Giới trẻ, tranh biện và khởi nghiệp
Trong khi nhiều bạn trẻ tuổi 18 băn khoăn không biết thi đại học ngành gì thì không ít tân cử nhân đứng trước câu hỏi nên đi làm ở đâu, có nên làm trái ngành không.
Theo Khảo sát Giới trẻ Việt 2014 của tổ chức AIESEC được tiến hành trên 2.657 sinh viên/cựu sinh viên tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 44% số sinh viên cho rằng kiến thức họ được trang bị ở đại học không giúp được họ tìm công việc tốt.
Tuy nhiên, theo chị Lê Giang Lam, trọng tài và huấn luyện viên của Vietnam Youth to Debate, vấn đề không chỉ đơn giản là thiếu thông tin, kiến thức. Giới trẻ hiện nay được tiếp cận với rất nhiều thông tin đa dạng về khởi nghiệp, từ trường học, mạng Internet/báo, gia đình, người lớn tuổi có kinh nghiệm, các sự kiện hướng nghiệp...
Ngược lại, theo chị, giới trẻ chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để ra quyết định. “Phương pháp giảng dạy ‘đọc-chép’ và cách học thuộc lòng phổ biến ở Việt Nam đã khiến người học thiếu khả năng phân tích, đánh giá và phản biện thông tin, bên cạnh việc thiếu sự chủ động và khám phá. Bởi thế, việc các em bối rối trước các quyết định quan trọng về sự nghiệp là điều dễ hiểu”.
Quả thực, không ít bạn trẻ gửi hồ sơ xin việc tràn lan, thiếu định hướng. Bạn D, cán bộ của một công ty truyền thông ở Hà Nội, người từng nhảy việc đến 3 lần trong một năm, chia sẻ “Năm ngoái khi ra trường tôi thực sự không định hình được nên xin việc ở đâu. Tôi chỉ biết gửi thật nhiều hồ sơ đến các công ty truyền thông vì đây là ngành học của mình với tâm lý được đến đâu, hay đến đấy”.
Trước thực trạng này, các công ty tuyển dụng đang tìm kiếm những giải pháp để kết nối tốt nhất người tìm việc với doanh nghiệp. Một ví dụ gần đây nhất là Công ty Cổ phần Tìm Việc Nhanh đã khởi động Giải đấu Tranh biện Khởi nghiệp cho các bạn trẻ tuổi 18 đến 25 ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Giải đấu nhận đơn đăng ký từ ngày 04 đến hết 31 tháng 8 năm 2014.
Theo chị Nguyễn Thu Hương, đại diện của Tìm Việc Nhanh, Giải đấu Tranh biện chính là một cách để giải quyết vấn đề thiếu định hướng cũng như kỹ năng khởi nghiệp, xin việc của các bạn trẻ hiện nay. “Khi tranh biện, các em phải đưa ra những luận điểm, lý lẽ dẫn chứng thuyết phục để bảo vệ cho một quan điểm cụ thể và phản biện những lập luận ủng hộ cho quan điểm trái ngược. Với các kiến nghị xoay quanh chủ đề “khởi nghiệp”, các em sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cái được, cái mất của mỗi lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời, đây là cơ hội rất tốt để luyện các kỹ năng giao tiếp, tranh biện, hùng biện, đặt câu hỏi… rất hữu ích cho quá trình ứng tuyển, phỏng vấn”.
Nhu cầu học và thực hành tranh biện bởi vậy ngày càng nhận được nhiều quan tâm từ các trường và chính các bạn trẻ. Điển hình là trong những năm gần đây, rất nhiều cuộc thi tranh biện, tranh luận được học sinh, sinh viên nhiệt liệt hưởng ứng như Ichallenged, BnW của YVS; Giải đấu Tranh biện của Đại học FPT Hà Nội, Debate Tournament của học sinh THPT Hà Nội Amsterdam, Mini Debate Tournament của Y2D…