Hành xác vẫn tiếp tục nhức nhối trong giới trẻ

(Dân trí) - Việc nữ sinh lớp 12 một trường THPT tư thục ở huyện Đông Hưng (Thái Bình) tử vong vì nhảy từ tầng 2 xuống đất ngày 7/1 thêm một lần nữa báo động về việc giới trẻ ngày nay dễ nảy sinh tâm lý tuyệt vọng, bế tắc, không lối thoát.

Những ngày gần đây, thông tin về một nữ sinh Thái Bình tự tử trong giờ Toán đăng tải trên báo chí khiến dư luận xôn xao và bày tỏ niềm tiếc thương.

Theo thông tin từ báo chí, sự việc diễn ra ngay trong giờ học chính khóa của học sinh xấu số. Cô giáo dạy môn Toán sửa một bài kiểm tra và yêu cầu những học sinh làm sai các lỗi thường gặp chép lại nhiều lần bài kiểm tra.

Em học sinh xấu số là một trong những học sinh có học lực khá của lớp đã phản đối yêu cầu này. Trước phản ứng đó, cô giáo đề nghị em hoặc đứng vào góc lớp, hoặc đi ra ngoài. Em học sinh đã chọn cách đi ra ngoài và bất ngờ nhảy xuống đất. Ngay sau đó em học sinh được đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Cái chết đau lòng của nữ sinh Thái Bình không phải là trường hợp duy nhất biểu hiện việc dễ nảy sinh tâm lý tuyệt vọng, bế tắc của giới trẻ trong thời gian gần đây. Còn nhớ, ngày 21/4, khi vừa thi xong môn Toán, nam sinh T.Q.T, trường THPT Hoàng Diệu, TP.Sóc Trăng liền vào phòng vệ sinh tự cắt tay chảy máu nhưng rất may mắn là bạn bè kịp thời phát hiện.

“Kết quả của các cuộc khảo sát cho thấy, chỉ một bộ phận nhỏ thanh niên (không quá 7%) cho biết họ từng bế tắc, tuyệt vọng và từng nghĩ đến việc tự sát. Tuy nhiên, thực tế một vài năm gần đây cho thấy đã xuất hiện một số trường hợp thanh niên tự sát, thậm chí tự sát tập thể chỉ vì những lý do không quan trọng (bị cha mẹ mắng, bị thầy cô phê bình hay bị người yêu phụ bạc vv…).
 
Do vậy, đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm nghiêm túc và thiết thực nhằm ngăn ngừa kiên quyết, hiệu quả”, PGS.TS.Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia HN tổng kết.
 
Hành xác vẫn tiếp tục nhức nhối trong giới trẻ - 1

PGS.TS.Phạm Hồng Tung khẳng định vấn đề thanh niên tự sát cần được quan tâm nghiêm túc
 
“Một khó khăn đáng kể về mặt tâm lý không thể không nhắc đến của thanh niên trong giai đoạn này là sự lo lắng, căng thẳng trước thử thách của hai kỳ thi quan trọng: thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào cao đẳng, đại học. Những năm gần đây, những biểu hiện tâm lý này càng được thể hiện rõ ở thanh niên học sinh”, TS.Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học, Viện tâm lý học cho hay.
 
Hành xác vẫn tiếp tục nhức nhối trong giới trẻ - 2

TS.Nguyễn Thị Hoa

Và sau mỗi kì thi Đại học, xã hội lại rúng động vì những hành động dại dột của một số thí sinh trượt ĐH. Sức ép của kì thi ĐH, quan niệm phiến diện, coi việc học ĐH là con đường duy nhất khiến tâm lý những bạn trẻ này thiếu vững vàng, sáng suốt và dễ lâm vào tình trạng tuyệt vọng.

Năm 2009, sau kì thi ĐH, một cô giáo ở Hải Dương đã ra một đề văn đặc biệt cho học sinh của mình sau khi xem thông tin về những vụ tử tự vì trượt ĐH. Đề bài cô đưa ra là: Ôtrôpxki đã nói: “Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không chịu đựng nổi”. Dựa vào ý trên, hãy viết một bức thư khuyên người bạn của em đang có ý định tự tử vì gặp nhiều chuyện buồn trong cuộc sống.

Thử nghĩ về Nguyễn Trung Hiếu (1995) - học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Hiếu luôn là HS học giỏi toàn diện. Vừa qua, Hiếu có bài văn làm lay động lòng người. Và nỗi lo đè nặng lên vai Hiếu khi ông nội mất bởi nhà Hiếu có 5 người thì 4 người không có khả năng lao động, chỉ trông chờ vào hơn 4 triệu đồng hưu trí của ông và bà nội Hiếu.

Nhưng những tấm lòng nhân ái trong xã hội không quay lưng lại với Hiếu. Sau khi bài văn lạ của Hiếu được giới thiệu trên báo điện tử Dân trí, Hiếu đã nhận được sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất của đông đảo mọi người  trong xã hội. Hiếu cũng vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu của thủ đô năm 2011.

Và mới đây thôi, ước mơ được ra nước ngoài học tập của cậu học trò nghèo tưởng xa vời đã trở thành hiện thực. Trường Besant Hill (California, Mỹ) đã tặng Hiếu học bổng 3 năm trung học và Hiếu sẽ lên đường đi du học vào cuối tháng 1.

Một câu chuyện khác, chàng bác sỹ của thế giới thú nhồi bông mà Dân trí giới thiệu thời gian gần đây từng hai lần trượt ĐH Y. Nhưng Phương Nam không nản chí mà quyết định theo học CĐ Công nghiệp dệt may thời trang HN và lựa chọn con đường trở thành một nghệ nhân thủ công dẫu rằng trước mắt còn rất nhiều chông gai phía trước. Đến nay Phương Nam đã bước đầu trở thành cái tên quen thuộc trong làng hand-made Hà Nội.

Hay như Miss Teen 2008 Huyền Trang, cô bạn lựa chọn học trung cấp chuyên ngành quản lý nhà hàng vì xác định đây là chuyên ngành chủ yếu cần nhân lực có tay nghề cao và kinh nghiệm thực tế.
 
Hành xác vẫn tiếp tục nhức nhối trong giới trẻ - 3
Huyền Trang được gặp gỡ vua đầu bếp Jan Can Cook

Khi Trang quyết định chỉ nộp hồ sơ xét tuyển trung cấp, ba mẹ đều ngạc nhiên và không vui lắm. Nhưng sau đó kết quả học tập của Trang ở trường là cách thuyết phục ba mẹ ngọt ngào nhất. Và đến giờ, với quyết tâm không ngừng nghỉ, Huyền Trang giành được học bổng chuyên ngành yêu thích và đang theo học tại Luxembourg.

Tấm bằng Đại học không quan trọng bằng việc bạn nỗ lực quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Và cả khi bạn nghĩ rằng cuộc sống mình đã lâm vào hoàn cảnh tột cùng đau khổ đến mức không sống nổi thì hãy tin vẫn còn rất nhiều tấm lòng trong xã hội không quay lưng lại với bạn.

Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm