Giấc mơ mạng lưới giáo dục toàn cầu của nữ DHS Việt từng tới 14 nước

(Dân trí) - Từng tới 14 quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều sự kiện xã hội ở Phần Lan, Ba Lan, Hà Lan... du học sinh Việt - Nguyễn Thanh Hương là một tấm gương sáng trong việc nỗ lực hết mình cho việc tham gia các hoạt động xã hội và hội nhập ở môi trường mới.

Nguyễn Thanh Hương, 21 tuổi, sinh viên năm 3 chuyên ngành kinh tế quốc tế ở trường đại học ứng dụng Haaga-Helia tại Helsinki, Phần Lan. Hương thích viết blog, đi du lịch và các môn nhảy múa (hiphop, urban dance, múa truyền thống, salsa...).
 
Trong thời gian sinh sống học tập tại châu Âu, cô đã khám phá được khoảng 14 nước. Hương luôn ấp ủ trong mình niềm khát khao được nâng cao chất lượng nền giáo dục của Việt Nam.

Nguyễn Thanh Hương, du học sinh Việt tại Phần Lan

Nguyễn Thanh Hương, du học sinh Việt tại Phần Lan

Hương chia sẻ: “Sau khi ra trường, mình muốn tiếp tục theo đuổi các dự án liên quan đến giáo dục nhằm mục đích kết nối các trường học trên toàn cầu và cải thiện chất lượng giáo dục ở các nước đang phát triển.
 
Mình hi vọng sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế hơn, chất lượng giảng dạy được nâng cao theo hướng thực tiễn và công nghệ hoá trong tương lai. Mình tin tầm quan trọng của giáo dục giới trẻ trong việc phát triển nền kinh tế và hình ảnh văn hoá Việt Nam trên thế giới”.
 
Hương chọn du học Phần Lan vì chất lượng giáo dục của Phần Lan đứng đầu châu Âu, đất nước Phần Lan có mức sống lý tưởng và tổng chi phí thấp hơn so với đi du học ở Mỹ, Úc hay Singapore. Hơn nữa, với niềm đam mê du lịch, Hương muốn đi qua tất cả các nước trong khối Schengen trước khi trở về khám phá châu Á.
Ở Việt Nam, Hương từng có tham gia kì thi đại học năm 2011 ở Hà Nội và đỗ vào chuyên ngành kinh tế quốc tế của trường đại học Ngoại Thương, nhưng cô quyết định sang học ở Phần Lan vì đã có kế hoạch thi Ielts và nhận được giấy mời học của trường trước đó.

Ở Phần Lan, Hương tập trung dành thời gian học các môn yêu thích, có lợi cho nghề nghiệp cô chọn sau này, và học các môn ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Phần Lan, tiếng Đức.

Hương trong chuyến thực tập và tình nguyện tại Ba Lan

Hương trong chuyến thực tập và tình nguyện tại Ba Lan

Hương đang là thành viên của Hội sinh viên quốc tế trường Haaga-Helia (IDS), Hội người Việt ở Phần Lan, hội sinh viên VN ở Phần Lan (VSAF), tổ chức CouchSurfing ở Helsinki, tổ chức sinh viên phi lợi nhuận lớn nhất trên thế giới (AIESEC) ở Phần Lan và Ba Lan.

Bên cạnh việc học, Hương từng tham gia nhiều dự án thành công của trường (trợ lý hội thảo Meet and Network with Employers: "Marketing yourself for a career", lên kế hoạch kinh doanh mở công ty du lịch (Business planning for a start-up project), nghiên cứu thị trường thương mại điện tử cho công ty phiên dịch Lingosaur, tìm hiểu mạng lưới khách hàng cho công ty Rocket and Panda (sáng lập Brooklyn cafe & bakery), nghiên cứu thị trường tiêu thụ bia Heineken ở Tây Ban Nha, dự án giáo dục xử lý rác thải, bảo vệ môi trường - WastEd Management Education của các trường ở Phần Lan và Croatia.

Tháng 3 năm 2014, Hương tham gia nhóm marketing tổ chức sự kiện Youth to Business Forum của AIESEC Phần Lan diễn ra tại thành phố Helsinki. Hè năm 2014, Hương quyết định sang Ba Lan 6 tuần theo chương trình thực tập/tình nguyện ngắn hạn của AIESEC, tham gia dự án Live in Szczecin cùng với các sinh viên quốc tế đến từ Hongkong, Mexico, Canada, Brasil và nhóm tổ chức của Ba Lan.

Hương và nhóm múa trong một sự kiện của du học sinh Việt
Hương và nhóm múa trong một sự kiện của du học sinh Việt

Thông qua dự án này cô viết blog cho một trang web của chính quyền thành phố (Szczecin Aloud) để quảng bá du lịch cho đất nước Ba Lan nói chung và thành phố Szczecin nói riêng.

Dự án lớn nhất mà Hương đang thực hiện mang tên 100 Cities Project với mục tiêu kết nối các trường tiểu học và mẫu giáo ở Singapore, Malaysia, Brunei, Hà Lan, và Phần Lan – nơi cô phụ trách quản lý, liên hệ với khách hàng, nghiên cứu và truyền thông.

Trong thời gian rảnh rỗi cô vẫn đều đặn hàng tuần tập múa cùng nhóm múa Vietcharm ở Helsinki. Đây là nhóm múa truyền thống của du học sinh Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở Phần Lan, sáng lập năm 2012, thường xuyên tham gia vào các sự kiện lớn nhỏ của cộng đồng sinh viên Việt và là khách mời các chương trình văn hóa – văn nghệ của thành phố Helsinki.

Vừa trở về Phần Lan sau chương trình trao đổi học sinh 6 tháng với trường đại học ứng dụng Hanze chuyên ngành International Sales & Marketing ở Hà Lan. Hiện tại Hương đang làm leader cho dự án hợp tác giữa trường cô và Norwegian Finnish Trade Association tổ chức sự kiện trong tháng 5 tới nhằm quảng bá môi trường kinh doanh giữa Phần Lan và Na Uy.

Cởi mở, năng tiếp xúc, giao lưu với người bản xứ là bí quyết hội nhập của Hương.

Cởi mở, năng tiếp xúc, giao lưu với người bản xứ là bí quyết hội nhập của Hương.

Theo Hương, bí quyết để du học sinh hội nhập nhanh ở Phần Lan, châu Âu hay bất cứ đâu là phải luôn tập trung vào mục tiêu mình đã yêu thích và chọn lựa, năng động tham gia nhiều hoạt động, giao tiếp và kết nối với bạn bè trên thế giới. Nếu muốn học tập và làm việc tại châu Âu lâu dài thì nhất thiết phải học thêm tiếng bản địa.
 
Ngoại ra, bạn trẻ không nên dành quá nhiều thời gian tiệc tùng hay lên “facebook”, mà hãy tham gia các môn thể thao, các câu lạc bộ – vừa có lợi cho sức khỏe lại có cơ hội quen thêm nhiều bạn mới.

Hương tâm sự: “Khi đi du học, gặp phải khó khăn trong môi trường mới mình luôn cố gắng bình tĩnh suy nghĩ cách giải quyết, hỏi tư vấn từ thầy cô, bạn bè, và gia đình. Có những việc bản thân không thể giải quyết được thì mình sẽ tập trung vào mục tiêu chính, hoặc giải toả căng thẳng bằng tham gia thể thao, hoạt động ngoại khóa, viết lách hoặc du lịch.

Đi du học xa nhà không tuyệt vời như nhiều bạn ở Việt Nam nghĩ, mà cực kỳ khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì cao. Các bạn ở Việt Nam có điều kiện thì nên đi du học, và trở về nước khởi nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà, đưa chất lượng giáo dục quốc tế về đất nước mình”.

Thế Quyết
Ảnh NVCC