Giới trẻ quan niệm như thế nào về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Đức Chung

(Dân trí) - Sau khi trải qua hơn hai năm tìm việc và làm việc trực tuyến, những người trẻ tuổi đang có cái nhìn mới về khái niệm này.

Giới trẻ quan niệm như thế nào về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống? - 1

Cụm từ "cân bằng công việc - cuộc sống" không phải là thuật ngữ chính xác nhất để mô tả nhu cầu của tất cả mọi người (Ảnh: Getty).

Cân bằng là trạng thái chúng ta đạt được mọi thứ mình muốn. Ai cũng muốn chọn một con đường tốt nhất cho bản thân. Ngày nay, quan điểm về sự cân bằng đó đang ngày càng nâng lên một mức độ cao hơn, và các công ty đang chịu những áp lực mới trong việc đem đến trải nghiệm làm việc tốt hơn cho nhân viên.

Đối với người trẻ, và cả những người thích làm việc kết hợp trực tiếp - trực tuyến, vấn đề cân bằng này thực sự cần thiết.

Những thay đổi trong tương lai của việc làm

Theo dữ liệu của Monster, 36% nhân viên công sở ở Mỹ tiết lộ rằng họ đã từng nghĩ đến bỏ việc - với tần suất nhiều lần/tuần. Và có gần 25% cho biết họ thấy khổ sở với công việc hiện tại, muốn tìm công việc khác.

Đã có nhiều bạn trẻ liên tục thay đổi công việc. Theo nghiên cứu của Fidelity, 61% người trong độ tuổi từ 25-35 ở Mỹ đã "nhảy việc" trong những năm gần đây, hoặc có ý định chuyển chỗ làm. Tương tự, khảo sát của Microsoft cũng chỉ ra có 52% Gen Z và thế hệ Millennial đã cân nhắc việc chuyển chỗ làm trong năm nay.

Vậy nguyên do là từ đâu? Theo Microsoft, tỷ lệ người trẻ nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe tinh thần hay sức khỏe thể chất chiếm 24%, sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống chiếm 24%, và công việc thiếu linh hoạt trong nơi làm việc hoặc thời gian làm việc chiếm 21%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Monster cũng cho thấy 74% nhân viên cảm thấy cấp trên của họ không quan tâm đúng mực đến sức khỏe của họ.

Ý nghĩa thực sự của "cân bằng công việc - cuộc sống"

Mục đích và sự phát triển

Ai cũng khao khát được thể hiện kỹ năng, tài năng, và khả năng của bản thân. Cơ hội được là một phần trong bộ máy lớn, đóng góp được công nhận chính là điều quan trọng đối với người lao động. Vì thế, các công ty phải cho nhân viên biết rằng họ được coi trọng.

Đặc biệt hơn, những người trẻ đều muốn phát triển sự nghiệp. Theo Fidelity, 63% nhân viên trẻ tuổi nói rằng được tăng lương, thưởng hay tăng chức sẽ khiến họ ở lại ở công ty lâu dài hơn.

Một văn phòng phục vụ đầy đủ mọi nhu cầu của nhân viên sẽ giúp tăng năng suất làm việc. Theo Steelcase, chỉ có 21% nhân viên muốn được làm việc trong văn phòng, trong khi 64% muốn có không gian cộng tác cũng như 61% muốn có không gian làm việc riêng tư.

Sự linh hoạt và quyền lựa chọn

Cân bằng công việc - đời sống cũng được tính toán dựa theo mức độ làm việc linh hoạt cao hay thấp, và quyền được lựa chọn địa điểm, thời gian, cách thức làm việc. Nhân viên muốn các lãnh đạo tôn trọng họ và đánh giá họ theo cách toàn diện, chứ không phải chỉ theo cách họ xoay xở trong công việc.

Trong báo cáo gần đây của Monster, 57% người trẻ được khảo sát cho rằng khả năng được tập trung vào cả công việc lẫn cuộc sống là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá công việc yêu thích, nhưng có 65% trong số đó cảm thấy việc làm hiện tại của họ không có yếu tố này. Theo Fidelity, 65% người trẻ đặt tính linh hoạt trong việc lên lịch làm việc và cơ hội làm việc tại nhà làm ưu tiên hàng đầu.

Tựu trung lại, cân bằng công việc - cuộc sống chính là khả năng linh hoạt trong công việc, từ đó, người trẻ mới có thể dành thời gian cho gia đình, bạn bè, và sở thích cá nhân cũng như công việc.

Chú trọng sức khỏe

Một khía cạnh cơ bản khác của cân bằng chính là cảm giác khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. Điều này đã trở nên quan trọng hơn trong vài năm trở lại đây, và hầu hết mọi người đều ưu tiên sức khỏe hơn là công việc.

Theo Monster, các công ty ngày càng quan tâm đến nhân viên hơn bằng cách cung cấp những hỗ trợ tinh thần, mở rộng phúc lợi, trợ cấp cho các hoạt động thể chất. Mặc dù không phải nhân viên nào cũng sử dụng được hết những quyền lợi này, nhưng một khi họ thấu hiểu được sự quan tâm của công ty, họ sẽ có xu hướng cam kết gắn bó với công ty lâu dài hơn.

Theo www.fastcompany.com