Hà Nội: 8 năm gói ghém từng túi quà đem tới cho người vô gia cư
(Dân trí) - Suốt 8 năm qua, cứ đều đặn tối thứ 7 hàng tuần, nhóm thiện nguyện "Ấm" do trưởng nhóm Vũ Trung Anh dẫn đầu lại gói ghém từng túi quà đem đến chia sẻ với những người vô gia cư.
Một buổi tối mùa hạ oi ả, như thường lệ, các thành viên của nhóm từ thiện Ấm lại tụ họp để chuẩn bị nhu yếu phẩm gửi đến những người vô gia cư.
21h tại gác cà phê nhỏ trên đường Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) rôm rả tiếng cười nói khi các thành viên đều đã có mặt đầy đủ. Trưởng nhóm thiện nguyện - Vũ Trung Anh nhanh chóng phân công mọi người chia đồ thành các túi theo danh sách đã được lên sẵn.
Nhiều năm qua, luôn có một số lượng người vô gia cư được chăm sóc cố định, những trường hợp này sẽ được quan sát, tìm hiểu kỹ và hỗ trợ theo nhu cầu của từng cá nhân. Chính vì lẽ đó mà đồ ăn được chia ở các túi không giống nhau, có những người chỉ có thể ăn cháo, có người lại ăn chay… Tất cả đều được các thành viên trong nhóm ghi chú cẩn thận.
Đúng 22h, nhóm được chia thành hai đoàn xuất phát từ phố Đặng Văn Ngữ đi qua Công viên Thống Nhất, phố Tăng Bạt Hổ rồi phố Quán Thánh… Trước khi xuất phát, Trung Anh không quên dặn dò các thành viên về quy tắc chung của nhóm để tránh ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của những người vô gia cư và đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Ở mỗi địa điểm trao tặng, các bạn đều dành khá nhiều thời gian trò chuyện với những người vô gia cư. Hầu hết các trường hợp mà Ấm hỗ trợ đều là những người già, vì vậy bên cạnh đồ ăn, nhóm cũng chuẩn bị một số loại thuốc cảm, sốt thông thường và đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của các cụ.
Tới chân cầu Chương Dương, nhóm thiện nguyện trao gói quà cho bà Khánh, hơn 70 tuổi. Con trai bà Khánh đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối nên tinh thần của bà suy sụp thấy rõ. "Trước kia mình thật sự ngưỡng mộ sự lạc quan của bà. Bà biết cách tự tạo niềm vui cho bản thân kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Sẽ thật khó để tồn tại trong hoàn cảnh như vậy nếu không có một tinh thần lạc quan"- Minh, một thành viên của Ấm chia sẻ.
Cả nhóm ngồi nói chuyện rôm rả về đủ các chủ đề, từ thời tiết nóng nực của Hà Nội đến công việc lượm nhặt bìa giấy, ve chai của bà. Mới đầu bà vẫn trò chuyện vui vẻ, nhưng khi các thành viên lần lượt chào tạm biệt để rời đi, bà đã bật khóc. Bà vừa khóc vừa lấy tay quẹt đi những giọt nước mắt mặn chát: "Bà chẳng thiết gì nữa, mất con bà chẳng còn gì cả". Không khí như trùng hẳn xuống, phải mất một lúc sau Minh và các bạn mới có thể lên tiếng động viên bà...
Điểm cuối của chuyến hành trình, nhóm thiện nguyện dừng ở phố Quán Thánh. Trong một góc phố, chú Hai đang nằm phe phẩy chiếc quạt từ bìa cát-tông, có vẻ như không khí oi nóng đầu hè khiến giấc ngủ đến với chú khó khăn hơn. Nghe tiếng chào, chú Hai vội ngồi dậy như thể đang chờ đợi các thành viên tới thăm từ lâu.
Khi được hỏi chú có muốn thay đổi thực đơn hay cần đồ dùng gì không, chú Hai cười: "Có anh chị thăm nom, giúp đỡ là tôi vui rồi. Tôi không cần thêm gì cả".
Chú Hai là một trong số những trường hợp nhóm thiện nguyện đã đề nghị giúp đỡ thuê nhà nhưng chưa thực hiện được. Các thành viên thay nhau hỏi thăm, dặn dò chú cất đồ ăn vào tải, tránh bị đối tượng xấu lấy cắp như những lần trước.
Trưởng nhóm Trung Anh cho biết có một số trường hợp nhóm ngỏ ý muốn hỗ trợ thuê nhà nhưng họ chưa đồng ý. "Họ ngại bọn mình phải chi ra quá nhiều tiền để thuê nhà trong khi họ vẫn thấy ổn khi ở bên ngoài"- Trung Anh nói.
Trao yêu thương, nhận nụ cười
Ấm là một nhóm thiện nguyện, từ thiện được thành lập từ năm 2013 và hiện tại đang được quản lý bởi chàng trai Vũ Trung Anh. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính vì là một nhóm mới, chưa được nhiều người biết đến.
Sau một năm hoạt động, nhóm thiện nguyện Ấm dần nhận được nhiều sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân cũng như những bạn trẻ yêu thích công việc thiện nguyện.
Chặng đường 8 năm qua, động lực để duy trì nhóm chẳng đâu xa mà chính là những câu chuyện hết sức đời thường và rất đỗi giản dị của những người vô gia cư. Còn các thành viên của Ấm đều tâm niệm: "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".
Nguyên tắc hoạt động của nhóm thiện nguyện là tuyệt đối sẽ không tặng tiền mà hướng đến hỗ trợ trực tiếp về đồ ăn, phương tiện lao động để những người trong hoàn cảnh khó khăn tìm được động lực vươn lên mà không ỷ lại vào các tổ chức từ thiện.
Trưởng nhóm Trung Anh khẳng định, tham gia thiện nguyện là dấu hiệu tích cực cho thấy xã hội đang ngày càng quan tâm đến những mảnh đời còn nhiều bất hạnh. Tuy nhiên nếu môi trường tình nguyện không đúng đắn, rõ ràng sẽ dẫn đến các vấn đề tiêu cực, như cho tiền vô tội vạ, giả danh người vô gia cư nhằm trục lợi. Các đối tượng này sẽ liên kết lại với nhau tạo thành tổ chức, bao che lẫn nhau để chèn ép những người vô gia cư thật sự.
Vì thế, trong tương lai, nhóm hướng đến mở rộng hơn về các đối tượng và phạm vi được hỗ trợ. "Đầu tiên về người vô gia cư, thay vì chỉ hỗ trợ đồ ăn, chúng mình sẽ cố gắng tìm nhà và công việc phù hợp cho họ. Dù việc thuyết phục những người vô gia cư vốn đã quen với cuộc sống lang thang hiện tại là rất khó, tuy nhiên chúng mình muốn cố gắng để họ sớm có một cuộc sống ổn định, đỡ bấp bênh hơn. Ngoài ra nhóm cũng muốn mở rộng ra các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn, không nơi nương tựa"- Trung Anh nói về định hướng sắp tới.
Dù ngày nắng cũng như ngày mưa, các thành viên trong nhóm vẫn duy trì hoạt động đều đặn để có thể giúp đỡ người vô gia cư vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các thành viên trong nhóm luôn đảm bảo chấp hành an toàn phòng dịch bằng cách giảm số lượng thành viên trong mỗi hành trình, chia thành từng nhóm nhỏ và tuân thủ thông điệp 5K.