Giảng viên 8X, sáng tác 3.000 bài thơ hào hùng về sử Việt

(Dân trí) - Sáng tác 3.000 bài thơ về lịch sử Việt Nam, cập nhật bằng facebook để các bạn trẻ, cộng đồng mạng am hiểu hơn, thích thú hơn với môn lịch sử… Những điều này không giống công việc mà một giảng viên dạy... tiếng Anh tại một trường quân sự đang làm.

Tuy tuổi đời còn trẻ, lại được sống và học tập ở Mỹ, Úc, nhưng giảng viên trẻ Đỗ Cao Sang lại khá đam mê với những giá trị truyền thống của dân tộc. Trong giờ rảnh rỗi, ngoài đọc việc đọc sách danh nhân lịch sử, làm thơ, viết thư pháp, anh còn chơi sáo, vẽ tranh…

Giảng viên 8X, viết 3.000 trang sử bằng thơ!

Đỗ Cao Sang - tác giả của hơn 3000 bài thơ sử được đưa lên fanpage facebook miễn phí cho người đọc Việt Nam

Và điều đặc biệt nhất có lẽ chính là hơn 3000 bài thơ thể ngũ ngôn (5 chữ) về danh nhân và sự kiện lịch sử Việt Nam được anh phổ biến trên mạng xã hội. Anh lập trang Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca (VNQSDC) chỉ với mục đích duy nhất là đưa những bài thơ về lịch sử để giúp người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, yêu và tìm hiểu về lịch sử dân tộc nhiều hơn.

Theo chủ nhân của VNQSDC, ban đầu chỉ làm thơ như một sở thích, nhưng sau này được nhiều bạn bè động viên, anh mới mạnh dạn lập Fanpage và đưa dần từng bài lên mạng xã hội.

“Niềm vui lớn nhất chính là sự đón nhận của độc giả trẻ, những em học sinh, sinh viên đọc và bình luận một cách chân thành và tự nhiên. Tuy VNQSDC hoàn toàn không phải một trang kinh doanh hay trang giải trí nhưng mà số lượt người vào “thích” ngày một nhiều, số lượng người đọc bài cũng lớn dần và đó là điều tôi thích thú nhất”.

Đối với một người giáo viên tiếng Anh bình thường,  việc viết thơ 5 chữ sao cho hợp vần là không hề dễ dàng. Vì thế, viết sao cho hay, ngắn gọn, dễ hiểu và có cảm xúc, đi vào lòng độc giả, lại có thể miêu tả những chi tiết lịch sử sống động lại càng khó hơn. Nếu không có một niềm đam mê lớn với sử và thơ, chắc chắn người viết đã không thể hoàn thành bộ một tập thơ đặc biệt như thế này.

Anh Sang cho biết, anh đến với bộ môn Lịch sử, làm thơ về Sử cũng là một cái duyên tự nhiên: "Tôi đam mê thơ văn, lịch sử  từ hồi nhỏ. Sau khi tích lũy lượng kiến thức tạm chấp nhận được, tôi bắt đầu sáng tác các bài thơ năm chữ với mọi thể loại khá lộn xộn theo cảm hứng như thơ sử, thơ triết lý, tâm trạng, thơ dịch từ tiếng Hán, tiếng Anh, thơ chân dung các nhân vật nổi tiếng, thơ bình luận văn học, thơ về các bài thuốc Nam...”

Fanpage Facebook Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca m

Fanpage Facebook "Việt Nam quốc sử diễn ca" mới ra đời nhưng đã và đang được các bạn trẻ trên mạng xã hội đón nhận một cách tự nhiên

Anh Sang chia sẻ thêm, từ hồi nhỏ, anh đã tỏ rõ là một học sinh có năng khiếu về văn học và nghệ thuật nhưng phải cố che giấu vì sợ bạn bè chê cười là “thiếu nam tính”.
 
Anh ngồi trong lớp chuyên văn, lớp bị coi là “đồng bóng”, nhưng lại mơ sang lớp chuyên lý toán mặc dù hai môn này anh không có chút năng khiếu nào. Dù sao, lớn lên, anh cũng may hơn nhiều bạn khác là đã theo học tiếng Anh - một ngành có liên quan nhiều đến xã hội nhân văn (XHNV). 
 
Anh cảm thấy tiếc cho một số bạn bè có sở trường về văn học ngày đó, chỉ vì thành kiến vô lý của xã hội mà phải bỏ sang học Toán, Lý, Hóa để cả đời phải trình diễn những sở đoản của mình.
 
Khi trưởng thành, ai cũng nhận ra rằng, người ta phải vận dụng kiến thức XHNV vào cuộc sống nhiều hơn là kiến thức khoa học tự nhiên (KHTN). Tuy nhiên, hiện nay, tư tưởng trọng KHTN, “khinh rẻ” KHNV ở phổ thông trung học vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Đó là tư tưởng chung của phụ huynh, giáo viên và xã hội. Anh Sang làm thơ năm chữ về lịch sử Việt Nam cũng không ngoài việc khắc phục thành kiến vô lý này.

Việc chọn thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) được anh Sang giải thích: Thể thơ năm chữ không bị gò về luật bằng trắc. Bốn câu chỉ có một cặp vần bằng (ở câu 2 và câu 4) nên khá dễ đối với ai quen làm thơ. 

Yêu và say mê với Sử, anh Sang tâm sự: “Sử là bộ môn quan trọng, bởi bộ môn này tổng hòa nhiều kiến thức xã hội nhân văn trong đó và cũng là tất cả nền văn hóa/văn hiến của nhân loại, của một cộng đồng quốc gia có được.
 
Nhưng ở nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế trong dạy và học sử, tôi hy vọng những bài thơ sử của tôi góp phần nhỏ bé để các em học sinh bớt sợ môn Sử và thấy thích nó hơn”.
 
Về công việc sáng tác, anh Sang nói: “Một ngày tôi có thể làm ba bốn bài trong thời gian nghỉ ngơi. Tôi coi làm thơ là nghỉ ngơi. Đọc tài liệu, chuẩn bị, chọn lọc các chi tiết để đưa vào thơ mới thực là công việc.
 
Tôi không quá kỳ vọng 3000 bài thơ sử trên mạng xã hội sẽ thay đổi cách học về sử của người trẻ, nhưng hy vọng những người đã và đang đọc nó sẽ hiểu và tiếp thu nhanh hơn những gì từng được gọi là khô cứng và nhàm chán”.

N.T