Góc nhìn thành công của 3 cô gái trẻ
Ba nhân vật có hoàn cảnh sống khác nhau và con đường vươn tới sự thành công cũng khác nhau. Từ những lát cắt về họ có thể bạn đọc sẽ có góc nhìn riêng về sự thành công của mình, để cùng chia sẻ và bộc lộ với mọi người...
Dương Hồng Nhung và những hành trình của ý chí
Sinh năm 1981 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Văn Hóa, bị tật nguyền do di chứng của cơn sốt bại liệt lúc 2 tuổi, Dương Hồng Nhung hiện là phóng viên tạp chí Người bảo trợ-cơ quan ngôn luận của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam.
Xinh đẹp, từng đoạt hơn 10 huy chương vàng, bạc trong nước và khu vực, cô vận động viên Dương Hồng Nhung đã dấn thân với nghề báo - một nghề vất vả, gian nan và nguy hiểm - một cách rất tình cờ: “Tôi thích công việc viết báo vì nó cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh, được đi tới nhiều nơi tôi muốn đến”.
Có thể, nếu tiếp tục với sự nghiệp thể thao, Dương Hồng Nhung sẽ có thêm nhiều vinh quang nữa. Nhưng bây giờ, cô có một công việc mà nhiều người mong đợi, cùng một gia đình hạnh phúc nhiều người phải ước ao.
Nhung là một cô gái khuyết tật rất kiêu hãnh và lạc quan, cô kể: “Nghề báo cũng mang đến cho tôi những thông tin về không ít người khuyết tật biết vươn lên trong cuộc sống. Có những người đã trở thành những bậc trí thức lớn đáng trọng. Không phải cứ khuyết tật là bỏ đi...”
Lời tự thuật trong những ngày gian khó của Nhung được tạp chí Người bảo trợ đăng đã làm xúc động hàng ngàn độc giả: “Ngày ngày, tôi vẫn luôn cố gắng bởi tôi không muốn mình bị thua, trước hết là thua bản thân mình, sau là thua những người lành lặn khác. Bởi vì, tôi có một trái tim lành lặn và một nghị lực. Tôi sẽ làm được.”
Không ai có thể tin, trong hành trình xuyên Việt “Tiếp lửa truyền thống” cuối tháng 4/2006, cô phóng viên Dương Hồng Nhung vẫn đi xe máy vượt đèo Pha Đinh dài 32km hiểm trở, xuống thung lũng Mai Châu (Hòa Bình), đi Cốc Lếu (Lào Cai), vào bản Tả Phìn với những người Dao,...
“Tôi nghĩ, bản thân tôi không có nhiều sức như cánh diều kia, luôn bay cao và bay ngược với chiều gió nhưng tôi luôn và sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa bằng tất cả những nỗ lực của bản thân mình...” (Lời Nhung tự thuật trong bài viết gửi tạp chí).
Những ngày đầu tháng 3, cô đang công tác ở Quảng Ninh. Nhìn ngắm cô gái trẻ trung, tự tin, nụ cười tươi rói, chợt nhận ra một điều giản dị: theo thói quen, hình như người ta dễ nhìn thấy bề mặt nổi-hay kết quả của thành công, mà ít khi để ý đến phần chìm-hay quá trình chinh phục thử thách...
Và thực ra thành công chính là khi vượt qua những giới hạn của chính mình?
Nguyễn Lê Mai Trinh và những tháng ngày thanh xuân
Tôi gặp Nguyễn Lê Mai Trinh lúc ngồi lơ vơ quán xá, nói những câu chuyện không đầu không cuối.
Sinh năm 1984, chị là cựu sinh viên ĐH Mỹ thuật công nghiệp, trưởng phòng thiết kế công ty eMedia, chủ quán Quen - một quán rất nổi tiếng trong giới trẻ Hà Nội với cà phê đắng, trà thơm, rượu nồng và những bản nhạc trầm buồn...
Cô gái nhỏ đang dành phần nhiều thời gian của đời sống bận bịu để ẩn náu yên ổn trong không gian thanh tĩnh quán xá, để hoàn toàn trống rỗng không suy nghĩ, hoặc để suy nghĩ thật nhiều.
“Tôi phù phiếm và can đảm. Tôi là đứa phiêu lưu, mang đầy những dư vị của cuộc chơi thời thanh xuân phù phiếm. Tôi chưa bao giờ không chiều mình và chưa bao giờ hối tiếc. Có lẽ bởi tôi tự tin. Tôi tin là tôi giỏi. Tôi tin là tôi có đủ khả năng làm tất cả mọi điều nếu tôi muốn. Tôi tin là tôi bản lĩnh hơn mọi đứa con gái. Tôi tin vào trực giác của tôi, không cần mọi phép suy luận logic. Tôi thông minh. Tôi thích mọi thứ thuộc về tư duy, thích cảm nhận những thứ hoặc vĩ đại hoặc tinh vi.
Tôi đầy đủ thói hư tật xấu. Tôi ngang ngược và xấc láo. Tôi tinh vi. Tôi không biết nghe lời. Nhiều khi còn không biết tôn trọng. Tôi ích kỉ. Tôi khó tính.
Tôi đặc biệt. Tôi làm mọi việc theo cách riêng của tôi. Đôi khi là đứa đặc biệt hay ho, đôi khi là đứa không đáng để chấp nhận. Tôi thích đời sống lông bông. Thích ngồi trà đá vỉa hè yên tĩnh lúc đêm khuya, thích chợ hoa đêm, thích rượu chè nhậu nhẹt bi a với bạn bè chiến hữu, thích rong chơi lang thang khắp nơi, đi đến nơi này nơi khác, làm việc này việc khác..”.
Nguyễn Lê Mai Trinh gạch vài dòng về mình như vậy.
Nguyễn Lê Mai Trinh: "Trong mắt mọi người vẫn là người thành công. Có lẽ vì tôi rất hiểu bản thân"
Tôi biết Trinh vì cô là một designer có tính cách, có gu của riêng mình. Những thiết kế của cô luôn hướng đến sự tận cùng, đôi khi siêu phức tạp, đôi khi đơn giản đến thô mộc, không cầu kỳ màu mè.
Cô cười: “Tôi là một người rất lười, luôn chiều theo ý thích bản thân, không quan tâm đến lý thuyết, tự cao tự đại nhưng trong mắt mọi người vẫn là người thành công. Có lẽ vì tôi rất hiểu bản thân.
Tôi hiểu là tôi đang kiêu ngạo và tôi cho phép mình kiêu ngạo. Tôi hiểu mình một cách tự nhiên, không cần những va vấp, có lẽ đó là một điểm đặc biệt chăng?”.
Như những ngọn gió, thỉnh thoảng, chỉ sau một giờ suy nghĩ, Trinh khoác ba lô lên tàu đi du lịch bụi, và biến mất trong khoảng một tuần. Những chuyến phiêu bạt xa mang lại nhiều niềm vui: khám phá và hưởng thụ thiên nhiên, văn hóa, con người.
Cô kể lại: “Vậy mà, tôi thấy tôi bây giờ giống như con ngựa bất kham đang dần được thuần chủng. Thành công hiện tại là sự yên tĩnh và có bên mình một bờ vai đủ rộng. Bây giờ tôi có người che chắn cho mọi tội lỗi của mình (cười).
Tôi thấy đời yên ổn, dễ chịu, rửa sạch những bất cần và can đảm, lòng mềm như nước. Thời gian đang trôi qua rất đỗi bình yên, không âu lo, không thiếu thốn, không suy nghĩ xa xôi...”.
Với cô gái "bất kham", thành công có lúc lại ập đến từ một bờ vai...
Hà Minh Ngọc và ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng em
“Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại...”
Cảm nhận những thành công nhỏ bé và bình dị chính là nguồn động viên rất lớn, mang lại ý thức về giá trị của bản thân và giá trị của cuộc sống cho mỗi người, bài văn đạt 9 điểm của cô bé lớp 10 Văn Hà Minh Ngọc năm xưa đã gây xôn xao dư luận: Phải chăng là cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi?
Một ngày bận rộn với bình minh sớm, xe buýt, công việc học tập ở lớp, cơm nước giúp mẹ và kèm cặp em gái học..., Hà Minh Ngọc vẫn tranh thủ đọc sách, để bồi đắp thêm những lập luận sắc sảo và sâu xa về triết lí nhân sinh, vẫn học Văn một cách say sưa và thông minh, bồi đắp một nhân cách, một tâm hồn biết thưởng thức, biết rung động và sáng tạo trước cái Đẹp.
Là một học sinh có cá tính chứ không phải một “thợ chữ”, những cảm nhận của em về cuộc sống mang đến niềm tin vào một thế hệ tương lai.
“Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.”
Đang học lớp 11 Văn, khối chuyên THPT trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vừa trải qua kì thi HSG Quốc gia môn Văn, đời sống của cô bé thuộc thế hệ 9x (sinh năm 1991) khiến tôi muốn nhìn thấy lại từng giây phút đang diễn ra, chậm chạp nhưng chắc chắn.
Nhờ điều ấy trái tim và tâm hồn sẽ được thở đúng nhịp hơn, thỏa mãn với những gì đang có và sống hết mình vì nó, lòng nhẹ bẫng an tĩnh và sẵn sàng đón nhận cả những niềm vui, những thành công không dự báo.
Theo Đinh Phương Linh
Tuần Việt Nam