Chủ biên SGK Sinh học: “Hoàng Bách trả lời hoàn toàn đúng và đủ”
(Dân trí) - Theo TS. Phạm Văn Lập, giảng viên bộ môn Sinh học đánh giá câu trả lời của Hoàng Bách về “dung dịch muối” là hoàn toàn chính xác, đồng thời thầy khẳng định lời giải thích của MC Tùng Chi cho câu hỏi này là sai.
Ít ngày qua, những tranh cãi xung quanh câu trả lời của thí sinh Hoàng Bách tại vòng thi Về đích trong trận Chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2014 vẫn tiếp tục diễn ra.
Cho dù Ban cố vấn chính thức có lời giải đáp đồng thời VTV quyết định giữ nguyên kết quả chung kết Olympia 2014 nhưng điều này dường như vẫn chưa thỏa mãn kỳ vọng của đại đa số độc giả báo Dân trí.
Hầu hết ý kiến đều tập trung vào 3 vấn đề: Câu hỏi đã đủ chặt chẽ chưa? Câu trả lời của thí sinh Hoàng Bách là “đúng trọn vẹn” hay “đúng nhưng chưa đủ”? Câu giải thích mà MC Tùng Chi đưa ra có “sai cơ bản về kiến thức”?
Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Văn Lập, cựu giảng viên chính khoa Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN), trực tiếp giảng dạy khối THPT chuyên Sinh của Đại học Khoa học Tự nhiên, nay là trường Chuyên KHTN và là đồng chủ biên SGK Sinh học lớp 10 và 12, để làm rõ thêm thắc mắc của độc giả.
PV: Về câu hỏi “Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng?”, một số ý kiến cho rằng đây là câu hỏi “thiếu chặt chẽ”. Bởi chỉ có dung dịch ưu trương và nhược trương mới có tác dụng làm chết vi sinh vật (tính sát trùng) còn dung dịch đẳng trương thậm chí là môi trường tốt cho sự phát triển của vi sinh vật. Thầy có đồng tình với ý kiến đó?
TS. Phạm Văn Lập: Theo tôi, một số ý kiến cho rằng “thiếu chặt chẽ” là đúng nhưng vẫn có thể chấp nhận được.
Thiếu chặt chẽ là ở chỗ, dung dịch nước muối có tính sát trùng hay không phụ thuộc vào nồng độ muối của dung dịch. Nếu nồng độ muối trong dung dịch là 0,7% thì là dung dịch đẳng trương với vi khuẩn nên không giết được vi khuẩn. Ở nồng độ này, nồng độ chất tan bên trong hầu hết tế bào vi khuẩn gây bệnh bằng với nồng độ muối bên ngoài.
Nếu nồng độ muối của dung dịch bên ngoài thấp hơn bên trong tế bào thì dung dịch đó là nhược trương cũng không giết được vi khuẩn. Lý do là khi đó nước từ dung dịch muối sẽ thẩm thấu vào bên trong tế bào nhưng chỉ đến một mức độ nhất định vì tế bào vi khuẩn có thành tế bào nên tạo thành sức cản khiến nước không thể đi vào thêm.
Điều này cũng giống như bạn bơm xe đạp bằng tay thì khi bơm căng bạn không thể bơm thêm được nữa vì lốp xe có lực cản lớn. Như vậy chỉ có dung dịch ưu trương thì mới giết được vi khuẩn.
Chúng ta thường mua dung dịch muối sinh lý hay nước biển để súc miệng nhằm sát trùng. Dung dịch này có nồng độ muối là 0,9%, gọi nó là dung dịch sinh lý vì với tế bào người nó là đẳng trương nên không giết tế bào miệng của chúng ta nhưng ở nồng độ này nó lại là ưu trương với các vi khuẩn trong miệng của ta. Vì vậy nước muối 0,9% có tính sát khuẩn mà vô hại với người. Lưu ý nếu bạn tự pha nước muối mặn hơn nồng độ 0,9% thì sẽ bị tụt lợi đó lý do là tế bào chân răng cũng bị nước muối tiêu diệt.
Tuy nhiên, như trên tôi nói dù câu hỏi không chặt chẽ nhưng cũng chấp nhận được ở chỗ học sinh có thể trả lời là trong trường hợp nào thì sát trùng, trong trường hợp nào thì không, giống như em Bách đã trả lời, khi dung dịch muối là ưu trương thì vi khuẩn sẽ mất nước mà chết.
Thầy Phạm Văn Lập cho rằng câu trả lời của Bách về "dung dịch muối" là hoàn toàn đúng và đủ.
Về câu trả lời của Hoàng Bách, có ý kiến là “đúng nhưng chưa đủ”, nhưng cũng có ý kiến cho rằng “thế là đủ”. Theo thầy, câu trả lời bạn Hoàng Bách đã “đúng trọn vẹn” với những kiến thức được truyền đạt từ SGK?
Nếu nói “câu trả lời của Bách đúng nhưng chưa đủ” thì tôi không đồng ý. Thậm chí trên báo một số ý kiến cho là "chấp nhận được" cũng không thực sự đúng. Câu trả lời của em Bách là hoàn toàn đúng và đủ vì nó hoàn toàn đúng với những kiến thức các em đã được học trong SGK. Nói là đủ và chính xác nữa vì nó chuẩn hơn cả lời giải đáp trong chương trình.
Cũng nhiều tranh cãi về việc câu hỏi này nên xếp loại Hóa học, Vật lý, Sinh học hay cả 3. Theo thầy câu hỏi này nên trả lời theo chuyên ngành nào là hợp lý và như BTC, xếp theo chuyên ngành Hóa học liệu đã đủ?
Chúng tôi đã đưa vấn đề này vào SGK sinh học 10. Sinh học là môn tổng hợp bao gồm cả kiến thức hóa, lý thậm chí cả toán học.
Ở khía cạnh vật lý thì chỉ đề cập đến sự khuếch tán của các chất mà trong trường hợp này là sự thẩm thấu (sự khuếch tán của nước). Theo nguyên lý khuếch tán, nước sẽ khuếch tán từ nơi có nồng độ chất tan thấp đến nơi có nồng độ chất tan cao.
Còn về hóa học thì liên quan đến nồng độ. Trong các tài liệu sinh học của thế giới thường đề cập đến vấn đề này và câu hỏi được xếp vào lĩnh vực sinh học vì nó không chỉ đòi hỏi học sinh nắm được nguyên lý khuếch tán, nồng độ dung dịch mà cái chính phải nắm được đặc điểm bán thấm của màng tế bào là nó cho nước đi qua dễ dàng nhưng lại không cho các ion như Na và Cl qua lại một cách tự do.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng câu giải thích mà MC Tùng Chi nêu ra là “sai cơ bản về kiến thức thẩm thấu”. Thầy đánh giá thế nào về câu giải thích mà MC Tùng Chi đưa ra?
Về giải thích mà MC Tùng Chi đưa ra sai hay đúng? Tôi trả lời là sai. Như ở trên đã nói màng tế bào vi khuẩn là màng bán thấm cho nước đi qua nhưng không cho rất nhiều chất có hại với tế bào đi vào trong tế bào. các chất ion như Na và Cl mang điện nên không qua tự do được mà nếu tế bào có nhu cầu nó phải dùng bơm vận chuyển chủ động vào trong tế bào và việc này cần tiêu tốn năng lượng của tế bào, các loại ion này cũng có thể đi qua một số kênh protein xuyên màng để vào trong tế bào nhưng việc này cũng phụ thuộc vào các hoạt động của tế bào.
Đáp án nói muối đi vào trong tế bào nên nó đẩy nước ra khỏi tế bào lại càng sai. Vì giả sử bằng cách nào đó Na và Cl vẫn vào được tế bào thì các ion này sẽ liên kết với nước chứ không đẩy nước.
Na tích điện dương, còn phân tử nước có phần tích điện dương có phần tích điện âm nên phần tích điện dương sẽ liên kết với Cl mang điện tích âm còn phần mang điện tích âm của nước sẽ liên kết với Na.
Vì thế nếu Na và Cl đi vào trong tế bào thì không những nó không đẩy được nước ra mà còn hút thêm nước vào bên trong tế bào vì lúc đó nồng độ chất tan bên trong sẽ cao hơn bên ngoài nên nước sẽ thẩm thấu từ bên ngoài vào bên trong tế bào chứ nước bên trong tế bào không ra ngoài được.
Nếu có một giải pháp để gỡ rối lúc này, theo thầy, BTC nên làm gì?
Giải pháp cho Ban tổ chức là nên tổ chức câu hỏi phụ cho hai em thi. Có sai sót thì phải sửa. Sai sót cũng là chuyện bình thường. Nếu sai thì sửa có sao đâu.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này.
TS. Phạm Văn Lập là giảng viên chính khoa Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) đã nghỉ hưu. Ngoài việc dạy ở khoa Sinh học về môn di truyền và tiến hóa, thầy còn trực tiếp dạy khối THPT chuyên Sinh ĐH Khoa học Tự nhiên (nay là trường Chuyên KHTN).
Ngoài ra TS Phạm Văn Lập còn là đồng chủ biên sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và 12, đồng thời gần 20 năm qua, thầy luôn dẫn đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế.
Gần đây nhất, thầy cùng đoàn Việt Nam dự Olympic Sinh học quốc tế (từ ngày 5-13/7/2014) tại Indonesia trở về với kết quả cả 4 học sinh VN đều đoạt huy chương (1 HCB và 3 HCĐ). |
Lê Trường (thực hiện)