Giới trẻ rủ nhau lên phố chụp hình lưu giữ không khí Tết ở Hà Nội
(Dân trí) - Giới trẻ háo hức chụp bộ ảnh Tết trên đường phố Thủ đô vào những ngày cuối năm này.
Những ngày qua, giới trẻ Hà Thành đổ xô tới Phố cổ Hà Nội để lưu giữ hình ảnh không khí xuân về tràn ngập trên đường phố. Đường phố Hà Nội những ngày này đã tràn ngập sắc đỏ cũng những cành lan, cành đào đẹp mắt.
Những tiểu thương bán đồ trang trí Tết đã sớm bày bán hàng trăm mẫu mã, kiểu dáng đồ khác nhau. Con phố Hàng Mã và những tuyến phố lân cận những ngày này nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Bạn Mỹ Hạnh (20 tuổi, đến từ Bắc Ninh) kể về trải nghiệm chụp hình của mình: "Hà Nội những ngày cuối năm dường như ai cũng hối hả hơn. Hôm mình đi chụp ảnh đã thấy rất đông người lên phố mua sắm, chụp ảnh. Dù hơi khó để có được một tấm hình đẹp, nhưng sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, mình cảm thấy rất vui khi cuộc sống đã bình thường trở lại".
Lệ Linh (20 tuổi, đến từ Phú Thọ) chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên mình được tận hưởng không khí Tết tại Thủ đô. Để hòa cùng không khí Tết rạo rực, mình quyết định cùng bạn bè chụp một bộ ảnh mặc áo dài trên phố cổ".
Quang Phú (20 tuổi, đến từ Bình Phước) cho biết: "Mình đặc biệt yêu thích sự hoài niệm, cổ kính của những dãy phố cổ Hà Nội. Mình và các bạn đã rất kì công từ khâu chọn áo dài, chọn bối cảnh chụp thật phù hợp với tinh thần chúng mình muốn hướng đến.
Khi được mặc trang phục áo dài truyền thống, mình thấy rất tự hào. Chiếc áo dài mình mặc là loại cách tân chứ không phải áo dài theo nguyên gốc. Cá nhân mình thấy áo dài cách tân phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp vốn có của áo dài truyền thống".
Phú bộc bạch: "Qua bộ ảnh này, chúng mình mong muốn có thể gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống bằng nhiều cách thức mới mẻ, phù hợp với quan điểm của thế hệ trẻ ngày nay".
Là một người trẻ Việt, Phú khẳng định thế hệ trẻ có rất nhiều người luôn cố gắng tìm ra những sân chơi phù hợp với quan điểm sống hiện đại, nhưng vẫn không lãng quên giá trị văn hóa truyền thống. "Tìm hướng đi mới cho những điều "xưa cũ" là cách mà giới trẻ tiếp nhận và phát triển văn hóa dân tộc", Quang Phú nói.