Gen Z làm giàu: Đầu tư gì để "tiền đẻ ra tiền"?

Nguyệt Hà Thuỳ Dương

(Dân trí) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển cùng với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Gen Z đang nổi lên như một lớp nhà đầu tư F0 mới, tạo ra sức ảnh hưởng đáng kể tới thị trường.

Lớn lên trong thời kỳ chịu áp lực dưới ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều Gen Z đã có ý thức xây dựng kế hoạch cho tương lai từ rất sớm. Họ không ngừng tìm kiếm những cơ hội việc làm và tăng thu nhập để có thể tự do, tự chủ về tài chính.

Có một điều không thể phủ nhận rằng, các thế hệ Gen Z ngày càng năng động, nhạy bén và linh hoạt với các xu thế mới. Họ muốn đầu tư để sinh lời chứ không chỉ đơn giản là tích lũy như những thế hệ trước. Các bạn trẻ hiện đại đa phần đều muốn tìm kiếm các ngành nghề "tiền đẻ ra tiền" nên không ngừng thử sức ở các lĩnh vực đầu tư mới mẻ.

Gen Z làm giàu: Đầu tư gì để tiền đẻ ra tiền? - 1

Gen Z "ôm mộng làm giàu" từ sớm (Minh họa: Nguyệt Hà).

Tìm kiếm đầu tư lợi nhuận cao, sẵn sàng bỏ vốn là những gì mà thế hệ này đang hướng tới. Dù mức khởi đầu còn khá nhỏ nhưng họ sẽ từng bước nâng mức đầu tư của mình lên, bởi với Gen Z, tiền đôi khi không phải là mục tiêu duy nhất, cái họ cần là hướng đi phù hợp cho tương lai ổn định.

Những nhà đầu tư Gen Z

Thực tập ở một công ty chứng khoán, Nguyễn Lê Thái Bảo (22 tuổi, TPHCM) có cơ hội tiếp xúc và mở mang kiến thức trong lĩnh vực đầu tư. Cậu chia sẻ rằng, đầu tư không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn rèn luyện bản tính con người. "Khi đầu tư mình phải biết nhìn xa trông rộng, nếu thị trường vào đúng như những gì mình dự đoán thì mình phải làm được như những gì đề ra. Chỉ có mình chịu trách nhiệm cho phần tài sản mà mình đầu tư mà thôi".

Trong khoảng thời gian 2 năm tập tành đầu tư, Thái Bảo cũng thu được cho mình một số lợi nhuận ngoài giá trị về đồng tiền. Nhờ vào kiến thức và khả năng của bản thân, Bảo chưa để âm tài khoản lần nào. "Một khi chúng ta xác định đầu tư thì cần phải chuẩn bị thật kỹ về kiến thức cũng như tạo tính kỷ luật cho bản thân", cậu bạn chia sẻ.

Trong khi đó, Nguyễn Đình Hưng (sinh sống tại Hà Nội) lại lựa chọn kênh đầu tư bất động sản. Để bắt đầu công việc, Hưng đã xin vào vị trí môi giới để hiểu hơn về thị trường cũng như thị hiếu. "Ở mảng bất động sản, không phải cứ làm là ra được tiền luôn nên chi tiêu hàng ngày mới đầu đều phải nhờ nguồn thu nhập khác", Đình Hưng nói.

Gen Z làm giàu: Đầu tư gì để tiền đẻ ra tiền? - 2
Nguyễn Đình Hưng là một trong những Gen Z bước chân vào giới đầu tư sớm (Ảnh: NVCC).

Với số tiền tiết kiệm của mình, Hưng chung vốn làm ăn với một số anh chị quen biết để mở homestay, chung cư mini cho sinh viên thuê. Khó khăn lớn nhất trong quá trình đầu tư của Hưng chính là gặp phải dịch Covid-19, có khi cả mấy tháng trời không có ai đến thuê nhà, sinh viên thì bỏ trọ về quê khiến cậu bạn rất nản.

Tuy vậy, Đình Hưng cũng xác định: "Kênh đầu tư bất động sản đòi hỏi phải kiên nhẫn, một khi đã tạo ra được nguồn thu nhập thì số tiền thu được rất lớn". Sau cùng, Hưng thấy đây là một kênh đầu có giá trị bền vững, khả năng phát triển theo thị trường rất tốt.

Với tư duy không để dòng tiền "chết", Phan Linh Chi (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) quyết định đầu tư nhỏ vào một shop thời trang online. Lúc bắt đầu Linh Chi cũng gặp không ít khó khăn, cô bạn loay hoay trong cách nhập đồ, quảng cáo sản phẩm và tiếp cận với khách hàng. Những cứ làm từ từ rồi cũng quen, dần dần Linh Chi thấy được việc đầu tư này giúp cô bạn chi trả được nhiều khoản phí trong cuộc sống.

Gen Z làm giàu: Đầu tư gì để tiền đẻ ra tiền? - 3
Linh Chi tự hào khi bản thân đã bước vào con đường kiếm tiến từ khi còn đang ngồi trên giảng đường (Ảnh: NVCC).

Linh Chi cho rằng dù đây không phải là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận nhanh chóng nhưng khá an toàn, phù hợp với nhu cầu cũng như hoàn cảnh của một sinh viên.

Năm 2022, Gen Z còn có thể "sinh lời" bằng nhiều cách khác

Nếu bạn có tâm lý muốn "ăn chắc mặc bền" thì gửi ngân hàng hoặc mua bảo hiểm là một phương pháp đầu tư không tốn quá nhiều chi phí, không cần đau đầu tính toán và lo lắng về những rủi ro mà nó đem lại. Bối cảnh hiện nay cho phép Gen Z thu lời ổn định khi hai kênh đầu tư này luôn cho lãi suất thực dương. Tuy nhiên, dù là phương pháp đầu tư khó lỗ vốn nhưng cùng với đó doanh số thu được lại không được hấp dẫn bằng các lĩnh vực khác.

Nhìn chung, các bạn trẻ không nên kỳ vọng quá nhiều vào lợi nhuận trước khi đầu tư, mà điều quan trọng là cần nâng cao kỹ năng, hiểu biết của mình, hay nói cách khác chính là đầu tư vào bản thân, từ đó mới có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Với những loại hình kinh doanh có nhiều biến động, rủi ro thì việc đầu tư vào bản thân vẫn được coi là một phương pháp làm chủ, sinh lời và thậm chí là không bao giờ lỗ vốn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm