Hành trang để ra biển lớn
Hành trang của những người trẻ hôm nay luôn bắt đầu từ những dòng suối nhỏ, vượt bao ghềnh thác để vươn ra biển lớn...
Bài toán khó của nguồn nhân lực
Có một thời trên các phương tiện thông tin đại chúng VN liên tục xuất hiện những lời giới thiệu đầy tự hào về những “copywriter” (người viết lời quảng cáo) của các công ty, tập đoàn nước ngoài: công việc hứng thú, thu nhập cả ngàn đô chỉ từ một ý tưởng...
Tưởng chừng như đơn giản, vậy mà khi trao đổi với các doanh nghiệp này về “chỗ đứng” của người VN trong nền công nghiệp quảng cáo thì: vai trò của copywriter người Việt chỉ dừng lại ở mức “dịch lời quảng cáo”. Nếu chủ động hơn, họ cũng chỉ đi đến 80% ý tưởng ban đầu của mình bởi quyền quyết định một sản phẩm quảng cáo cuối cùng thuộc về các “creative director” (giám đốc sáng tạo). Mà những người nắm quyền quyết định một slogan của các sản phẩm vẫn là “độc quyền” của người nước ngoài.
Đã có lúc nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài nói thẳng với những công ty môi giới nguồn nhân lực cao cấp VN rằng: với một vị trí công tác, tôi có thể trả 10.000 USD cho một nhân sự đến từ nước ngoài, nhưng chỉ 1.000 USD cho người VN! Tại sao? Đơn giản, bởi các anh không được đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp, một đẳng cấp quốc tế! Một thực tế đáng buồn! Nhưng ai sẽ là người giải bài toán khó này?
Jonah Levey là giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập VietnamWorks.com - một dịch vụ giới thiệu việc làm qua Internet hàng đầu của VN, và cũng là giám đốc điều hành của Navigos Group - nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông: “Thị trường nguồn nhân lực cao cấp của VN tuy nhỏ nhưng nhu cầu tìm kiếm một nhà quản lý giỏi thật sự là rất lớn và hầu hết các công ty, tập đoàn quốc tế đang làm ăn tại VN đều đang rất “khát” nguồn nhân lực này. Tuy vậy, khi phải tuyển các vị trí quan trọng cho các công ty, chúng tôi luôn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và tính chuyên nghiệp cao”.
Ông Trần Quốc Dũng - giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho người nước ngoài Fosco, nơi quản lý trên 6.000 nhân viên của hơn 100 công ty, cơ quan nước ngoài tại TPHCM - cũng đưa ra một “chuẩn” về lao động cao cấp làm việc trong môi trường quốc tế: trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và khả năng hòa nhập môi trường quốc tế. Trong đó nhân lực VN luôn yếu và thiếu “chuẩn” thứ ba.
Không khác hơn, giám đốc một công ty chuyên cung ứng lao động cao cấp cho các tập đoàn quốc tế, các công ty đa quốc gia ở TPHCM đưa ra nhận xét: một trong những điểm yếu của nguồn nhân lực VN vẫn là thiếu các kỹ năng thích ứng môi trường và xử lý tình huống đạt chuẩn quốc tế.
Chính “người trong cuộc” Trịnh Thanh Lâm, giám đốc marketing của Microsoft, cũng nhớ lại: “Hồi xưa, khi bước chân vào guồng máy làm việc mang tính quốc tế mới thấy mình còn thiếu nhiều kỹ năng để giải quyết những công việc cụ thể. Lúc đó, cứ khao khát có một nơi nào đó huấn luyện, dạy mình cách thích ứng môi trường mới, kỹ năng làm việc, kỹ năng giải quyết một vấn đề khó khăn trong quan hệ nhân sự, kỹ năng vạch kế hoạch làm việc dài hạn... Sau này, tôi biết ở nước ngoài các chương trình đào tạo đều bắt buộc phải có các vấn đề này”.
Những con đường ra biển...
Tiến sĩ Nguyễn Thắng là giám đốc marketing khu vực Đông Dương của Nokia. Anh bôn ba xứ người hơn 10 năm, từng đứng lên bục cao nhất của giải thưởng kinh tế - thương mại toàn Tiệp Khắc, nay đã trở về. Không chỉ để làm việc, mà điều tâm huyết hơn là anh muốn mang những giá trị mình học được, tìm thấy được gửi lại cho một thế hệ kế tiếp thông qua những khóa đào tạo thạc sĩ do anh hướng dẫn.
Hay một trường hợp khác, anh Đỗ Đình Minh, giám đốc kinh doanh toàn quốc của Tập đoàn Cargill tại VN, trăn trở: “Người Việt mình giỏi lắm, chưa bao giờ để thua ai cả. Nhưng mình thiếu một số yếu tố mang tính quyết định để có những tập đoàn đẳng cấp thế giới. Và điều đó thì chúng ta cần phải học. Chúng tôi đi làm thuê thật nhưng chưa bao giờ thấy mình hèn, mà chỉ thấy mình chưa đủ mạnh để có thể lèo lái một con thuyền lớn”.
Giản Tư Trung, người từng làm chủ một doanh nghiệp nhựa ở Q.5, TPHCM, sau khi tốt nghiệp đại học đã phải từ bỏ những kế hoạch kiếm tiền cỏn con của mình khi một ngày chợt nhận ra: mình sẽ kiếm được gì cho bản thân và mang về cho xã hội được gì khi quẩn quanh với nhựa? Trung giải tán cơ sở, xách cặp đi làm thuê những tập đoàn kinh doanh lớn nhất thế giới đang có mặt tại VN.
Anh làm thuê với mức lương rất cao, nhưng cái được nhiều nhất chính là kinh nghiệm, là kiến thức và là lời giải cho câu hỏi: vì sao người ta lớn đến thế? Anh tự hào bước ra và mở riêng cho mình một nơi dùng để “nói” cho mọi người biết phải làm thế nào để lớn từ chính kinh nghiệm của mình. PACE - trung tâm đào tạo nhân lực - đã ra đời như thế. “Muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu, anh buộc phải có kiến thức chuẩn, kỹ năng chuẩn và cách ứng xử chuẩn”.
Trung đập bỏ ba rào cản lớn nhất của người Việt khi đến với hệ “chuẩn” này: ngôn ngữ (Việt hóa hệ thống tài liệu), kinh phí (mời giảng viên là các chuyên gia thành công ở VN đến chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức) và thời gian (rút ngắn các học phần, chỉ chọn những điều quan trọng và cần thiết cho xã hội hiện nay).
Và như thế, những chương trình đào tạo giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO) danh tiếng hàng trăm năm của các trường đại học lớn nhất thế giới sẽ có hàng trăm ngàn người Việt được thụ hưởng. Anh tin, chúng tôi tin, và rất nhiều người khác cũng tin: giấc mơ xuất khẩu hàng ngàn giám đốc điều hành chẳng có gì là xa vời.
Giản Tư Trung làm chúng tôi nhớ lại một câu chuyện khác, buồn và chưa có hậu, đó là thử tìm kiếm những gương mặt trở về từ chương trình đào tạo nhân tài của Nhà nước. Nhiều ngàn tỉ đồng đã được chi cho những thạc sĩ, tiến sĩ người Việt được đào tạo ở nước ngoài nhưng người về như bóng chim tăm cá.
Người duy nhất mà chúng tôi biết được, tốt nghiệp cao học ngành vi sinh, thì đang làm... nhân viên hành chính, chính xác là cặm cụi gõ máy tính những công văn, hồ sơ của một cơ quan khoa học công nghệ nhà nước.
Và, có một câu chuyện đáng suy nghĩ khác diễn ra tháng 7/2005, tổng giám đốc Pepsi Phạm Phú Ngọc Trai đã rủ những người bạn ở Công ty Kinh Đô cùng bỏ tiền đầu tư cho bốn sinh viên xuất sắc nhất cuộc thi Dynamic đến Mỹ tham quan các công ty, xưởng sản xuất và tham dự các cuộc hội thảo khoa học của các trường đại học lớn trên thế giới. “Chỉ là một dịp để các bạn có thể nhìn xa, nhìn rộng và sờ tận tay những mô hình danh tiếng, đó là những kinh nghiệm mà chúng tôi muốn gửi cho các bạn như một hành trang bước ra thế giới…”.
Cuộc sống sôi động quanh mình đã trả lời được nhiều điều hơn nếu chúng ta chịu khó quan sát và suy nghĩ…
Theo Tuổi Trẻ