Giới trẻ “săn” đồ thời bao cấp giữa phố

Với không ít người trẻ hiện nay, những chiếc balo con cóc, đôi dép cao su... mang hơi hướng thời bao cấp được họ "săn" tìm. Đặc biệt, không ít món đồ dù có tiền, người mua cũng khó có thể sở hữu với số lượng nhiều hơn 1.

"Mốt" balo con cóc, dép râu

 

Một lần, đứng trước cổng trung tâm luyện thi trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhóm học sinh tai nghe nhạc, dùng điện thoại iPhone 4S nhưng lại đeo sau lưng một chiếc balo con cóc. Hình ảnh đó khiến tôi và nhiều người bạn thấy là lạ.

 

Dường như đọc được sự băn khoăn của tôi và mọi người, bà chủ quán nước ở gần trung tâm lý giải: "Giờ chúng gọi những người sử dụng các đồ thời bao cấp như balo con cóc, mũ tai bèo, dép cao su... là "dân chơi lành mạnh" đó. Tôi cứ nghĩ, chỉ có những người như chồng tôi và người nhiều tuổi mới thích những món đồ giản dị của một thời đã qua. Ai ngờ, giờ những người trẻ có điều kiện cũng thích chúng".

 

Không chỉ có những cô cậu choai choai thích thú với những món đồ mang hơi hướng "quân khu", không ít người có tiền, thành đạt vẫn "mê" những món đồ này. Anh Phạm Văn Huy, nhân viên công ty xuất nhập khẩu thang máy tại Hà Nội, chia sẻ: "Từ trước đến giờ, tôi vẫn muốn "tậu" một "em" dép cao su để đi khi thoát khỏi công ty, văn phòng.

 

Sau bao ngày "săn" lùng, cuối cùng tôi đã tìm được sản phẩm "vang bóng một thời" đúng với bản chất nguyên sơ của nó. Không chỉ tôi "mê" mà bố tôi còn "mê" hơn. Vì nó khiến bố tôi được nhớ về một thời hào hùng và quan trọng nữa là nó cũng tiện lợi trong việc đi lại. Nó đặc biệt chỉ có ở Việt Nam".

 

Ở các miền quê, việc tìm được một cửa hàng bán các trang phục "quân khu" này là khá khó. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Hà Nội thì có cả những con phố dài chuyên bán các món đồ này. Phố Lê Duẩn (Hà Nội), trước cổng bệnh viện 105 thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đều có rất nhiều cửa hàng chuyên bán dép cao su, balo con cóc...

 

Những sản phẩm mang hơi hướng "quân khu" được bán đổ đống ở phố Lê Duẩn có giá khá mềm. Thấy chúng tôi đi một nhóm đông, bà chủ cửa hàng đồ "quân khu" nằm trên phố Lê Duẩn đon đả mời chào. Theo người chủ cửa hàng này, thì những chiếc balo con cóc, mũ tai bèo được dân đi phượt khá ưa chuộng. Giá cả phụ thuộc vào chất liệu của sản phẩm.

 

Những đôi dép cao su dành cho đủ các lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già, giá cũng chỉ dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/đôi. Một chiếc balo con cóc có giá từ 70.000 đồng đến 200.000 đồng. Khách hàng mua, được thoải mái mặc cả giá và mua nhiều sẽ được giảm giá "bất ngờ".

 

Dép cao su nguyên thủy được dân chơi săn tìm.
Dép cao su "nguyên thủy" được dân chơi săn tìm.

 

Anh Ánh, chủ một cửa hàng bán các loại đồ "quân khu" trên phố Lê Duẩn cho biết: "Ngày trước, những chiếc balo con cóc, dép cao su chủ yếu dành cho những người trung niên hoặc những người có tuổi chút. Họ thường thích sự giản dị, vẻ "từng trải" trong những món đồ này.

 

Giờ có cả các bạn trẻ thích những món đồ từng gắn liền với một quá khứ hào hùng của cha ông với chiếc balo con cóc và đôi dép cao su từng đi vào lịch sử. Tuy nhiên, những người trẻ có điều kiện thường yêu cầu khá cao với những trang phục kiểu này. Những món đồ bán kiểu hàng loạt ở các phố thường ít khi đáp ứng được yêu cầu của khách VIP".

 

Chi tiền triệu để có hàng "độc"

 

Theo chia sẻ của anh Huy, dân "mê" đồ "quân khu" chỉ cần nhìn qua là biết đồ đổ đống hay đồ xịn. "Dù ở Hà Nội có cả một phố chuyên bán các sản phẩm này nhưng nhìn những chiếc balo con cóc có vẻ dại dại, màu sắc không được như hàng "xịn" đúng chất đồ "quân khu".

 

Đặc biệt, các loại dép cao su được bày bán kiểu vỉa hè thường là dép cao su đúc, đi mềm nhũn. Người sành và "say" đồ "quân khu" phải đi những đôi dép cao su sản xuất theo kiểu "nguyên thủy" (được làm từ các loại lốp xe, tức là cao su đặc). Quan trọng nhất là nó phải nhìn giống những kiểu dép từng một thời đi vào thơ ca, lịch sử".

 

Theo tìm hiểu của PV, những dân chơi thứ thiệt thường chọn đặt hàng ở một địa chỉ duy nhất, còn làm dép cao su thủ công ở Hà Nội. Ở đây, người thợ làm dép cao su đúng theo cách "nguyên thủy". Những chiếc lốp cao su của ô tô, xe máy được tuyển lựa để dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm độc đáo chỉ có ở Việt Nam này.

 

Người thợ sau khi chọn nguyên liệu có đủ độ dày cần thiết rồi mang về xén thành từng phần, từng đoạn. Lốp cao su đã qua sử dụng thường hay có vết lồi lõm, sứt mẻ, người thợ phải chọn được được những phần lốp dày đều nhau để đức ra những đôi dép có chất lượng và kiểu dáng đẹp nhất.

 

Anh Nguyễn Duy Khánh (Thủy Nguyên, Hải Phòng), một dân "mê" dép cao su cho biết: "Đi dép cao su thì phải là dép được sản xuất hoàn toàn thủ công và nguyên liệu xẻ từ lốp ô tô khổng lồ hoặc lốp máy bay là nhất. Những đôi dép được làm từ nguyên liệu đó, cực vừa "phom" chân. Nếu ai đã từng đi dép cao su bán kiểu đại trà, đổ đống thường không chuẩn "phom". Kích cỡ dép cũng chỉ có 2 -3 loại.

 

Chính vì dép không có nhiều size nên khi đi vào sẽ không vừa "phom" chân và trông lè phè rất chán. Tôi được bạn bè giới thiệu và đặt cho mình một đôi vừa từ một cửa hàng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội). Những đôi dép cao su này đi miễn chê, rất chắc, lội mưa hoặc đi đường địa hình không sợ bị trơn hoặc tuột quai, đế dép khoanh trông như dép đúc, không có một sợi chỉ nào sót lại".

 

Tuy nhiên, giá của những đôi dép "vang bóng một thời" theo kiểu hàng "độc" này cũng không hề thấp. Trung bình, mỗi đôi dép cao su được bán với size có sẵn, làm theo kiểu đơn giản có giá từ 230.000 đồng đến 500.000 đồng.

 

Đặc biệt, với những sản phẩm được gọi là "vua dép" với thiết kế độc, lạ, giá lên đến một triệu đồng. Với những ai mê sản phẩm "độc" này thì giá cả không phải là vấn đề lớn, quan trọng nhất là chúng "độc" và chất lượng. Đặc biệt là cái cảm giác vừa giản dị nhưng vừa rất dân chơi khiến không ít người lặn lội "săn" tìm chúng.                                     

 

Mỗi người chỉ được mua một đôi!

 

Tại cửa hàng làm dép cao su trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), các loại dép râu, dép cao su làm theo đơn đặt hàng của khách từ Bắc vào Nam. Điều đặc biệt, mỗi khách hàng chỉ có thể được mua một đôi trong một năm.

 

Tất cả khách hàng dù ở đâu khi đặt hàng đều được lưu lại danh tính và được chủ cửa hàng "giám sát" suất mua trong năm. Ở đây, dù có tiền bạn cũng không thể muốn là được mua nhiều. 

 

Theo Hoàng Mai

Đời sống & Pháp luật