Giật mình ngôn ngữ “@ phẩy”

Cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình mau chóng khôn lớn, trưởng thành. Ấy nhưng, con cái giờ “trưởng thành” thần tốc quá khiến nhiều phụ huynh “choáng”!

Chào thua các cô cậu U12!

Tại một ngã tư đường mọi người đang dừng lại chờ đèn xanh, chợt vang lên giọng nói trong leo lẻo: “Tôi bảo bà cứ tin tôi đi, đừng nghe con ý “chim lợn” rồi chẳng ra ngô ra khoai gì đâu”. “Tôi biết thế, nhưng con chó ý nó cứ khăng khăng là nó tận mắt thấy. Khốn nạn thế không biết!”. Hai cô bé chắc chừng U12 vẫn tiếp tục thao thao bất tuyệt sau ông xe ôm đội mũ cối mặc cho bao ánh mắt ngạc nhiên và tò mò đổ dồn về...

Với học trò tiểu học, có lẽ chẳng ai còn ngạc nhiên khi nghe chúng bàn với nhau về “cho một chưởng chết cả nút”, “thích bật à?”, “phun ra máu”, “tử chiến”, “quả này ta phải báo thù”...  một cách đầy hồn nhiên. Câu chuyện còn tiến xa nữa khi các U “trưởng thành” hơn.

Một lần tình cờ nghe được câu chuyện trong một quán net gần trường PTTH K.L giữa hai ô mai áo trắng. Chuyện chị em, tất nhiên không chạy đâu ngoài chuyện “các ông”, nhưng câu chuyện đã lên tới một “trình cao” đến nỗi mà người nghe chỉ biết “câm nín”.

Thằng N. nó bảo nó định yêu con ý, nhưng thấy con ý bị “bóc tem” rồi, nó yêu tao”. “Mày về hỏi lại ông N. sao mà ông ý biết rõ thế? Hay bố ý thử rồi?”. “Mày điên à, thằng ý mà thử rồi có mà qua được mắt tao. Nó bảo bà bán thuốc đầu P.N.T nói con ý mua thuốc phá thai 2 lần rồi cơ!... Mà tao định đi làm ở quán karaoke, nhưng thằng N. không cho, tao đành bỏ, giờ chẳng có việc gì, chán bỏ mẹ. Nó thì cứ vác... đi suốt ngày” ...

Ngày ngày, bọn trẻ cứ lao đầu vào máy tính với chat và Internet. Về đến nhà, cha mẹ cứ gọi là mát lòng mát dạ khen con mình hiền như... hến. Chỉ đến khi tình cờ nghe cậu quý tử tán phét với đứa bạn cũng “hiền như... hến” nào là “con này ngon” rồi “sốc hàng”... thì mới ngã ngửa người ra.

Đâu là tinh hoa hoá chuẩn tắc?

“Chúng nó bây giờ khác xa với mình quá! Sao mà chúng có thể nghe được những thứ nhạc gào thét tình yêu điên loạn như thế nhỉ! Nghe mà ong hết cả óc”. Nếu ngày xưa, học sinh sợ thầy cô giáo như thế nào, “tôn sư trọng đạo” như thế nào thì giờ là thời đại dân chủ hoá rồi, mọi chuyện phải khác! Trò thấy cô thì “Hey gơn”, thấy thầy thì “lão này xoè bài với tao suốt ý mà!”.

Nhịp sống hối hả dường như đã làm lộn tung hết mọi giá trị vốn được coi là lý tưởng của một thời?

Theo Minh Thư
Tiền Phong