Giá điện tăng, nỗi lo đối với sinh viên

Giá điện tăng, kéo theo sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng khác, không chỉ là mối lo ngại của các hộ dân, mà còn là nỗi lo đối với mỗi sinh viên.

Tiết kiệm và tiết kiệm

Thời tiết đang ngày càng nóng bức, nhu cầu sử dụng các thiết bị như quạt, điều hòa... ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với giá điện hiện nay thì hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các thiết bị điện là điều mà mỗi sinh viên đều nghĩ đến.

Cuộc sống xa nhà vốn dĩ đã có rất nhiều khoản phải chi từ nhà trọ, ăn uống đến việc học tập, do đó, tiết kiệm luôn là nguyên tắc “ưu tiên số 1” của các bạn.

Giá điện tăng, nỗi lo đối với sinh viên - 1

Minh Thái (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) tâm sự: “Khi biết việc tăng giá điện, mình vô cùng lo ngại. Vì ở khu trọ của mình, tiền điện là 3.500 đồng/kWh, đắt hơn các hộ dân bình thường.

Nếu tăng tiền điện thì buộc mình phải tiết kiệm các khoản tiêu khác, chi tiêu sao cho hợp lý. Hiện tại, mình chưa thấy thông báo tăng giá điện từ phía chủ trọ nhưng mình nghĩ, vẫn nên tiết kiệm ngay từ bây giờ”.

Là sinh viên sống xa nhà, Thái cho biết, bạn không sử dụng quá nhiều thiết bị điện. Trong phòng chỉ có 2 bóng đèn, một laptop, một ấm đun nước và một chiếc quạt.

Trung bình, Thái trả gần 200.000 đồng tiền điện/tháng. Nhưng khi vào Hè, thời tiết nắng nóng, sử dụng quạt nhiều, số tiền này sẽ tăng lên.

Thái chia sẻ thêm: “Bình thường, tụi mình sử dụng quạt thường xuyên và nấu bếp điện, sử dụng rất nhiều đồ dùng liên quan đến điện nên nếu tăng giá điện thì sẽ phải hạn chế.

Phòng trọ sinh viên đa phần đều rất nóng, cắt giảm các thiết bị điện thì việc sinh hoạt tất nhiên khó chịu và ngột ngạt. Nếu nóng quá không chịu được thì tụi mình đến thư viện của trường kết hợp vừa học, vừa tránh nóng”.

Giá điện tăng, nỗi lo đối với sinh viên - 2

Nhà trọ mùa Hè vốn đã nóng nực, bây giờ, sinh viên còn phải lo thêm việc sử dụng điện sao cho tiết kiệm nhất.

Đủ thứ khổ vì điệp khúc “tăng giá”

Cùng chung nỗi lo trên, Nguyễn Hùng (trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Giá điện tăng vào thời điểm khác còn đỡ, chứ vào mùa Hè thì khổ lắm!

Mình phải sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm hơn. Điện tăng, xăng tăng, nhiều mặt hàng khác cũng tăng, thực sự rất tốn kém!”.

Khu trọ của Hùng là chung cư mini, do đó, tất cả các phòng đều lắp điều hòa. Hùng chia sẻ: “Mùa Đông tiền điện ít nhưng vào mùa Hè, bật điều hòa liên tục nên tiền điện tăng chóng mặt. Các tháng trước, phòng mình trả tiền điện chỉ từ 200.000 – 250.000 đồng. Nhưng tháng này thì lên đến 400.000 đồng.

Phòng mình có thêm 2 bạn nữa nên cũng chia nhau tiền phòng được, chứ nếu ở một mình thật sự rất khó khăn”.

Không chỉ là những nỗi lo về việc chi tiêu mà còn có những tình huống “dở khóc dở cười”, như tâm sự của bạn Trần Thị Quỳnh Mai (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội): “Mình không biết nên nói thế nào với phụ huynh cả, tăng giá điện, tiền phòng trọ tăng, chắc chắn phải xin thêm tiền từ bố mẹ. Mà xin nhiều quá cũng ngại nhưng cũng chẳng còn cách nào cả”.

Để đối phó với với việc tăng giá của rất nhiều mặt hàng, mỗi sinh viên cần phải có phương án chi tiêu hợp lý, sao cho vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo nhu cầu của bản thân.

Theo Quỳnh Vũ

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm