Giật mình với "thế giới di động" của học trò quê

Trong “thế giới di động” của những học trò trường làng có không ít những câu chuyện “tày đình” khiến nhiều người phải giật mình.

Dùng điện thoại để “khoe” người yêu

 

Tuy bé nhỏ nhưng chiếc điện thoại di động đã trở thành cả thế giới với nhiều cô cậu tuổi teen. Nhất là với học trò ở nhiều vùng quê, chiếc điện thoại càng được coi trọng.

 

Tuy điều kiện kinh tế chưa phải là khá giả, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cố gắng trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại để tiện liên lạc và cho “bằng bạn bằng bè”.

 

“Lớp em bạn nào cũng có. Không có xấu hổ lắm” – Tuyên - cô bé HS lớp 10 của một trường khá xa ngoại thành Hà Nội vô tư nói. Cũng theo cô bé này, học sinh lớp 7, lớp 8 ở quê bây giờ cũng đã dùng điện thoại, số em có điện thoại phải chiếm quá nửa lớp.

 

Chẳng biết từ bao giờ, nhiều cô cậu học trò trường làng thậm chí còn coi điện thoại như một đồ vật để ra oai với bạn bè. Các em hồn nhiên coi đây là một cách khẳng định mình.

 

“Lớp em hơn 40 bạn nhưng chỉ khoảng ba, bốn bạn là chưa có máy. Còn lại thì đứa “bét” nhất cũng là máy 1200 (Nokia 1200 – PV). Đứa “xịn” nhất có cái máy Samsung cảm ứng.

 

Những đứa không có điện thoại thì cũng có sim, có số, thỉnh thoảng lại mượn máy lắp sim vào nhắn tin, gọi điện. Nhiều đứa ít tiền, toàn mua máy cũ để “khoe”. Máy rẻ thôi nhưng đem ra lớp cũng đỡ mất thể diện”, Tuyên khẳng định.

 

Tuyên cho biết, không riêng gì con trai mà ngay cả con gái cũng có hiện tượng  “đua” nhau qua việc dùng điện thoại di động. Cá biệt, còn có những bạn nữ thay điện thoại liên tục, giải thích là do “người yêu tặng”, vừa để khoe điện thoại, vừa để khoe người yêu!

 

Chỉ với một, hai trăm nghìn, nhiều cô cậu học trò quê đã xoay sở được điện thoại cũ để bằng bạn bằng bè. Thêm một cái sim sinh viên giá rẻ với tài khoản vài ba chục nghìn khuyến mại hằng tháng là đủ để thi thoảng “a lô”, “tít tít”. Thế nhưng hỏi ra, thì hầu như các em cũng chỉ dùng điện thoại để nhắn tin trêu nhau, thỉnh thoảng nhấm nháy chơi, chứ những mục đích phục vụ học hành thì hầu như không có.

 
Giật mình với "thế giới di động" của học trò quê  - 1
Trong “thế giới di động” của những học trò trường làng có không ít những câu chuyện đáng giật mình.
 

Thức thâu đêm nhắn tin với… “vợ”

 

Nhiều gia đình ở nông thôn  trang bị cho chiếc điện thoại di động nhưng  phụ huynh chưa biết cách quản lý việc dùng điện thoại của con dẫn đến những tình huống hết sức bi hài.
 

Chị Nguyễn Thị Hằng (Thạch Thất, Hà Nội) còn chưa hết nẫu ruột kể về cậu quý tử nhà mình. Sau vài tháng mua điện thoại cho con dùng, gần đây chị thấy con suốt ngày dính lấy cái điện thoại, tí tách nhắn tin liên tục. Lo lắng, nên tranh thủ một hôm con trai quên điện thoại ở nhà, chị mở máy ra kiểm tra. Ai ngờ, trong hộp thư đến của con trai chị đầy ắp tin nhắn từ một số được lưu tên “Vk iu”.

 

Thứ ngôn ngữ trong tin nhắn thì dù nghĩ nát óc chị cũng bó tay không dịch ra,  phải sang nhờ cô con gái nhà hàng xóm đọc giúp. Đến lúc ấy, chị mới ngã ngửa vì hầu hết là những tin nhắn tình cảm triền miên thâu đêm suốt sáng của con mình.

 

“Vk iu”  theo ngôn ngữ tuổi teen có nghĩa là “Vợ yêu”. Chúng không chỉ vô tư xưng “vợ chồng”, mà còn nhắn tin mùi mẫn đến mức chị cũng phải rùng mình, hẹn hò đi uống trà sữa, đi chơi điện tử cùng nhau cũng vào toàn những giờ mà đáng ra con chị phải đang ngồi trên lớp!

 

Hoảng hốt, chị Hằng vội gọi con về, tra hỏi bằng được, tịch thu điện thoại và gia tăng giám sát con liên tục.

 

Teen nữ sốc vì lang thang online qua điện thoại

 

Bố mẹ Hương – lớp 10 trường M.L – Hà Nội ngoài làm ruộng còn đi phụ hồ ở xa để kiếm thêm thu nhập. Hương là con lớn nên được bố mẹ ưu ái gửi tiền mua cho một chiếc điện thoại “xịn”, ngót nghét 2 triệu đồng.

 

Từ ngày có điện thoại,  Hương cảm thấy mình “lên đời” hẳn so với nhiều bạn bè trong lớp vì có máy đắt tiền, tài khoản lúc nào cũng rủng rỉnh vì được bố mẹ chu cấp. Thế nhưng cũng chính chiếc điện thoại đẩy em vào nỗi khổ sở.

 

Được bạn bè dạy cho cách tải và sử dụng phần mềm chat trên điện thoại, thời gian đầu, Hương gần như “mê mẩn” chat. Thế giới của cô nữ sinh trường làng vốn chỉ nhỏ hẹp trong lớp, ngoài trường, rồi về nhà với mấy đứa em nay được “mở ra” với những người bạn ảo.

 

Song Hương nhanh chóng vỡ mộng khi một lần làm quen với bạn mới, sau màn giới thiệu, trao đổi số điện thoại, cô bé bị người kia rủ rê “chat sex” với những ngôn từ thô bỉ. Chưa kịp phản ứng, Hương lại nhận được những bức ảnh “bẩn” của kẻ bệnh hoạn. Hoảng sợ, Hương vội vàng tắt máy. Nhưng kẻ kia chưa buông tha, suốt tuần sau đó còn gọi điện trêu chọc.

 

“Kể với bạn cháu chúng nó chỉ cười bảo cháu “nhát”. Nhiều đứa bảo như thế là bình thường, chúng nó lúc đầu cũng ghê, nhưng gặp nhiều nên “quen”, chả thấy sợ gì hết. Có đứa con sẵn sàng “chat” lại”, Hương tâm sự.

 

Ai biết được đằng sau những lần “thử” như thế, các cô bé, cậu bè ngây thơ này còn “thử” và “mê” những trò gì trong mỗi lần lang thang online bằng di động.

 

Theo Minh Tâm

Vietnamnet