“GS. Xoay” bật mí nghề tay trái : 8 năm "thai nghén" kịch bản Táo quân
(Dân trí) – “GS. Xoay” không chỉ là một diễn viên, MC được giới trẻ yêu quý mà anh còn là cha đẻ của chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân trong suốt 8 năm liên tục.
Tối 1/11, buổi talkshow của GS. Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng và sinh viên mang chủ đề Đam mê liệu đã đủ đã diễn ra tại ĐH Phương Đông. Sự kiện này ngay từ khi phát động đã thu hút hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng đăng kí tham dự.
GS. Xoay - Đinh Tiến Dũng cởi mở trò chuyện cùng sinh viên
Trong buổi giao lưu cùng các bạn sinh viên, GS Cù Trọng Xoay tỏ ra rất cởi mở, anh không ngừng chia sẻ về bản thân, những kinh nghiệm cuộc sống mà anh đúc kết được và khuyến khích bạn trẻ phát triển khả năng, thực hiện đam mê của mình.
Vẫn với phong cách hóm hỉnh thường thấy, anh Đinh Tiến Dũng cảm ơn các khán giả trẻ đã dành nhiều tình cảm quý mến với nhân vật GS. Cù Trọng Xoay do anh thủ vai. Tuy nhiên, anh cũng cho biết rằng, giữa Tiến Dũng ngoài đời và GS. Xoay có rất nhiều điểm khác nhau.
Câu chuyện giữa anh Dũng và các khán giả trẻ càng về sau càng sôi nổi và thân thiết hơn. Khi đi vào trọng tâm buổi giao lưu – nói về “đam mê”, GS. Xoay phấn khởi hẳn.
Anh cho biết, đam mê lớn của đời anh là viết kịch bản. Công việc này tưởng chừng như không hề liên quan tới kế sinh nhai của anh nhưng lại cuốn hút anh vô cùng.
Anh Đinh Tiến Dũng chia sẻ bí quyết nhà biên kịch
Đứa con tinh thần được anh nhắc tới nhiều nhất chính là những vở Gặp nhau cuối năm được chiếu vào mỗi dịp giao thừa hàng năm, thường được mọi người gọi là kịch Táo quân. Đã 8 năm anh gắn liền tới Táo quân, 8 năm ngồi dưới hàng ghế khán giả theo dõi vở kịch trong sự hồi hộp và lắng nghe khán giả nhận xét.
“Rất nhiều lần bị nghe chửi, người ngồi ngay bên cạnh mình chê kịch dở. Lúc đầu tôi cũng tức lắm, muốn nói cho họ hiểu rõ ý đồ của mình. Thậm chí, một số người “góp ý” theo kiểu thiếu văn hoá, tôi cũng định làm gì đó. Nhưng anh Chí Trung đã chỉ cho tôi cách chấp nhận khen – chê.
Tác phẩm của mình đưa ra, người ta khen 70% thì tức là nó đạt, nhưng nhiều khi khen tới 100% có khi lại không thật sự ổn. Miễn là người ta đang bàn luận tới nó, tức là họ quan tâm tới tác phẩm của mình", anh Dũng chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ quan tâm tới đam mê viết kịch bản của anh Dũng, anh ân cần chỉ vẽ cách để tạo ra sản phẩm được lòng công chúng. Điều đầu tiên là phải biết mình viết cho ai, viết vì cái gì. Nếu viết cho thanh niên khác với viết cho các tiểu thương chợ Đồng Xuân…
Anh lắng nghe câu chuyện của các bạn trẻ
Tại buổi giao lưu này, anh Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ, ước mơ thuở bé của anh chính là có một cây đàn ghi-ta cũ với giá 50.000 đồng. Nhưng dù đã thuyết phục bố mẹ suốt nhiều ngày liền, cuối cùng, anh lại nhận được một hộp màu vẽ. Dù vậy, anh vẫn luôn yêu thích âm nhạc và tới nay vẫn thích chơi đàn ghi-ta, chế nhạc.
Anh nói: “Người hạnh phúc nhất là được sống với đam mê và kiếm tiền từ chính niềm đam mê đó. Nhưng thông thường đam mê sẽ tốn công, tốn sức, tốn thời gian và tốn tiền.Vì vậy, các bạn hãy tìm một nghề để kiếm sống đủ để "nuôi" niềm đam mê của mình”.
Mai Châm