TPHCM:

Hàng ngàn bạn trẻ “viết tiếp bản hùng ca”

(Dân trí) - Hàng ngàn bạn trẻ là cán bộ Thành đoàn, cán bộ các cơ sở đoàn và thanh niên TPHCM thành phố đã tham dự chương trình họp mặt truyền thống “Thành đoàn - Viết tiếp bản hùng ca” vừa diễn ra mới đây.

Chương trình do Thành đoàn TPHCM tổ chức để ôn lại những thời khắc lịch sử và tri ân những anh hùng Thành đoàn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc ta. 

Hàng ngàn bạn trẻ “viết tiếp bản hùng ca” - 1
Chương trình họp mặt truyền thống “Thành đoàn - Viết tiếp bản hùng ca”.

Các bạn trẻ dự chương trình đã nghiêng mình khâm phục trước hình tượng anh hùng của các chiến sĩ Thành đoàn qua những dòng hồi ức. 

Đó là má Sáu Hòa (tên thật Nguyễn Thị Tư). Chồng má tập kết ra Bắc, thân gái một mình với nghề may mướn, làm bánh kẹo, buôn bán..., má nuôi 6 con nhỏ và nuôi “giấu” nhiều cán bộ. 

Trong vai tư thương nhỏ, má đi ra đi vào thành phố mua bán than củi, cóc ổi, cây kiểng… để nuôi gia đình; má bí mật chở thêm súng đạn, thuốc nổ TNT... để tiếp tế cho lực lượng biệt động thành, chuẩn bị cho các cuộc tổng tấn công. Tính sơ sơ trong 20 năm ở Sài Gòn, má cùng đồng đội chuyển vào nội đô chừng vài trăm khẩu súng, vài tấn thuốc nổ và hàng chục ngàn viên đạn trước vòng kiềm tỏa của quân thù. 

Hay Trần Quang Cơ, người Bí thư đầu tiên của Ban Cán sự sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của Thành đoàn TPHCM), người chỉ huy cao nhất của phong trào thanh niên đấu tranh công khai trong lòng địch suốt những năm cam go nhất (1959 - 1961). Ông cũng là người tổ chức nên đội võ trang “Quyết tử quân” của thanh niên Sài Gòn...

Rồi đại tá Lê Tấn Quốc, người khai hỏa trận đánh đầu tiên trong nội đô Sài Gòn... Sau đó, Lê Tấn Quốc xây dựng lực lượng vũ trang cho Khu đoàn thanh niên Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn), chỉ đạo tác chiến lực lượng biệt động thành… cho đến khi ông bị bắt và đày ra Côn Đảo vào năm 1969. 

Những người anh hùng ấy hiện ra thật chân thật qua lời kể của ông Lê Hồng Tư - đồng đội cũ của đồng chí Trần Quang Cơ; của bà Nguyễn Thị Nam - đồng đội của má Sáu Hòa và của anh Lê Tấn Tài - con trai đại tá Lê Tấn Quốc. 

Các bạn trẻ thành phố còn được chuyện trò, giao lưu cùng những nhân chứng sống từng là cán bộ Thành đoàn, từng dẫn đầu các mũi tiến công nổi dậy tại TP trong cuộc tổng tiến công giải phóng TPHCM năm 1975 như nguyên Quyền bí thư Thành đoàn TPHCM ngay sau giải phóng Trương Mỹ Lệ; nguyên Thường vụ Đoàn ủy Sinh viên học sinh Sài Gòn Trần Thị Ngọc Hảo… 

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành đoàn TPHCM mong muốn các bạn trẻ TP sẽ nối tiếp truyền thống đấu tranh hào hùng của cha anh đi trước, viết tiếp bản hùng ca của thanh niên thành phố anh hùng trong thời đại mới; lập chí lớn, luyện tài năng, cùng thành phố chủ động hội nhập và phát triển bền vững. 

Tin, ảnh: Tùng Nguyên