Giới trẻ và những cái “na ná truyền thống”
Một anh chàng đọc sách thấy có dòng tranh Hàng Trống và mua vài tấm về chơi. Bất ngờ bạn anh ta là phóng viên, nhìn thấy bạn treo tranh, nghe bạn kể đi tìm hiểu nguồn gốc của dòng tranh truyền thống của dân tộc. Vài hôm sau, trên báo có một bài viết tên kêu như chuông: “8X và sự bảo tồn truyền thống”!
Đây có lẽ không phải là trường hợp hiếm hoi. Bởi chưa bao giờ như bây giờ, những thứ gần giống với văn hóa truyền thống được báo chí nâng niu và truyền thông nâng đỡ hết mức như thế.
Một sinh viên mê tranh Hàng Trống là điều tốt, nhưng bản thân anh ta cũng không ngờ rằng mình lại trở thành người nổi tiếng dễ dàng nhờ mấy cái sở thích lặt vặt như thế mà còn mang thêm cả một sứ mệnh thiêng liêng trên vai: “Bảo tồn truyền thống”.
Anh ta không có ý định bảo vệ, mà đơn giản chỉ là ý thích nhất thời. Anh ta không có tội khi anh ta thích hay không thích những bức tranh đó. Nhưng với cách nhìn nhận và lăng xê ấy thì nếu một ngày anh ta xé bỏ tranh Hàng Trống để mê tranh trừu tượng của phương Tây, chúng ta có nên quy kết anh ta đang phá bỏ truyền thống?
Mới đây, một số phương tiện truyền thông đang ra sức giới thiệu về một sinh viên và cuốn thư pháp kỷ lục 300m về “Truyện Kiều”. Sinh viên này đã từng được ca tụng như một hiện tượng của giới trẻ với việc bảo tồn truyền thống, nhất là nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Điều này thoạt tiên là sự đúng định hướng “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Nhưng nhìn vào cội rễ của câu chuyện thì lại thấy có điều gì không ổn.
Không ổn bởi cái cách người trẻ này đến với thư pháp và cách anh ta thể hiện “cái mình có” với công chúng. Nó quá ồn ào. Việc coi chuyện viết chữ Việt đẹp là “nghệ thuật thư pháp” cũng là điều còn đang tranh cãi. Bởi nếu thế thì đây không phải là thứ nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, bởi Iran hay một số nước khác cũng có nghệ thuật viết chữ đẹp của họ.
Sở dĩ chữ Việt không dễ được thừa nhận bởi nó là chữ Latinh, không hề có tính tượng hình và cách thảo thư pháp Việt lại được học tập từ thư pháp Trung Hoa. Hơn thế, nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật của tài năng và nhân tâm. Nghĩa là để có được một bức thư pháp đẹp, người ta phải mất thời gian, tâm lực chứ không phải viết theo một thói quen.
Quay lại với anh sinh viên đang thực hiện “kỷ lục” 300m “Truyện Kiều”. Thật khó có thể tin rằng anh ta thẩm thấu được toàn vẹn tác phẩm này trong ý nghĩa lấp lánh của nó. Thảo bức thư pháp này anh cần một người bạn đứng bên cạnh nhắc từng chữ trong từng câu Kiều.
Hơn thế, với mấy chục vạn con chữ, làm thế nào để anh có đủ sự tĩnh tâm và thả hồn vào từng con chữ ấy? Nếu viết mà không hiểu nghĩa của từ thì đó không thể gọi là thư pháp mà nên gọi là vẽ chữ. Có lẽ khi thực hiện bức “chữ vẽ” này, điều duy nhất mà tác giả của nó hướng tới là được nổi tiếng, được xuất hiện và được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.
Điều này dù sao cũng có thể chấp nhận được trong khía cạnh “một người trẻ muốn khẳng định mình”. Thế nhưng, sẽ buồn biết bao nhiêu nếu cứ gán ghép rằng anh ta yêu văn hóa dân tộc đến quên mình, anh ta muốn tưởng nhớ Nguyễn Du, anh ta yêu Kiều... Bởi thực sự, anh ta làm những việc đó trước hết bởi anh yêu bản thân mình và muốn mình được nổi tiếng.
Thử nhìn rộng ra trên bình diện xã hội, vì sao lại có hiện tượng thái quá trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống như vậy? Có lẽ xuất phát từ cách chúng ta hiểu về văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống không có nghĩa là chúng ta sao chép nó một cách vụng về. Bởi như vậy không phải là bảo tồn mà là làm nghèo nàn sức sống của văn hóa truyền thống.
Nếu ví văn hóa truyền thống Việt Nam như một cây cỏ thì cái bản sắc của nó chính là sự mảnh mai, yếu đuối nhưng lại dễ thích nghi, dễ tồn tại và sống lâu bền. Thế nên khi chúng ta muốn dựng nó thành những kỳ đài, thành những cây bách, cây tùng vì tưởng rằng phải như thế mới là tôn vinh, mới là bảo tồn, thì có nghĩa chúng ta đang từ chối, thậm chí giết chết văn hoá truyền thống.
Hãy thử tưởng tượng rằng, với những đứa trẻ sinh ra trong thế kỷ XXI, khi chúng bước vào đời sau hai chục năm nữa, chúng sẽ bắt đầu tìm hiểu văn hóa truyền thống như thế nào khi các lễ hội chỉ là những màn trống hội, những chàng trai, cô gái hóa trang thành “con Lạc cháu Hồng” áo lông chim, thân đóng khố ra hú hét và nhảy múa? Chẳng lẽ, chúng sẽ dựa vào bức thư pháp “Truyện Kiều”, dài thì có dài, to thì có to, nhưng nghèo nàn về ý nghĩa để bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật thư pháp của Việt Nam?
Có một truyền thống rất tốt đẹp mà người Nhật Bản đã làm được là dù phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, nhưng những giá trị cổ của họ như trà đạo, kịch Nô, vẫn được nhà nước bảo tồn và nuôi dưỡng theo nguyên gốc. Có lẽ họ đi trước và nhận ra nhanh một sự thật rằng, trong thế giới ngồn ngộn sự hội nhập, nếu anh không có cái gì riêng biệt, anh sẽ bị tan chảy vào trong những nền văn hóa khác.
Theo Toàn Nguyễn
Công An Nhân Dân