Giới trẻ Trung Quốc muốn “một nền văn hoá dung hoà”

Cũng như ở Việt Nam, giới trẻ Trung Quốc đang “âm thầm chịu đựng” làn sóng không đồng tình từ những người không cùng thế hệ, về cái gọi là “sự xâm thực độc hại của văn hoá phương Tây”. Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Nỗi lo mất bản sắc

 

Sau 20 năm tiến hành cải cách và mở cửa, giới trẻ Trung Quốc giờ đây có thói quen ăn đồ ăn Mc Donald’s, KFCs... hơn là các món ăn truyền thống (đơn giản vì chúng tạo cho họ cảm giác khác lạ), xem các giải vô địch Italia, NBA, các bộ phim của Hollywood hơn là các bộ phim sản xuất trong nuớc.

 

Kênh thể thao CCTV luôn  phát trực tiếp các trận đấu của giải NBA hàng ngày và lượng fan trẻ Trung Quốc trở thành những độc giả  trung thành của tạp chí NBA hay Slam theo đó cũng tăng.

 

Các ngôi sao trong làng giải trí thay vì sự thống trị của các ngôi sao nội địa như Jackie Chan, Andy Lau trong các năm trước đây thì trong năm 2005 là Michael Jordan (26%).

 

Zhang Yan, một sinh viên năm 2 khoa Quốc tế, trường Đại học Nhân dân Trung Quốc thừa nhận: “Giới trẻ dường như bị cuốn hút bởi nền văn hoá và các sản phẩm của phương Tây bởi vì chúng rất phát triển và luôn đổi mới”. Những bạn cùng tuổi của Zhang đều có thần tượng là những ngôi sao quốc tế, và vì thế thật bất hạnh cho các sản phẩm nội địa khi có sự thống trị của các nhãn hiệu thời trang quốc tế như Adidas hay Nike.

 

Quan niệm về hôn nhân, gia đình của giới trẻ cũng bị ảnh hưởng. Theo cuộc điều tra trong số 2.000 bạn trẻ ở Bắc Kinh, chỉ có khoảng 30% không đồng ý với quan điểm “có thể quan hệ tình dục trước hôn nhân”. Trong số 70% ý kiến đồng ý thì số lượng các bạn trẻ ở độ tuổi dưới 20 nhiều hơn 16% so với độ tuổi 20-30.  Điều này là xa rời với các truyền thống đạo đức của người Trung Quốc.

 

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông (theo những số liệu thống kê của CNNIC, Trung Quốc có 87 triệu người sử dụng Internet, hầu hết là giới trẻ và còn có khả năng tăng trong thời gian tới) thì việc giới trẻ chịu ảnh hưởng trong cách suy nghĩ và lối sống thoáng của phương Tây là lẽ đương nhiên, nhất là các thành phố lớn.

 

Họ đã “cư xử” thế nào?

 

Từ khi chính phủ Trung Quốc có chính sách mở cửa, nền kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới này phát triển như vũ bão. Đi kèm với nó, tất nhiên, phải là sự mở cửa tất yếu đối với cả những trào lưu và lối sống mới tràn vào từ phương Tây.

 

Giới trẻ Trung Quốc bị đặt trước một thách thức quá lớn và mâu thuẫn: Phải “mặc kệ” làn sóng văn hoá mới từ nước ngoài tràn vào, nhưng lại phải khẩn trương làm giàu cho bằng anh bằng em.

 

So với những năm 1980, giới trẻ Trung Quốc ngày nay có lập trường hơn nhiều trước sự ảnh hưởng của văn hoá phuơng Tây, họ không coi nền văn hoá này là duy nhất của nền văn minh. Giới trẻ Trung Quốc muốn pha trộn cả hai nền văn hoá để làm “của riêng” cho thế hệ của mình. 

 

Theo giáo sư Fang Mei Xuan, thuộc viện khoa học chính trị Trung Quốc thì các bài báo nói về giới trẻ Trung Quốc đang bị “phương Tây hoá” là cường điệu, bởi đơn giản là cái giới trẻ cần chỉ là một lời chỉ dẫn để “lấy được” nền văn minh từ làn sóng mới mà vẫn giữ được nguồn gốc dân tộc của mình.

 

Yung Jin, 20 tuổi, SV trường ĐH Bắc Kinh, nói: “Tôi cảm thấy rất nản khi lúc nào những người lớn tuổi cũng nói về chúng tôi như thể một thế hệ mất gốc. Sự thật là chúng tôi không bao giờ đi quá những giới hạn đạo đức truyền thống, nhưng tôi nghĩ chúng tôi không sai khi đón nhận những giá trị văn hoá mới mẻ và hiện đại hơn”.

 

 “Nếu chúng ta định hướng tốt, mong muốn dung hoà của thế hệ trẻ là cực kì tốt cho xã hội Trung Quốc” - Giáo sư Fang nói - “Cá nhân tôi cho rằng bản thân truyền thống văn hóa mỗi nước đã có tính kháng sinh rồi. Chúng ta chỉ nên động viên và định hướng cho họ. Chỉ trích là một sai lầm nghiêm trọng. Điều đó sẽ làm giới trẻ phát chán và lùi xa chúng ta”.

 

Theo Hồng Anh

Sinh Viên Việt Nam/ChinaDaily