Giảng đường vẫn… “mùi bánh chưng”

(Dân trí) - “Ở công sở, người ta đã đi vào ổn định thì sinh viên giờ mới vào thời điểm “lai rai”. Xem ra cũng phải cuối tháng giêng mới mất sạch… mùi bánh chưng, lúc đó mới ngó đến sách vở”, một nam sinh trường ĐH Thương mại “bộc bạch”.

Đến hôm qua, 18/2 (12 âm), các trường đại học mới nhập học. Được nghỉ Tết dài nên giảng đường sau Tết không vắng như mọi năm. Lớp đông đủ nhưng phần lớn sinh viên vẫn đến lớp cùng tinh thần “ăn Tết”. 

 

Sau Tết, lớp học đông đủ là vì…

 

Ngay buổi học đầu tiên sau Tết, ở nhiều trường đại học cảnh sinh viên đến trường đã nhộn nhịp như ngày thường. Nhà xe kín chỗ, trong lớp đều đặn 5 sinh viên chen chúc một bàn. Nhìn vào cảnh này, ít ai nghĩ đây là cảnh học tập sau Tết. 

 

Cảnh đông đúc ở giảng đương như thế, gần như không giảng viên nào phải tính đến chuyện điểm danh, vì nhìn xuống lớp không còn chỗ trống. Có giảng viên trường Sư phạm còn gật gù khen: “Năm nay các anh chị ý thức tốt. Ăn chơi không quên nhiệm vụ”. 

 

Thu Hà, cán bộ lớp của khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết: “Lớp em chẳng vắng một ai, chỉ một vài người đi muộn một chút. Có năm trước, ngày đầu sau Tết, chỉ lèo tèo vài sinh viên đến lớp, thầy cô nản quá còn cho nghỉ học”. 

 

Lý do rõ nhất giảng đường sau Tết năm nay không lèo tèo là vì sinh viên được nghỉ Tết một thời gian dài, đến tận 12 âm các trường mới chính thức nhập học. Hơn nữa, trước Tết, rất nhiều sinh viên “trốn rét” về nhà sớm, nên ít người dám nghỉ thêm nữa vì còn khoản điểm danh.

 

Đinh Dũng, sinh viên năm 3 HV Ngân hàng bộc bạch: “Mọi năm phải đi học sớm nên bọn mình hay “lẩn” thêm thời gian ở nhà. Năm nay học muộn, thời tiết lại mưa mưa rét rét nên ở nhà đến cuối mấy ngày còn mùng là hết cái để chơi, hết việc để làm. Vì thế, quay ra trường thôi”. 

 

Lê Anh Sáng, ĐH Bách khoa cũng vì ở nhà nhiều quá cũng chán: “Trước Tết lạnh quá nên mình đã “nhổ neo” trước cả tuần về nhà. Đến tận 17/2 (11 âm)  mình mới lên Hà Nội, tính ra mình đã nghỉ Tết tròn 25 ngày. Giờ mà nghỉ thêm là bị “loại khỏi vòng thi” như chơi vì vượt phép số tiết được nghỉ”. 

 

Một lý do sinh viên không “cao su” là vì năm nay, Valentine trùng vào ngày mùng 8 Tết, nên một bộ phận không nhỏ sinh viên có người yêu quay ra sớm hơn để cùng “người ta” đón ngày này.

 

Thu Hà, khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Cả phòng trọ 5 người chỗ em đều kéo lên đón Valentine cùng bạn trai nên đều lên sớm. Vì thế này bọn em mới không ở nhà, không thì còn nghỉ dài”. 

 

Giảng đường vẫn… “mùi bánh chưng” - 1

Sinh viên tập trung đông đủ thế này, nhưng mấy ai trong số đó đã hoàn toàn thoát khỏi không khí tết? Trong ảnh: Lớp K52, Báo chí, ĐH KHXH&NV buổi đầu đến lớp sau Tết không vắng một sinh viên nào. (Ảnh: Hoài Nam) 

 

Đến lớp, chơi là chính

  

Sau Tết đi học đúng ngày xem như là một thành tích của sinh viên nhưng đến trường chẳng mấy ai… đi học vì việc học nên giảng đường đông đủ, sinh viên lại càng lai rai chuyện hậu Tết. 

 

Chẳng có không khí trầm lắng như ngày học thường, lớp học lúc này rôm rả hơn bao giờ hết. Sau một thời gian về với gia đình, hình như ai cũng có nhiều chuyện hơn để nói. Mà nhất là chuyện đón Tết của tớ, chuyện đón Tết của cậu. Thế là từng nhóm tụm năm tụm bảy ngồi buôn chuyện ngay lúc thầy giảng bài. Sách vở, bút thước đâu chẳng thấy, trên bàn dăng đầy “quà Tết” nào là hạt dưa, bánh kẹo. 

 

“Túi sách của tớ hôm nay chỉ để đựng hạt dưa, bánh kẹo mang từ nhà lên. Ai cũng mang thế này, đến để còn tí tách mà nói chuyện Tết với nhau chứ. Đón Tết với gia đình rồi, giờ là lúc Tết bạn bè, chứ đầu năm ai học làm gì”, Thùy Nhung, ĐH Luật nói.

 

Nhiều nhóm còn mang cờ bạc đầu năm đến giảng đường. Một bộ bài, là một góc lớp đã rộ lên vì trò chơi đỏ đen. Nhìn ngoài chẳng mấy ai biết nhưng bên trong giảng đường, Tết vẫn còn ngập tràn…

 

Sinh viên ngồi dưới “chơi” chuyện Tết, thầy ở trên giảng bài cũng mấy ai muốn nhắc vì biết các em vừa ăn Tết xong, đâu dễ tập trung ngay được. Có thầy cố gắng “độc giảng” cho hết giờ, hoặc quay sang trò chuyện đầu năm với sinh việc, còn không thì cho sinh viên nghỉ tiết.

 

Xem ra cũng phải cuối tháng giêng mới mất sạch… mùi bánh chưng, lúc đó sinh viên mới ngó đến sách vở chăng?

 

Huế: Nhiều sinh viên vẫn còn “mải tết”

 

Năm nay Đại học Huế bắt đầu học từ ngày 8 tết nhưng nhiều sinh viên với tâm lý học từ đầu tuần (12 âm lịch) nên ngày 10, 11 âm lịch mới lại trường, vì thế nhiều buổi học số sinh viên đến lớp vẫn quá ít.

 

Khi lên lớp rồi không khí tết cũng được sinh viên khuấy động. Không chỉ chào hỏi, chúc tết đầu năm khi gặp, các loại quà vặt như hạt dưa, khoai khô… được đưa ra “gặm nhấm” cùng câu chuyện trong lớp học. Chưa hết, nhiều sinh viên còn kéo nhau uống cà phê để tiếp tục hàn huyên. Các bạn nam còn mang rượu, mồi quê vào nhâm nhi cho đỡ… “lạnh”. Có người mang bốn triệu vào lấy đồ cắm trước tết, trả nợ rồi… “nhậu” sau bốn ngày cũng hết, các đồ vừa lấy ra đã nguy cơ “tái quán”.

 

Năm nay Trường Đại Học Khoa học Huế cho sinh viên năm 2 thi ngoài tết, sinh viên năm một cũng thi một nửa ra giêng, các khối và trường thi trước tết cũng rục rịch thi lại. Sinh viên cứ tâm lý chơi tết như thế này sẽ ảnh hưởng đến việc học và thi.

 

Thầy Phạm Phú Phong, giảng viên Ngữ Văn cho biết: “Cứ sau Noel và sau tết một tuần tôi không dám dạy những phần quan trọng. Bởi sinh viên để hết tâm trí vào tết còn đâu. Cho sinh viên học dồn vào mấy tháng giữa kỳ và gần thi các bạn cũng mệt nhưng không còn cách nào khác”.

 

Trịnh Vân Đình

 

 Hoài Nam