Giới trẻ tìm về nguồn cội với bộ môn sáo trúc
(Dân trí) - 7h tối, sân ĐHQG HN đã vang khúc hòa ca khi réo rắt, lúc du dương, trầm bổng của tiếng tiêu, sáo trúc, sáo Mèo. Nhóm bạn đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội quy tụ về đây cùng sẻ chia niềm đam mê âm nhạc dân tộc.
“Bước đầu bạn phải học làm chủ hơi của mình, tập sao cho ra tiếng đã là tốt rồi”, ở bên cạnh đài phun nước trong khuôn viên ĐH Quốc gia HN, bạn Đinh Thị Dung (ĐH Thành Đô) đang hướng dẫn một thành viên mới gia nhập CLB Đam San.
“Khó quá”, thành viên mới lên tiếng. Ở một góc khác, thành viên Đỗ Mạnh Hải chia sẻ: “Học thổi sáo rất cần sự kiên trì”.
Cứ thế những người bạn ban đầu chưa hề quen biết nhau đã gắn kết nhờ tình yêu với tiếng sáo. Âm thanh của những nhạc cụ dân tộc làm rộn rã cả một góc sân trường ĐH Quốc gia HN.
Không khí tập luyện hăng say của các bạn trẻ dường như xua tan đi cái ngột ngạt mùa hè và bụi bặm của thành phố đông đúc. Những khán giả ngồi xem đều rất hào hứng trước thú chơi tao nhã của giới trẻ.
Và theo lịch đã ấn định nhóm bạn lại tập trung trao đổi với nhau các kĩ thuật tập luyện từ đơn giản đến phức tạp như: Đánh lưỡi đơn, kỹ thuật luyến, kỹ thuật rung hơi bằng cổ, rung hơi bằng bụng, đánh lưỡi kép,…
CLB khởi nguồn từ các thành viên diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Các bạn đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, ngoài ra còn nhiều bạn trẻ đã đi làm, tham gia để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
CLB ấn định lịch tập từ 19h - 22h30’ vào các tối 2, 4, 6 tại khuôn viên ĐH Quốc gia HN và từ 7h30’ - 11h sáng chủ nhật tại vườn hoa Hà Đông.
Việc gia nhập nhóm cũng rất đơn giản, chỉ cần bạn có đam mê với sáo, mọi thành viên đều sẵn sàng giảng giải cho bạn hoàn toàn miễn phí.
Một cây sáo trúc thường có giá khoảng 100.000đ còn sáo Mèo là 300.000đ. Nếu như sáo trúc hợp với các khúc hát dân ca từ Bắc vào Nam thì sáo Mèo lại thích hợp để thể hiện các khúc hát của vùng cao Tây Bắc.
Nguyễn Vũ Quốc (ĐH Mỏ địa chất) kể về tình yêu với sáo trúc: “Muốn yêu Tổ quốc mình, phải yêu những khúc hát dân ca, đó là lời Bác dạy trước lúc đi xa. Mình cũng yêu những khúc dân ca nên mình chọn học thổi sáo. Học thổi sáo mình thấy tinh thần thoải mái, khỏe khoắn, phấn chấn hơn.
Thời nhỏ mình đã thích thổi sáo. Cứ dặn mẹ ra chợ mua cho cây sáo, sáo hồi đó có 2.000đ. Sau này mình tự mua sách học, tự cảm nhận và thổi, một năm trở lại đây mới được học nhạc lý bài bản từ thầy giáo.
Thực tế là tập chơi sáo không dễ đâu, ban đầu tập thổi thành tiếng, rồi tập lần lượt mở từ một nốt thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp, tập tay cho dẻo, trước khi đi ngủ tập hít đất 20 - 30 cái, sáng dậy lại hít đất khoảng 20 - 30 cái nữa.
Nếu không tập vài ngày là ai cũng bị xuống hơi. Sau một tuần bị sởi mình không tập gì cả phải tập lại từ đầu đấy. Tập tay giống như tập thể dục bình thường, không nên bẻ ngón tay, sau này sẽ bị ảnh hưởng lắm”.
Với con gái không muốn tập hít đất thì có thể tập hít thở sâu, giúp bạn điều khiển làn hơi, có hơi dài. Khi tập luyện ở nhà các bạn có thể tập luyện các kĩ thuật qua việc nhìn vào gương để chỉnh lại cho phù hợp.
Đến giờ chỉ sau một thời gian ngắn tập luyện, thành viên nữ của nhóm là bạn Đặng Thị Dung đã chơi được các tác phẩm như: “Mẹ yêu con”, “Đồng thoại”, “Bèo dạt mây trôi”, “Tình ca Tây Bắc”…
Dung không quên chỉ ra ưu điểm của bộ môn nghệ thuật này: Tập sáo phải uống nhiều nước nên sẽ đẹp da, nếu biết cách thì tập sáo còn tốt cho phổi và lợi cho tim mạch nữa. Còn lời khuyên của Quốc khi mới tập nên bắt đầu bằng những ca khúc đơn giản như “Xòe hoa”, “Sòn sòn sòn đô sòn”,...
Một trong những thành viên đầu tiên của CLB có biệt danh Mão Mèo, SV ĐH Kiến trúc HN ngoài khả năng chơi những kĩ thuật khó còn biết làm sáo và bán cho những người có nhu cầu. Mão còn có nhiều clip thổi sáo, chơi guitar ấn tượng trên Youtube nữa.
Tập sáo rất cần sự kiên trì là bởi bạn phải tự gò mình vào một khuôn khổ, sau này khi quen dần bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Hạnh phúc là khi được thổi lên những tâm sự của lòng mình mà đôi khi lời nói không thể truyền tải được.
Xưa mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, giờ giới trẻ tập thổi sáo trên yên xe máy, xe đạp