“Giờ cao su”

Mỗi lần tổ chức liên hoan lớp, Hiếu (Đại học Thương mại) đều phải dùng chiêu … hẹn sớm hơn ít nhất một tiếng để “trừ hao” thời gian. Tuy nhiên vẫn có người...đến muộn.

Tớ sắp đến rồi...

Đây là suy nghĩ phổ biến của một bộ phận lớn giới trẻ Việt Nam hiện nay. Là lớp trưởng, Hiếu phải đến sớm hơn trong tất cả các cuộc họp lớp, liên hoan, dã ngoại, và luôn ở trong tình trạng đợi chờ người trễ hẹn...

“Muốn tổ chức chương trình đúng giờ cũng không được, vì chỉ được lèo tèo vài người. Mình cũng không bao giờ dám tổ chức đi xem phim hoặc nghe nhạc bởi vì chờ cả lớp đến đông đủ thì … khán giả xem xong ra về hết rồi”.

“Sắp đến rồi” cũng được xem là một trong những "chiêu" nói dối “kinh điển” nhất của giới trẻ. Họ "hồn nhiên" trấn an bạn bè, mặc dù vẫn đang loay hoay chưa biết nên mặc cái áo này hay chiếc váy kia.

Minh họa: LAP
Minh họa: LAP

Đi chơi còn "cao su" được, còn đi học thì tình trạng này càng trở nên nhức nhối hơn. Trên giảng đường đại học, hiếm khi thấy cả lớp đến đủ vào đúng giờ học. Muộn 15 - 20 phút, thậm chí muộn cả tiết, những kẻ xài “giờ cao su” chỉ cần cười xòa và vin vào cớ tắc đường, hỏng xe là xong chuyện.

Ở môi trường cần ý thức tự giác cao, thầy cô nhiều khi cũng chỉ ngán ngẩm lắc đầu chứ không đặt ra hình phạt nghiêm khắc nào. Dung (Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), “chuyên gia” đi học muộn, cười trừ: “Thầy cô đến lớp không giảng bài ngay đâu, phải đợi một lúc để ổn định lớp rồi mới vào bài học, đến sớm cũng vẫn phải đợi người đến sau mình”.

Điều đáng nói là ít ai kiên định với nguyên tắc đúng giờ để thay đổi tư duy của người khác, mà thường dựa vào vấn nạn “giờ cao su” để điều chỉnh lại thời gian của chính mình.

“Trâu chậm uống nước đục”

Có những bạn trẻ sẵn sàng dậy thật sớm, thậm chí không kịp ăn sáng để đi săn vé bóng đá, xếp hàng mua điện thoại đúng ngày ra mắt,… nhưng lại luôn để người khác phải dài cổ chờ đợi trong các hoạt động khác.

Điều này xuất phát từ thói vị kỷ, cá nhân, chỉ mong được việc mình mà không tôn trọng thời gian của mọi người. Tuy nhiên không ít kẻ xài “giờ cao su” phải khóc dở, mếu dở vì thói quen tai hại của mình.

Việt (Đại học Kinh tế Quốc dân) đến giờ vẫn tiếc nuối công việc “trong mơ mình cũng không thể có được”, chỉ vì anh bạn đã bỏ lỡ cơ hội do quen thói “giờ cao su”: “Mình nộp CV và trải qua vòng thi viết rất suôn sẻ, nhưng đến buổi phỏng vấn, bên tuyển dụng hẹn 2 giờ chiều, mình lại nghĩ chắc 3 giờ mới chính thức diễn ra, tên mình bắt đầu bằng chữ V chắc sẽ được gọi gần cuối nên 3 rưỡi mới ra khỏi nhà. Tới nơi mình không được vào phòng chờ phỏng vấn bởi công ty tuyển dụng yêu cầu rất nghiêm ngặt khoản đúng giờ”.

Nhiều cô nàng tự cho mình quyền đến muộn trong buổi hẹn hò để … nâng cao giá trị bản thân, không ngờ lại phản tác dụng. Đa số các bạn nam không thể chấp nhận việc hẹn hò với một cô nàng không biết cách sắp xếp thời gian của chính mình.

Thói quen sử dụng "giờ cao su" không khiến bạn tiết kiệm được thời gian, ngược lại còn tước đi nhiều quyền lợi mà lẽ ra bạn đáng được hưởng. Một trong số những quyền lợi đó là sự tôn trọng của người khác.

Theo Thùy Linh
Tuổi trẻ thủ đô