“Giải mã” ngôn ngữ @ của tuổi teen

(Dân trí) - “Hum ni là 14-2 đéy pà kon ạ, đư pợn na dwc twng hoa kua! Ko 1 fan twng hoa jo min nen thay zui zui…” - đó là ngôn ngữ mới đã trở thành “mốt” trên mạng chát, tin nhắn điện thoại của nhiều giới trẻ hiện nay.

Nghĩa của câu trên là “Hôm nay là 14/2 đấy bà con ạ, đã bạn nào được tặng hoa chưa! Có một người hâm mộ tăng hoa cho mình nên thấy vui vui”… được viết trên một diễn đàn của một nick name có tên “co_nang_ ngo_ngao”.

Hay như  một nick name có tên “dang_yeu” tâm sự: “Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`, vo^ tinh` nghj~ den' anh, hok bjk jo` nay` anh dang lam` j` ” (Ngồi buồn không biết làm gì, vô tình nghĩ đến anh, không biết giờ này anh đang làm gì).
 
“Giải mã” ngôn ngữ @ của tuổi teen - 1
Giới tuổi teen thích thú với ngôn ngữ này (Ảnh: Internet)
 
Tìm hiểu xem ngôn ngữ này bắt nguồn từ đâu, có lợi hay có hại trong giới trẻ hiện nay, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam về vấn đề này.
 
Đó là quy luật tự nhiên của ngôn ngữ

Thưa ông, ông có thể “giải mã” xem ngôn ngữ chát này bắt nguồn từ đâu?

Vấn đề này tôi đã quan tâm từ vài ba năm trước đây. Ngôn ngữ chát, hay nói rộng ra, ngôn ngữ @ này là hiện tượng mới  do giới tuổi teen hiện nay thường dùng. Ngôn ngữ này xuất hiện từ khi có sự  bùng nổ của Internet đồng thời với  sự thay đổi của xã hội, từ một xã hội khá bảo thủ sang một xã hội cởi mở. Đây là một hiện tượng bình thường của ngôn ngữ - xã hội, nó như là một quy luật tự nhiên. Xã hội cởi mở, dòng thông tin, lối sống phong cách phương Tây, phương Đông ồ ạt  tràn vào Việt Nam. Giới trẻ là những người thích thú nhất. Họ học tập, sáng tạo, áp dụng và làm ra cái mới của riêng họ, để thể hiện mình.

Về mặt ngôn ngữ học, ngôn ngữ @ luôn rất ngắn. Ví dụ: wá, wyển ( quá, quyển); wen (quen); wên (quên); iu (yêu); lun (luôn); bùn (buồn); bit k? (biết không?); bít rùi (biết rồi); (mấy) ; dc (được); ko,k (không); u (bạn, mày),v.v. Và rất mới như:  chuối (dở hơi); khoai (khó); phở (đẹp đẽ,ngon lành); điên đảo (cực kì);vãi (kinh khủng); hack (siêu); hic (buồn), haha (vui).v.v.

Những hiện tượng đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Về mặt khách quan, đó là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ như: xu hướng đổi mới,  sự thay đổi, sự hội nhập, các trào lưu xã hội, sự bùng nổ của Interrnet…và trong ngôn ngữ,  đó chính là quy luật tiết kiệm. Đó là quy luật không ai có thể phá vỡ nổi,  không có đạo luật nghiêm khắc nào có thể ngăn chặn, can thiệp được, dù ghét nó người ta cũng phải nhượng bộ.

Còn về mặt  chủ quan thì giới tuổi teen muốn tìm sự khác biệt, mới lạ. Họ muốn khẳng định mình trước người lớn, để người lớn phải tôn trọng. Tư duy cần phải tạo nên sự khác biệt đã ăn sâu vào giới trẻ hiện nay.

Nhưng Internet thi chỉ có chủ yếu ở thành phố. Phải chăng, khi nông thôn hầu như chưa  có Interrnet thì ngôn ngữ @ sẽ không xuất hiện?

Xin đừng quên rằng  Internet và điện thoại  di động  đang lan truyền toàn cầu, từ thành thị tới thôn quê, thậm chí cả vùng sâu ,vùng xa nữa, nơi nào không có Interrnet thì đã có sóng điện thoại di động. Vì vậy ,giới trẻ có thể kết nối với nhau mọi lúc , mọi nơi, và họ học hỏi, cập nhật ngôn ngữ cho nhau rất nhanh.

Dư luận  hiện nay cho rằng, ngôn ngữ này đang bóp méo tiếng Việt. Là nhà nghiên cứu ngôn ngữ , ông có lo ngại ngôn ngữ này sẽ lấn át ngôn ngữ chuẩn mực không?

Nếu mà nói một cách sòng phẳng thì đó là sự ô nhiễm ngôn ngữ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ @ đã đi quá giới hạn của tiếng Việt văn hóa, thậm chí tiếng Việt bình dân.

Tất nhiên, tôi có lo lắng một chút. Với tư cách một người nghiên cứu ngôn ngữ , cũng như nhiều người yêu tiếng Việt khác, tôi luôn  mong muốn cho tiếng  nước mình phát triển khỏe mạnh và  trong sáng. Cái lo này dựa trên cả mặt cảm tính và lý tính. Cảm tính ở đây là lòng yêu nước, yêu tiếng Việt. Nhưng về mặt lý tính,  chúng ta cũng nên nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan vì nó là một quy luật của xã hội và của cả ngôn ngữ nữa. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi, và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở  lại cuộc sống.
 
“Giải mã” ngôn ngữ @ của tuổi teen - 2
 Ảnh chụp qua màn hình đoạn chat hội thoại của 2 bạn trẻ
 
Ngôn ngữ thú vị

Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để “tẩy sạch”  được ngôn ngữ @ để  làm trong sáng tiếng Việt?

Chúng ta chỉ hạn chế, dung hòa và làm trung tính nó chứ không thể “tẩy sạch” được. Chúng ta không nên áp đặt tuyệt đối với giới trẻ được vì đó là quyền tự do cá nhân. Xã hội càng văn minh thì ta càng phải tôn trọng quyền tự do cá nhân. Chúng ta không nên can thiệp một cách thô bạo vào đời sống cá nhân được. Khi giới trẻ nói chuyện riêng với nhau bằng ngôn ngữ của riêng họ thì ta làm sao cấm được vì họ có nói cho đại chúng nghe  đâu.

Ví dụ: Một người hay nói tục ở nhà nhưng khi  đến cơ quan anh ta  không nói tục nữa, mình cũng không cấm được người ta, trừ khi người nhà anh ta  phản đối. Trong đời sống xã hội hiện nay, một số người còn cho rằng nói tục là hay, để xả tress. Nên hiểu nói  tục là một hiện tượng ngôn ngữ - xã hội và  ngành ngôn ngữ học cũng cần phải quan tâm. Nếu mình khẳng định việc nói tục trong xã hội không bao giờ hết thì ngôn ngữ @ của giới tuổi teen cũng không bao giờ hết được.

Tất nhiên, phải thấy rằng ngôn ngữ @ không phải tất cả là dở, và trong đó cũng  chí có một số ít là tục thôi. Ngôn ngữ này ngày càng sáng tạo, nếu nghiên cứu, ta sẽ thấy nó vô cùng thú vị.

Ngôn ngữ cũng theo quy luật  của nó, khi nó bị mòn đi thì cái mới xuất hiện. Trong khi đó ngôn ngữ @ này lại rất mới. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ như chúng tôi nhiều khi không theo kịp được  thực tế, vì mỗi ngày  tuổi teen  họ lại ngày phát minh ra nhiều cái mới. Chẳng hạn bây giờ teen còn chát với nhau trong mobi bằng các ký hiệu biểu tượng emoticons trong Yahoo chatroom, nhưng là các ký hiệu đánh máy và sáng tạo thêm những cái tương tự  như: :( buồn; :(( khóc;   :) cười; :))))) rất buồn cười; =.= mệt mỏi;  >!<  cau có; :x  yêu; :* hôn, v.v.

Nhưng cũng phải có biện pháp nào đó để ngăn chặn loại ngôn ngữ này xâm nhập vào tiếng Việt hiện nay của học sinh vì nếu dùng nhiều sẽ thành thói quen, khó bỏ?

Đúng vậy! Chúng ta cần khoanh vùng và quy định khu vực sử dụng của nó. Chẳng hạn, có thể cấm dùng ngôn ngữ chat trong phạm vi công cộng, trong các  bài viết ở trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Tivi,  đài, báo. Nó chỉ có thể được sử dụng trong giao tiếp giữa những người chat trong các chatroom trên internet. Chúng ta phải sửa bằng tư duy, sửa bằng ý thức công dân. Chúng ta cũng cần đưa ra các phân tích kèm theo các lời khuyên để học sinh hiểu và không nên lạm dụng nó.
 
Viết tắt trong tiếng Anh thường rất lành mạnh, ví dụ: ASAP - As Soon As Possible; ATB - All The Best; ATM - At The Moment; ; ATTN – Attention; BBN - Bye Bye Now;BBS - Be Back Soon; BF – Boyfriend hay2U ( to You) trong  tên một bài hát rất nổi tiếng“ Nothing compares 2U”; v.v. còn ở tiếng Việt, viết tắt đôi khi không lành mạnh,tức là cẩu thả, tùy tiện, đánh đố người đọc, chẳng hạn như “2!” (Hi! - xin chào) là từ mượn tiếng Anh nhưng lại ghi âm và đọc kiểu Việt thành ra rất khó đoán biết. Nhất là khi người được chào đáp lại bằng một con số khác “3!” (Số 3 ở đây như một lời chào lại trong ngữ cảnh này, mặc dù nó không có nghĩa như vậy!).

 Ở nước ta, hiện chưa có một đạo luật nào về ngôn ngữ như ở nhiều nước phát triển. Theo tôi, muốn khắc phục được tình trạng này thì gia đình và nhà trường  phải kết hợp giáo dục và kiểm soát, nhưng quyết định hơn cả thì  phải có một đạo luật cụ thể về tiếng Việt nằm trong  Chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước .

Viện Ngôn ngữ học đã có  nghiên cứu nào về vấn đề này chưa thưa ông?

Viện Ngôn ngữ học đã và đang triển khai các công trình nghiên cứu về Chính sách ngôn ngữ, trong đó có đề cập và tìm giải pháp cho loại ngôn ngữ @ này.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh(thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm