Hai cô bạn Mỹ “mê Việt Nam”

Mỗi lần nhớ đến Martha Lackritz là tôi lại bật cười. Nhớ lần đầu gặp cô, tôi không còn tin vào tai, mắt mình nữa, khi trước mặt tôi là một cô bạn “quá Tây” lại nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội cực chuẩn.

Rồi Martha khiến tôi cười nghiêng ngả khi thốt lên: “Ối giời ơi, một lũ khỉ!”, sau khi biết tôi cũng cầm tinh con khỉ giống Martha.

Tình em như dải lụa đào tẩm hương...

Martha xinh xắn, cao, mảnh khảnh nên những người bạn VN đã đặt cho cô cái tên rất dễ thương - Thạch Thảo (thường được gọi là Thảo). Martha Thảo sinh ra ở Texas, nhưng lại mang trong người dòng máu Nga và Do Thái. 17 tuổi Thảo đã xa nhà, đến miền Bắc Hoa Kỳ để học tại một trường phổ thông đặc biệt dành cho những học sinh giỏi văn và những môn nghệ thuật.

Sau đó, cô chọn Đại học Brown chuyên ngành văn học Pháp và bắt đầu để ý đến một số tác phẩm văn học do chính những người lính Mỹ từng tham gia cuộc chiến tại VN viết. Đó là cơ duyên đầu tiên của Thảo với VN. Tốt nghiệp đại học, Thảo “giật” được suất học bổng Fulbright một năm do Chính phủ Mỹ cấp để thực hiện dự án nghiên cứu về ca dao, tục ngữ VN. Năm 2003, Martha Thảo lần đầu đến đất nước mà cô chỉ được biết đến bởi chiến tranh. Thảo “đáp” tại Sài Gòn vài tháng rồi ra Hà Nội sinh sống luôn cho đến giờ. Cô bảo Hà Nội hợp với cô hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn “bay” vào Sài Gòn công tác và gặp gỡ bạn bè.

Thảo tiếp: “Một năm học bổng làm sao đủ để nghiên cứu ca dao, tục ngữ VN. Vì thế, tớ quyết định tiếp tục ở lại VN”. Dự án dịch 1.000 bài ca dao sang tiếng Anh của Thảo đã được thực hiện hơn một nửa. Một số bài dịch Thảo gửi cho bạn bè xem và nhận được nhiều lời ủng hộ như:

Em như cây kiểng trên chùa
Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?
(You are like a tree in the pagoda
And I a butterfly:
Shall I perch myself upon your branches?)

Hay như: Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương
(My love is like high-flowing waters,
Yours a rubby silk ribbon rippling in fragrance)

Sau khi hết học bổng, Thảo tự bươn chải để có thể sinh sống tại VN và đủ kinh phí thực hiện dự án của mình bằng cách làm phiên dịch và cộng tác cho tạp chí Nhịp CầuCẩm Nang Mua Sắm. Còn bây giờ thì Martha Thảo đang là biên tập viên tiếng Anh cho tờ Heritage của Hãng Hàng không quốc gia VN.

Trên tờ Heritage, Thảo viết khá đều đặn những bài báo giới thiệu đất nước, con người, văn hóa VN. Qua ngòi bút của Thảo, VN đẹp mộc mạc, lắm điều thú vị và đầy tiềm năng. Cũng như việc dịch ca dao, tục ngữ sang tiếng Anh, viết báo là cách mà Thảo giới thiệu đất nước VN mà cô yêu mến đến những người bạn khắp năm châu.

Dù bận rộn với công việc là thế, Thảo vẫn dành nhiều thời gian để đi đây đó khắp VN, để tìm kiếm, sưu tầm và để hiểu ca dao, tục ngữ, dân ca hơn nữa. Tập sách 1.000 bài ca dao bằng tiếng Anh đang được Thảo dồn sức thực hiện để kịp phát hành tại Mỹ vào cuối năm 2006.

Tiếng rao hàng của cô gái Mỹ 

Hai cô bạn Mỹ “mê Việt Nam” - 1
 

Nếu như Martha Thảo là cô gái Hà thành với nét đẹp nhẹ nhàng thì Christine Buckley lại là cô gái Sài thành với dáng vẻ khỏe mạnh và năng động. Christine luôn bận túi bụi với công việc biên tập viên tiếng Anh cho Vietnam News. Tôi đặc biệt thích thú với giọng miền Nam của Christine, bởi phần lớn người nước ngoài nói tiếng Việt đều bằng giọng Hà Nội. Tuy vậy, cái mà Christine tạo ấn tượng với tất cả mọi người lại là tài... rao hàng của mình.

Christine hào hứng kể về “tiếng rao”: “Mình thuê nhà ở một hẻm nhỏ đường Trần Quang Diệu. Nhiều tiếng rao lắm! Sáng sớm, cứ nghe tiếng rao là biết 7 giờ. Hôm nào rảnh rỗi hoặc bị bệnh ở nhà, mình lại bắc ghế ra trước cửa nhà ngồi. Hễ nghe xa xa có tiếng rao nào là ngồi đón xem người bán hàng rao bán thứ gì và ghi lại. Xong đợi họ đến gần thì chạy ra xem, hỏi thăm xem mình đoán và ghi đúng không”. Kể rồi Christine hắng giọng: “Ve chaiiiiiiiiiii, bán!”, rồi thì: “Muuuuuuua sắt vụn! Muuuuuuua tivi! Muaaaaaaaa ampli!”.

Chị nói rất thích quan sát những người lao động VN. Như chú “mua sắt vụn”, cỡ 60 tuổi rồi, ngày ngày đẩy xe đi mua đồ người ta vứt đi nhưng lúc nào gương mặt cũng vui cười cả. Một lần cùng Christine đi ăn hàng, tôi cười ngất khi vừa cầm chén tàu hũ nóng đã nghe Christine rao: “Aiiiiiii... tàu hũ nóng, hông?”.

Tôi cứ ngạc nhiên sao một cô gái Mỹ chưa từng đến lớp học tiếng Việt ngày nào mà lại nói tiếng Việt và rao hàng “chuẩn” thế! Người VN, dân Sài Gòn chánh gốc, ăn hàng thuộc loại “thầy chạy” như tôi vậy mà có rao được câu nào “chuẩn” đâu. Christine cười hồn nhiên, “vì mình thích nghe họ “hát” như vậy lắm!”

Chị nói chị đang viết, viết rất nhiều về những điều tuyệt vời ở VN. Rồi bỗng buồn xo: “Nghe nói sau này những người bán hàng rong sẽ bị cấm. Tiếc quá! Có cách nào đừng để mất tiếng rao không? Đặc biệt lắm! Rất VN!”. Christine đã đi qua và sống nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Úc, New Zealand, Campuchia, Singapore... nhưng vẫn thích VN nhất, luôn nhớ VN với những tiếng rao.

Lại vội chào nhau vì Christine bận. Chị lại hăng hái “lên đường” đi dạy, dạy tiếng Anh cho trẻ em mồ côi. Nếu một ngày nào đó bắt gặp một cô gái Mỹ tóc cắt cao, nói tiếng Việt “như gió”, dáng vẻ thể thao trên chiếc Martin 107 lướt trên đường phố Sài Gòn, 90% là Christine. Vừa đạp xe, chị vừa quay sang tôi cười và nói: “Chạy xe đạp ở Sài Gòn là khỏe nhất! Không bị kẹt xe, không gây ô nhiễm”.

Tôi hẹn Christine một “độ” karaoke. Chị hứa sẽ hát Lời của gió, Trái tim không ngủ yên, Mắt nai cha cha cha, Sắc màu... cho tôi nghe.

 Theo Tuổi Trẻ