó bài binh bố trận tối về dẹp mệt muốn nổi quạu luôn. Góc này bừa bãi kéo, giấy vụn xếp chim cò. Chỗ kia lăn lóc mấy nắm sỏi để nó chơi cờ gánh, ô quan. Có hôm thấy đầu nó sưng một cục bằng trái chanh vì mê chơi trò năm mười... Quậy vậy đó mà có khi nó còn doạ lại tôi rằng: nếu tôi khó quá, mai mốt lớn, nó làm nghề dẫn chương trình đắt sô cũng chẳng đem tiền về cho tôi đâu!”.
Các chuyên gia nhận định, những trò chơi đầy sáng tạo ấy có lợi hơi những trò chơi có khuôn sẵn, mua vé, vì nó kích thích trí tưởng tượng của các em nhiều hơn. Chúng luôn luôn phải tưởng tượng ra trò mới. Mùa hè của chúng cũng nhiều dấu ấn hơn.
Đứng núi nghèo mơ núi giàu
Chị Phạm Thị Diệu, mẹ của em Tâm cho rằng chơi hè là chuyện của những trẻ nhà khá, giàu thôi. “Mỗi khi nghe con nó đi học về kể lại một số bạn ở lớp nó chê nó là dân nhà quê, ngố... vợ chồng tôi tủi tủi” - chị Diệu kể. Lương công nhân hàng tháng của cả hai vợ chồng chị chỉ khoảng 1,7 triệu đồng, nên không thể nuôi nổi con ăn học cao hơn. “Thà bây giờ mình tập dần cho con bươn chải với đời. Biết chắt mót, gầy dựng, rồi đời nó có thể khá hơn đời chúng tôi. Tới lúc đó, nó có ra Hà Nội chơi cả tháng cũng không thấp thỏm gạo, dầu lửa lên giá như tôi bây giờ”.
Riêng với Nguyễn Văn Tú, 14 tuổi ở ấp 3 xã Bình Hưng, Bình Chánh, lại có tâm sự khác. Tháng 9 tới, Tú vô lớp 9, em đã chắt mót được 550.000 đồng tính đóng học phí đầu năm xong, còn dư bao nhiêu hùn với ba em nuôi thỏ. Tú thích đi Đà Lạt chơi nhưng “thôi đành nhịn để mai mốt vào làm hướng dẫn viên du lịch đi đây đi đó cho đã”. Hè này Tú phải chạy hai “sô” là làm cầu đá và bắt tôm cá, bắt còng những ngày nước ròng gần sát bãi đáy sông để kiếm tiền thực hiện ước mơ của mình.
Thấy Tú thua sút bạn bè, ông Nguyễn Văn Tình, cha Tú nén đau. Nghĩ lại, ông thấy Tú vẫn còn may mắn hơn nhiều trẻ con nhà nghèo khác. Vùng ông ở vẫn còn một khoảng bãi bồi, mương rạch cho Tú vừa làm vừa chơi: bẻ dừa nước, tắm sông... “Con phải tranh thủ phấn đấu học cho giỏi mới thành tài. Còn bây giờ... mình chịu khó du lịch hè qua màn hình ti vi đỡ đi!”, ông Tình thường an ủi con như thế. Gặp những người thường đi đây đó, biết nhiều chuyện hay, ông tranh thủ bắt chuyện, rồi về kể lại cho Tú nghe.
Có nhiều cách nghĩ về hè, nhưng dẫu sao chúng cũng có những niềm vui riêng của mình, trừ phi chúng tự tước bỏ…
Theo Trầm Nguyên
Sài Gòn Tiếp Thị