Giới trẻ Palestine không sống thử

Saleem Hammad, 19 tuổi, người Palestine (SV khoa ngôn ngữ học – ĐH KHXH&NV Hà Nội), cho biết hầu hết giới trẻ ở nước này không sống thử trong tình yêu.

Đại học đang là lựa chọn của phần lớn 9X Việt Nam, ở Palestine thế nào?

 

Vì học đại học rất tốn kém nên hầu hết chúng tôi khi tốt nghiệp trung học sẽ đi làm. Thực tế có nhiều bạn tốt nghiệp đại học, nhưng kiếm được ít tiền hơn vì chưa có kinh nghiệm. Phần lớn thanh niên Palestine đi làm ở Israel vì lương được trả cao, dễ kiếm việc hơn.

 

Ở Palestine có chuyện giới trẻ sống thử không?

 

Hoàn toàn không vì tôn giáo không cho phép chuyện sống thử. Nếu tôi và một cô gái có đính ước thì đều phải đeo nhẫn, có thể đi chơi, đi ăn cùng nhau, giúp đỡ nhau, nhưng tất cả chỉ dừng ở đó. Dù ở quốc gia, tôn giáo nào thì theo tôi chuyện sống thử cũng là không nên và thiệt thòi thường do con gái gánh chịu.

 
Giới trẻ Palestine không sống thử

Với bạn trẻ Palestine, không có chuyện "sống thử" trước hôn nhân. (ảnh minh họa)
 

Việc hỏi vợ ở Palestine có khác Việt Nam không?

 

Bạn trẻ Việt Nam có thể tự do yêu, kết hôn rất dễ dàng, nhưng ở Palestine phức tạp hơn. Đầu tiên, mẹ tôi sẽ tìm kiếm người bà ưng ý rồi kéo theo vài phụ nữ khác đi xem mặt.

 

Khi mẹ ưng ý, tôi mới được nói chuyện từ xa với cô gái để cảm nhận có hợp nhau không. Nếu tôi đồng ý, bố cùng những người đàn ông khác sẽ đến nhà cô gái để đặt vấn đề.

 

Trên bàn có 2 cốc cà phê, bố tôi là người uống trước. Nếu bố của cô gái cũng uống có nghĩa ông đồng ý với cuộc hôn nhân hoặc ngược lại. Tiếp đó, bố cô gái và bố tôi sẽ bắt tay nhau để giao ước.

 

Vậy đám cưới có tốn kém không?

 

Lễ cưới ở Palestine thường rất đông và nghiêm trang. Sau đó chúng tôi sẽ tổ chức tiệc cưới, một tiệc dành cho đàn ông, một tiệc dành cho phụ nữ. Tất cả người thân và làng xóm sẽ đến dự tiệc. Để có một đám cưới tiêu tốn khá nhiều tiền.

 

Cuộc sống ở Hà Nội có khác Palestine nhiều không?

 

Thức ăn ở Việt Nam hoàn toàn khác với Palestine. Ở Việt Nam, mọi người ăn mọi thứ với cơm, còn ở quê tôi hầu hết là bánh mỳ. Tôi thích uống trà đá vỉa hè nơi có thể trao đổi với bạn bè đủ thứ chuyện.

 

Điểm đặc biệt ở Hà Nội là nếu không có xe máy thì rất khó sống. Tôi cũng đã mua xe máy và thấy rất tiện lợi. Tuy nhiên, tôi thường xuyên bị tai nạn vì không quen đi xe trên đường phố Hà Nội và sợ nhất là tắc đường.

 

Cảm ơn Saleem.

 

“Tôi thích vào ĐH ngành cơ khí - kỹ thuật, nhưng học phí quá cao trong khi bố mẹ không bao cấp. Vì vậy tôi theo học miễn phí tại trường quân đội. Sau đó tôi được nhà trường chọn sang Việt Nam du học miễn phí trong 4 năm. Kết thúc khóa học, tôi có thể sẽ là phiên dịch viên A rập - tiếng Anh - tiếng Việt, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Palestine" - Saleem nói.

 

Theo TPO