Giật mình teen ra yêu sách đầu năm học
(Dân trí) - Những câu chuyện đầu năm học của nhiều cô cậu học trò “nóng” lên bởi những món quà của bố mẹ vì việc… chịu đi học của mình. Được đến trường là một quyền lợi nhưng không ít cô cậu lại bám vào đó “tung” yêu sách đòi bố mẹ đáp ứng.
Không có LX, không đến trường
Ngày gặp mặt đầu năm thay vì hỏi thăm kỳ nghỉ hè, kế hoạch học tập nhiều cô cậu học trò giành nhau khoe những “chiến lợi phẩm” vừa “vặt” được từ chính bố mẹ nhờ việc đi học. Nếu không là tiền mặt để túi lúc nào cũng rủng rỉnh, thoải mái chi tiêu thì cũng là quà tặng bằng hiện vật. Chí ít là những món đồ cá nhân như dày dép, túi, quần áo… hơn chút nữa là điện thoại, máy nghe nhạc.
Ngày tựu trường, cách cổng trường cấp 3 N.C.T (trên đường Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình, TPHCM) chưa đến trăm mét, cô học trò học lớp 11 “cua” chiếc xe LX màu trắng mới cong, rồ mạnh ga đâm thẳng vào điểm trông xe của một nhà dân như thể xe “xịn” phải được “ưu tiên”. Một nhóm nườm nượp đến gửi xe ở đây đứng trước lối ra vào chờ cô bạn bước ra rồi cùng xúm lại hỏi thăm về chiếc xe.
Lạ là, thay vì ái ngại thì các người bạn đều nhìn Anh xuýt xoa và ngưỡng mộ. Một anh chàng cao nhất nhóm khen bạn rồi buông lời thất vọng vì chỉ đòi được chiếc xe số. Trên đường từ bãi gửi xe vào trường dịp đầu năm học, cái này cái nọ “gặt hái” được từ bố mẹ rôm rả hơn cả với các cô cậu học trò.
Con đưa việc học ra làm “yêu sách” để vòi vĩnh nên bên cạnh những lo toan đầu năm cho con đến lớp, nhiều phụ huynh phải gánh thêm những yêu cầu của con. Những đòi hỏi chủ yếu để “đua” với bạn bè nếu không được đáp ứng nhiều đứa con sẵn sàng tung ra các yêu sách, nào là sẽ không chịu học, nào là bỏ học, kịch liệt hơn đến đòi chết. Thậm chí, họ còn xem việc đòi hỏi bố mẹ là một cuộc đua với bạn bè xem ai “mạnh tay” hơn.
Cô Thương, một phụ huynh ở phường Phước Long (Q.9) than thở, ngoài tiền sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho hai đứa con vào năm học, vợ chồng cô còn phải đầu tư khoản lớn để mua điện thoại cho thằng em vào lớp 9 và thay xe máy cho cô chị lên lớp 12.
Quen chiều việc học của con bằng các phần thưởng vật chất nên cô Thương không quá bất ngờ khi con đòi đổi điện thoại, đổi xe. Thế nhưng khi cô từ chối đáp ứng yêu cầu của con thì lập tức cả hai đứa cùng “ăn vạ” trả lại sách vở cho bố mẹ vì “con không đi học thì sách vở làm gì”. Cuối cùng để con chịu đến trường cô bấm lòng rút sổ tiết kiệm sắm đồ theo yêu cầu của con.
Học vì… quà
Việc học là một quyền lợi của các bạn trẻ nhưng không ít bạn “vin” vào đây, nắm được điểm yếu của bố mẹ để đưa ra những đòi hỏi với phụ huynh. Năm học mới, quay lại trường học là một cái cớ không dịp nào tốt hơn để những yêu cầu ấp ủ của nhiều bạn được đáp ứng. Đồng hành cùng sách vở, bút viết mới đầu năm học không ít học trò còn rủng rỉnh thêm nhiều món quà mà chắc hẳn ít ông bố bà mẹ nào tự nguyện sắm sanh cho con nếu không do con… vòi vĩnh hay đưa ra yêu sách đòi mua.
Khi dùng việc học để đưa ra yêu sách với bố mẹ, các bạn trẻ quên mất rằng không ít người thèm khát con chữ nhưng không thể đến trường vì hoàn cảnh. Việc học đầu tiên là cho bản thân chứ không phải học cho bố mẹ nên đừng để mục tiêu học tập chỉ là những phần thưởng, những món quà từ bố mẹ mà không phải vì kiến thức cho mình.
Khi yêu sách của các bạn trẻ được đáp ứng, cũng cần nhìn lại trách nhiệm của các phụ huynh. Không có thời gian quan tâm, động viên con, nhiều phụ huynh thường dùng tiền, quà tặng làm phần thưởng khuyến khích con học mà lại không quản lý, định hướng con biết trân trọng, sử dụng đúng mục đích, hợp lý phần thưởng đó. Dần dần, hình thành trong tâm lý trẻ rằng mình đang học cho bố mẹ nên phải có… thù lao. Khi yêu cầu không được đáp ứng, họ liền ra đưa ra các yêu sách.
Phụ huynh cần có thái độ dứt khoát với con trong việc học, giúp con đến với việc học bằng sự thích thú và cả trách nhiệm chứ không để nhập nhằng lẫn lộn phần thưởng và việc học. Khi con dựa vào việc học để đòi hỏi những thứ không hợp lý cần phân tích cho con hiểu và bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình. Bên cạnh đó, bố mẹ đừng quên động viên, khuyến khích con học vì những mục đích đúng như nâng cao kiến thức, nâng cao giá trị bản thân.
H.N