Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết?

Việt Trinh

(Dân trí) - Tại Singapore, người trẻ thế hệ Z và thế hệ Y có thói quen, suy nghĩ khác nhau về các truyền thống ngày Tết.

Gặp mặt họ hàng, mặc quần áo màu đỏ vào ngày Tết là một số thói quen năm mới được lưu truyền từ xa xưa. Tuy nhiên, đối với Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) và Gen Y (những người sinh năm 1980-1996) tại Singapore, các truyền thống ngày Tết này có một số thay đổi trong những năm gần đây.

Lịch trình trong những ngày Tết

Ayumi - 21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Trường Kinh doanh Đại học Quản lý Singapore (SMU) - cho biết: "Tôi vẫn áp dụng các truyền thống ngày Tết, miễn là nó không ảnh hưởng tới lịch học hoặc lịch làm việc của tôi".

Theo Yahoo, nhịp sống ngày càng tăng và nhu cầu cá nhân là yếu tố tạo nên sự khác biệt của các thế hệ trong việc đón nhận các truyền thống lễ hội.

"Không chỉ vậy, Covid-19 khiến mọi người nhận ra rằng, họ có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn nếu biết chắt lọc và hạn chế tham gia các cuộc tụ tập trong mùa lễ hội", Poon cho biết.

Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết? - 1

Hiện nay, nhiều người trẻ tại Singapore có xu hướng ưu tiên học tập và kiếm tiền, hạn chế tụ tập ngày Tết (Ảnh: Alamy).

Sở thích cá nhân và thói quen tiêu tiền

Khi được hỏi về nhu cầu trang phục trong ngày đầu năm, Ayumi thể hiện sự ngần ngại khi mua những trang phục truyền thống do giá cả tăng cao.

"Tôi thà mua những trang phục có tính ứng dụng và có thể mặc hàng ngày hơn là quần áo chỉ mặc được một lần", Ayumi cho hay.

Phillip Poon - người đồng sáng lập thuộc thế hệ Y của một doanh nghiệp - có suy nghĩ tương tự: "Tôi thực sự không bận tâm về việc mình mặc màu gì trong dịp Tết. Yêu cầu của tôi là đẹp và thoải mái".

Royce Lee (31 tuổi, người sáng tạo nội dung) nhận thấy nhiều bạn bè có xu hướng thanh toán các khoản nợ trong thời điểm Tết đang đến gần. Cô nhận định, nhiều người trả nợ trước Tết vì nghĩ rằng, đây là yếu tố giúp họ có một năm mới tài lộc "đầy nhà".

Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết? - 2
Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết? - 3

Nghĩa vụ gìn giữ nét văn hóa

"Tôi nghĩ mọi người nên nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền đạt các giá trị văn hóa cho các thế hệ sau này", Jet Ho (34 tuổi, giám đốc sáng tạo của Hiệp hội Di sản Văn hóa Phi vật thể) cho biết.

Anh nhận định, lưu giữ và phát huy các giá trị truyền thống xa xưa cho con cái là nhiệm vụ, nghĩa vụ của cha mẹ.

"Tôi thường sắm quần áo mới để đi chúc Tết. Đây là hình thức tôn trọng những người thân thiết", Jet Ho chia sẻ thêm. Việc truyền đạt ý nghĩa của các truyền thống năm mới có thể giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc phát huy các hoạt động này.

Quan điểm của giới trẻ về các hoạt động ngày Tết

Gen Z và Gen Y có quan điểm không nhất quán đối với việc tiếp tục các truyền thống, niềm tin của Tết Nguyên đán.

Ayumi - người thuộc thế hệ Gen Z - nhận định rằng, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, xu hướng mọi người tụ tập có sự suy giảm, nhất là khi họ có thể giao tiếp qua mạng xã hội.

"Tôi cảm thấy rằng, những người thuộc thế hệ chúng tôi có thể không tiếp tục truyền thống thăm họ hàng vào lễ Tết. Tất nhiên là vẫn tổ chức đón năm mới mỗi năm một lần, nhưng tôi không chắc về việc duy trì thói quen gặp họ hàng", Ayumi chia sẻ.

Alexis Chew (23 tuổi) cũng thể hiện quan điểm tương tự về việc thực hiện các thói quen ngày Tết.

"Tôi cảm thấy rằng với người trẻ, việc tổ chức một cuộc tụ tập gia đình họ hàng và mời người lớn thường là điều hơi kỳ lạ. Bởi thông thường, người tổ chức là người lớn tuổi trong gia đình", Alexis Chew cho hay.

Để các truyền thống ngày Tết có thể lưu giữ theo thời gian, những người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục và truyền đạt cho thế hệ trẻ.

Ngược lại, Gen Y ở Singapore có vẻ hào hứng hơn khi nhắc tới các cuộc gặp mặt ngày Tết cũng như thực hiện phong tục của năm mới.

"Tôi hơi nhớ việc thăm gia đình. Vì dịch bệnh, tôi đã không thể gặp người thân trong suốt 2-3 năm qua. Lần này khi gặp lại, chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có nhiều chuyện để nói", Royce Lee cho hay.

Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết? - 4
Gen Z và Gen Y suy nghĩ khác biệt thế nào về hoạt động ngày Tết? - 5

Có thể nói, bên cạnh việc tăng cường tổ chức các hoạt động gắn kết, thái độ và thói quen của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các truyền thống văn hóa, góp phần vào việc xây dựng tinh thần và không khí lễ hội.

Do đó, thế hệ trẻ cần thấu hiểu, nhận ra tầm quan trọng của các thói quen ngày Tết để các truyền thống này có thể tiếp tục tồn tại mỗi dịp năm mới. 

"Đối với tôi, Tết Nguyên đán mang lại cơ hội để mọi người trong gia đình nhiều thế hệ gặp mặt, hỏi thăm và chúc phúc cho một năm mới hạnh phúc", Alexis Chew chia sẻ.