Giới trẻ và lối sống "xê dịch" hướng về thiên nhiên
(Dân trí) - Từ trải nghiệm thực tế ở hơn 20 quốc gia, Dung Trần muốn truyền cảm hứng về lối sống "xê dịch" hướng về thiên nhiên, văn hóa và bảo vệ hệ sinh thái, thay vì check-in chớp nhoáng.
Muốn "xê dịch", phải chuẩn bị hành trang kỹ càng
Dung Trần tên đầy đủ là Trần Thị Phương Dung, là một nhà sản xuất, nhà bình luận và chuyên gia về du lịch và phong cách sống. Dung đã đặt chân đến hơn 20 quốc gia, khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ và những điều kì diệu mà bàn tay con người tạo nên.
Dung Trần cho biết, từ nhỏ cô đã luôn tò mò về các đất nước và con người khác nhau. Mỗi ngày, cô ngồi hàng giờ để đọc sách về các quốc gia, tìm hiểu về từng lá cờ, thủ đô và nét đặc trưng của những quốc gia đó.
Năm học lớp 2, Dung được ba tặng một quả địa cầu, cô nhìn vào và đọc thuộc tên của rất nhiều nước ngay trong năm học đó, và cô nhen nhóm ước mơ được đặt chân đến. Các môn học như Địa lý, Văn, Anh là sở trường của Dung. Lên đại học, cô chọn ngành Hospitality & Tourism Management (Quản trị Du lịch Nhà hàng Khách sạn).
Dung Trần nhận mình là người sống thực tế nhưng đầy mộng mơ. Để thực hiện ước mơ "bay" đến những vùng đất mới, cô lao vào kiếm tiền từ khi còn đi học bằng việc cộng tác với báo chí, ra trường đi làm văn phòng, kinh doanh thời trang, quản lý nhà hàng-khách sạn, bất động sản …Số tiền kiếm được đã giúp Dung đặt chân tới hơn 20 quốc gia.
Từ những chuyến đi dã ngoại với bạn bè, nằm trong những chiếc lều dưới bầu trời đầy sao, khoác ba lô đựng đầy thức ăn để đi bộ hàng giờ, Dung đến các quốc gia Đông Nam Á trong những chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên, sau này là châu Âu, châu Mỹ…
Dung Trần luôn tìm đến những nơi có phong cảnh ấn tượng, cô để ý đến sự nổi bật trong di sản thiên nhiên và văn hóa theo đánh giá của UNESCO. Trước mỗi chuyến đi, cô lên danh sách tất cả các di sản ở địa phương để ghé thăm.
"Tôi tìm hiểu rất kỹ về điểm đến, nơi đó có danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa và thiên nhiên nào, có rủi ro nào về môi trường hay chính trị không. Tôi săn vé máy bay từ sớm để được giá tốt, đặt thuê xe tự lái. Ở những nơi trung tâm thành phố, tôi chọn đi tàu điện ngầm hay xe buýt và thường tìm hiểu trước về hệ thống giao thông của mỗi quốc gia. Thuốc men, sạc dự phòng, điện thoại, bản đồ điểm đến là những thứ không thể thiếu trong hành lý", Dung Trần chia sẻ.
"Du lịch là một cách học hỏi thông qua trải nghiệm về địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, sinh học... Tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau giúp tôi học cách đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người không phân biệt giới tính, màu da. Du lịch giúp tôi yêu thiên nhiên, văn hóa và luôn thấy mình có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái này", Dung nói.
Du lịch trải nghiệm thay vì du lịch check-in chớp nhoáng
Khác với nhiều bạn trẻ có xu hướng du lịch check-in chớp nhoáng, Dung Trần quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm hướng về thiên nhiên và văn hóa. Dung thường ghé thăm các di sản văn hóa hoặc bất kỳ nơi nào liên quan đến các dự án bảo tồn. Theo cô, điều này nhằm giúp các dự án có thêm kinh phí để hoạt động.
"Về với thiên nhiên, khi đi lang thang qua những khu rừng hoang dã, khám phá những ngọn núi cao hùng vỹ hay đi bộ dọc theo bờ biển thân thương... tôi thực sự tìm thấy chính mình. Hòa vào nhịp sống của người dân và văn hóa các địa phương, ăn các món ăn truyền thống của họ, học một chút ngôn ngữ của họ khiến tôi cảm thấy việc du lịch có ý nghĩa hơn", Dung chia sẻ.
Sau mỗi chuyến đi, Dung Trần thường trở về nhà với loạt bài viết trên các trang báo và mạng xã hội. Việc chia sẻ những điểm đến hấp dẫn và kinh nghiệm tham quan tới mọi người là một trong những mục đích "xê dịch" của cô.
Dung thường lựa chọn cách giảm bớt hành lý, tăng thêm sự hiểu biết và ý thức; không ngắt hoa bẻ cành phá hoại tự nhiên, không mua bất kỳ những vật kỷ niệm từ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như rùa, rạn san hô…
Dung cho biết, cô thích cách làm du lịch của Palau, một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển bền vững. Khi đến đảo quốc này, du khách phải cam kết bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên trước khi bước vào.
"Tôi ít đi tour, nhưng nếu có, tôi sẽ chọn tour từ các công ty có uy tín, tốt nhất là những công ty góp phần bảo tồn môi trường. Tôi chọn một chỗ ở thân thiện với thiên nhiên, có đóng góp vào các nỗ lực bảo tồn của địa phương", Dung Trần nói.
Với Dung Trần, việc dành quá nhiều thời gian để check-in sẽ làm lãng phí chuyến đi.
"Tôi không quan trọng việc phải chụp được nhiều ảnh, quay video khi đi du lịch. Mỗi nơi, tôi chỉ chụp một vài hình làm kỷ niệm. Nếu mình dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thì mình còn rất ít thời gian để tận hưởng những điều đẹp đẽ đang diễn ra.
Tôi thường đợi đến khi hoàn tất chuyến đi rồi mới chia sẻ lên mạng, một số chuyến tôi cũng không đăng lên. Việc trải nghiệm thực tế vẫn quan trọng hơn cả", Dung chia sẻ.
Ảnh: NVCC