Giảng viên Lý - Sinh: “BTC Olympia nên có lời xin lỗi chân thành”
(Dân trí) - Theo giảng viên Nguyễn Minh Tân, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý - Sinh, trường ĐH Y dược Thái Nguyên, câu trả lời của Hoàng Bách là rõ, thậm chí đó còn là câu trả lời hay và sắc sảo.
Sau những đánh giá của TS. Phạm Văn Lập, để rộng đường dư luận, PV Dân trí tiếp tục có cuộc trao đổi với giảng viên Nguyễn Minh Tân, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý - Sinh, trường ĐH Y dược Thái Nguyên về những tranh cãi xung quanh câu trả lời của thí sinh Hoàng Bách tại vòng thi Về đích trong trận Chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2014.
Được biết thầy Nguyễn Minh Tân là chủ biên cuốn Giáo trình Vật lý - Lý sinh, NXB ĐHQG Hà Nội, 2010 và là nguyên Ủy viên BCH Hội Lý Sinh Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Vật lý -Y khoa Việt Nam. Hiện thầy là Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm nhiệm giảng dạy môn Lý sinh y học tại Đại học Thái Nguyên.
Đa số ý kiến gửi về Dân trí cho rằng trong phạm vi kiến thức phổ thông và giới hạn thời gian trình bày, câu trả lời của Hoàng Bách là hoàn toàn chính xác.
Khi đánh giá về câu hỏi của chương trình “Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng?” có thiếu chặt chẽ như một số ý kiến đánh giá hay không, giảng viên Nguyễn Minh Tân cho biết: Nếu là một câu hỏi cho một bài thi chuyên ngành thì chưa thật chặt chẽ.
Tuy nhiên với một cuộc thi truyền hình dành cho học sinh, phạm vi là các kiến thức phổ thông, đại chúng, thì câu hỏi BTC nêu ra là chấp nhận được (với cách hiểu ngầm, nước muối dùng sát trùng được thì tất yếu là có độ trương lớn hơn dịch bên trong tế bào của vi khuẩn).
Với cách nhìn nhận đó, thầy Tân khẳng định: “Câu trả lời của Em Bách đã hội đủ 3 tiêu chí là: trả lời đúng, theo cách diễn đạt trong SGK môn Sinh lớp 10 PTTH mà em được học (yêu cầu về kiến thức), diễn đạt nhanh, ngắn gọn (yêu cầu về kĩ năng) và gắn được lí thuyết với thực tế (yêu cầu về thái độ). Và vì vậy, theo tôi, câu trả lời của em Bách là rõ, đủ, thậm chí, đó còn là câu trả lời hay và sắc sảo”.
Cũng theo thầy giáo từng có 36 năm giảng dạy môn Vật lý - Lý sinh, việc BTC hay các ý kiến tranh cãi nên xếp câu hỏi này thuộc lĩnh vực nào là không cần thiết bởi “tri thức phục vụ cuộc sống, khoa học ngày càng phát triển làm nảy sinh nhiều chuyên ngành mới, có tính “liên ngành” ví dụ Hóa - Sinh, Hóa - Lý, Lý - Sinh, Toán – Tin, Kinh tế - Chính trị…".
Về câu giải thích của BTC mà MC Tùng Chi nêu ra bị đánh giá là “sai cơ bản về kiến thức thẩm thấu”, giảng viên Nguyễn Minh Tân cho rằng cách diễn đạt của MC Tùng Chi như vậy là không chuẩn xác.
Thầy giải thích: “Bản chất của hiện tượng thẩm thấu là dòng dung môi, cụ thể ở đây là nước, vận chuyển từ nơi dung dịch có mật độ vật chất thấp sang nơi có mật độ vật chất cao hơn, qua màng bán thấm.
Màng bán thấm, cụ thể ở đây là màng tế bào, không cho các phân tử chất hòa tan, cụ thể ở đây là muối, đi qua (nên mới gọi là màng bán thấm)”.
Với việc giải đáp những tranh cãi về câu hỏi – đáp án của BTC và câu trả lời của Hoàng Bách, thầy Tân cho rằng: “Nếu ghi nhận ý kiến phân tích trên, và thừa nhận có sai sót (rõ ràng là có), BTC nên có một lời xin lỗi chân thành.
Trong khoa học, sơ suất vẫn thường xảy ra, ngay cả một số năm, đề thi đại học được kiểm soát rất kĩ, rất chặt mà vẫn có sai sót. Sai thì nhận, rút kinh nghiệm và khắc phục cho lần sau. Không cần và không nên cố lí giải, bao biện thêm nữa”.
Liên quan tới giải thưởng được trao, “dù sao cuộc thi cũng đã khép lại, giải đã trao cho em Nhân, và quả thực, em Nhân rất xứng đáng, nên theo ý tôi, cũng không nhất thiết đặt vấn đề thi lại hay thi hiệp phụ, có thể sẽ lại nảy sinh nhiều vấn đề khác.
Đối với em Bách, Đài truyền hình, Bộ GD-ĐT, các tổ chức xã hội, các trường đại học, các nhà hảo tâm… có thể xem xét, vận động trao cho em một giải thưởng phụ nào đó, hoặc giúp em một suất học bổng sau khi em tốt nghiệp vào năm học tới vì thực sự là em rất xứng đáng”, thầy Tâm kết luận.
Trong số hàng ngàn nhận xét, bình luận của độc giả Dân trí gửi về, không ít chuyên gia, giảng viên cùng chung tay phân tích vấn đề “Dung dịch nước muối” gây tranh cãi.
Xin phép trích đăng nội dung do TS. BS Trần Bá Thoại - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng gửi tới báo. “…Hiện tượng thấm thấu qua một màng bán thấm được giải thích như các hình sau (trích trên internet): Các phân tử nước và chất hòa tan sẽ di chuyển thụ động qua màng bán thấm theo chênh lêch áp suất thẩm thấu (osmotic pressure gradient). Tốc độ di chuyển phụ thuộc vào trọng lượng phân tử và độ cồng kềnh của cấu trúc hóa học không gian; vì thế bao giờ nước cũng theo muối nhanh hơn là muối thấm ngược vào nước!
Thí sinh Nguyễn Hoàng Bách đã rất đúng khi vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu đã được học trong chương trình sinh học lớp 10, theo đó “Khi đưa vi sinh vật vào môi trường nhiều đường, muối, tức là môi trường ưu trương thì nước trong tế bào vi sinh vật bị rút ra ngoài, gây co nguyên sinh”.
Cần lưu ý, trong cơ thể sống như tế bào, mô sinh vật, là các phân tử hòa tan có hai cách vận chuyển: một là vận chuyển thụ động, không cần năng lượng, qua các gradiet áp lực thấm thấu, trọng lực.. và hai là vận chuyển chủ đông, cần năng lượng, qua các bơm sinh học (ví dụ bơm Na, bơm K, bơm Proton, bơm Glucose…) ở màng tế bào, nhờ các bơm này các phân tử chất hòa tan mới có thể được bơm “ngược” với gradient nồng độ dễ dàng.
Lời bàn
Đã 36 năm dạy học, tôi thấy giáo viên khi ra đề trắc nghiệm cần phải lưu ý đáp án: đúng và đặc hiệu (chỉ có một và không lẫn lộn). Học viên khi trả lời cần phải đọc kỹ đáp án cho chuẩn. Còn nhớ câu chuyện “Đầu cừu đuôi thủy thủ” gây tranh cãi ồn ào cách đây ít lâu cũng vì chuyện này.
Có khá nhiều cuộc tranh tài (contest) ở Việt Nam chúng ta, trên Chiếc nón kỳ diệu, Ai là triệu phú… cả trên Đường lên đỉnh Olympia này, BTC đã không cẩn trọng khi đưa ra những câu hỏi “không rõ ràng” nên “đẻ ra” những câu trả lời “gượng ép” và thậm chí là sai”.
TS.BS Trần Bá Thoại - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng |
Lê Trường (thực hiện)