Giá trị của thất bại

Ở Mỹ, các ngân hàng thường ưu tiên cho vay vốn những dự án mà người chủ đầu tư đã từng… thất bại. Vì sao lại thế? Và điều này liệu có đúng ở Việt Nam hay không? Cuộc trao đổi về chuyện thất bại với anh Lê Đình Hùng, Giám đốc Công ty vàng Cửu Long vỡ ra nhiều điều…

Có một thời điểm, người ta lắc đầu khi thấy anh đầu tư tất cả tiền bạc, vốn liếng lẫn tâm sức vào một dự án mà khả năng thành công của nó quá thấp: tạo thương hiệu đẳng cấp cao cho nữ trang Việt Nam. Những người quen biết còn ngồi nhẩm tính rằng mỗi năm anh… lỗ bao nhiêu tiền. Rồi anh vẫn thẳng thắn thừa nhận trên báo chí là Hùng Cửu Long vẫn còn thiếu nợ. Chuyện gì đang xảy ra thế?

 

Chẳng có chuyện gì đang xảy ra cả. Tôi quan niệm, cuộc sống là sự góp nhặt những giá trị, từng ngày, từng ngày một để đến một lúc nào đó, ta có thể ngồi và đo đếm những thành quả mà mình đạt được, từng chút, từng chút một.

 

Tôi tin rằng, con đường tôi đang đi, giống như đang leo lên một cái thang để có thể đến một cái đích phía rất cao. Cái đích đã có, và nếu kiên nhẫn dốc hết tâm sức vào việc leo thang, thì chắc chắn sẽ có ngày tôi chạm đến cái đích đó. Bây giờ, mỗi ngày tôi đều tổng kết xem là mình đã leo được thêm mấy bậc trên cái thang dẫn đến thành công ấy.

 

Liệu rằng, có bao giờ cái thang của anh bị… gãy giữa chừng. Hay là sau khi leo mãi, leo mãi, thì anh phát hiện là mình đã leo… nhầm cái thang hay không?

 

Chẳng phải là liệu rằng hay không liệu rằng. Chuyện cái thang gãy, với tôi, dường như là một tất yếu của cuộc sống. Chẳng có con đường nào là bằng phẳng cả. Nhưng vấn đề là mình sẽ làm gì khi cái thang bị gãy giữa chừng.

 

Kinh doanh không có chỗ dành cho những người nằm im và cam chịu khi cái thang gãy. Lại càng không có chỗ dành cho những người leo lên một cái thang mà không biết nó dẫn về đâu. Chính vì thế, nên trong sự nghiệp của tôi, đã có đôi ba lần cái thang tôi đang leo bị gãy, nhưng mỗi lần như thế, là tôi hiểu thêm về cách có thể tạo ra một cái thang khác chắc chắn hơn, vững chãi hơn để mình lại hồ hởi leo lên tiếp.

 

Tất nhiên, việc bị hụt chân hay gãy thang là điều chẳng ai muốn cả. Vì thế, cần phải hết sức tỉnh táo và thận trọng khi đưa ra quyết định tham gia một hành trình gian khổ là dấn thân vào con đường kinh doanh. Có quá nhiều điều phải tính toán, cân nhắc và học hỏi. Và phải tính luôn đến chuyện khi thất bại thì mình sẽ làm gì, sẽ ảnh hưởng đến những ai.

 

Chỉ có những người cẩn thận, hội đủ tố chất, niềm đam mê cũng như kỹ năng, kiến thức cần thiết thì mới nên tham gia một sân chơi kinh tế đã là toàn cầu hóa. Và đã đủ những điều kiện này, thì 90% là sẽ dũng cảm đi tiếp sau khi đối diện với thất bại.

 

Nhưng liệu có phải ai cũng sẵn sàng làm lại từ đầu?

 

Tôi không nói là làm lại từ đầu. Vì sau khi nếm trải cảm giác của sự thất bại, chắc chắn là chẳng ngon lành gì, thì bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết để tiếp tục cuộc hành trình một cách khôn ngoan và chắc chắn hơn.

 

Tiền bạc có thể quay lui, nhưng những giá trị cuộc sống và kiến thức mà mình có được sau khi đã trải nghiệm thì không bao giờ quay lui lại được. Tôi vừa khai trương cửa hàng mới nhất của mình tại Hải Phòng, cảm nhận rất rõ rệt sự tiến bộ của chính bản thân mình.

 

Cụ thể, trong trường hợp của anh, vì sao sau khi phải đóng cửa tiệm nữ trang sang trọng bậc nhất Việt Nam, anh "sống lại ngay" bằng việc khai trương hàng loạt cửa hiệu ở những trung tâm thương mại lớn nhất từ Bắc đến Nam?

 

Có 2 điều làm nên được việc này. Đầu tiên, về phía mình, tôi nghĩ là do tôi có đủ sức để tiếp tục tham gia cuộc đua của chính mình. Thứ hai, là có rất nhiều người ủng hộ tôi, trong tất cả mọi phương diện. Đơn giản là vì họ tin tôi và tin vào con đường mà tôi đã chọn sẽ phải thành công.

 

Họ tin, vì tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều sau hơn chục năm lăn lóc ngoài thương trường, nếm đủ mùi vị của cuộc sống. Bạn biết không, con người khác nhau là ở cách nhìn cuộc sống. Mỗi ngày tôi thức dậy, là lại cảm nhận được một ngày mới tuyệt diệu đang đến để rồi tự ngân nga: "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương...".

 

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 

Theo Trần Bung
Thanh Niên