Gặp tác giả trình diễn "phim 3D" ngoạn mục trên các toà nhà
(Dân trí) - Đằng sau những màn trình diễn ánh sáng và phim 3D tuyệt đẹp trên các tòa nhà là bàn tay tài năng của Nguyễn Hoàng Khôi. Anh đã trình diễn ở chương trình Countdown 2018 - Tòa nhà Bộ Công thương (Hà Nội), lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017, chương trình kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Fashionology Festival 2017, “Xuân Yêu Thương” tại Dinh Độc Lập...
Trong những năm gần đây, khi tham gia các chương trình giải trí ngoài trời quy mô lớn như countdown, festival hay giao lưu các nước, thì công chúng thường được thưởng thức những màn trình chiếu hoành tráng trên các công trình kiến trúc hay còn gọi là nghệ thuật trình diễn 3D Mapping.
Hiểu một cách khái quát, trình diễn 3D Mapping chính là sản phẩm của Multimedia Design (thiết kế đồ họa đa phương tiện - PV), là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim. Chính kỹ xảo hình ảnh trùm kín lên từng chi tiết nhỏ của vật thể chiếu với kích thước thật 100%, cộng thêm những hiệu ứng độc đáo và kích thước khổng lồ, 3D Mapping đẩy cảm xúc người xem đến nghẹt thở bởi sự kỳ diệu trước mắt.
Trên thế giới, nghệ thuật 3D Mapping đã được áp dụng khá lâu, nhưng ở Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây nó mới thực sự đột phá, trở thành một chương trình thu hút công chúng.
Tiếp xúc với nghề khi còn học tại Arena Multimedia, chàng trai Nguyễn Hoàng Khôi (sinh năm 1991) đã gắn bó với công việc này hơn một năm nay.
Anh chính là người thực hiện những đồ họa 3D cho các sản phẩm biểu diễn tại: chương trình Countdown 2018 tại Tòa nhà Bộ Công thương (Hà Nội), lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017, chương trình kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Fashionology Festival 2017, “Xuân Yêu Thương” tại Dinh Độc Lập...
Để hiểu hơn về công việc đồ họa 3D Mapping, Khôi chia sẻ những góc nhìn thú vị mà chỉ những người trong nghề mới hiểu. Đó là một công việc không dành cho những người thiếu sáng tạo.
“Trong đội của mình, mình phụ trách đồ họa 3D bên cạnh các bạn dựng phim, kỹ xảo, vẽ storyboard… Đội của mình chuyên thực hiện video dùng để trình chiếu (bằng màn chiếu, màn hình LED và đặc biệt là 3D Mapping)”, Hoàng Khôi chia sẻ.
Khôi đến với công việc này bởi vì muốn sản phẩm của mình làm ra được trình chiếu ra ngoài đời thực, khoác lên các công trình kiến trúc một lớp áo mới, sinh động với nhiều hiệu ứng, tạo nên cảm giác mới mẻ. Khôi nói: “Như vậy nhìn đã lắm!”.
Khôi lấy ví dụ như buổi trình diễn tại tòa nhà Bộ Công thương Hà Nội. Buổi sáng trông tòa nhà vẫn bình thường, nhưng đến khi chương trình diễn ra, nó như được trang điểm lộng lẫy nhìn rất sống động.
“Có những lúc chạy dự án, mình đã thức trắng mấy đêm liền để làm kịp tiến độ. Chưa kể phải chỉnh sửa cho sản phẩm trình chiếu hoàn hảo hơn ở những “phút 89”; có khi ngồi sau sân khấu chỉnh sửa, xuất file, rồi đưa đạo diễn chiếu ngay đêm đó.
Những lúc ấy cực kỳ căng thẳng, nhưng khi thấy đứa con tinh thần xuất hiện một cách hoành tráng, được mọi người hò reo thì quên hết mệt mỏi”, Khôi nói về công việc đồ họa 3D Mapping của mình.
Với những bạn trẻ đam mê tìm hiểu về công nghệ 3D Mapping, Khôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm: “Người làm 3D Mapping cần có vật mẫu, nếu mẫu vật không có sẵn, đòi hỏi người thiết kế đồ họa phải dựng lại bằng mô hình 3D thì cần phải nắm rõ các phần mềm chủ đạo, ví dụ như: Cinema 4D, Sketchup, Maya...
Còn nếu có sẵn file scan của vật thể, thì bạn chỉ cần dùng đến 3D max. Ngoài ra, bạn biết thêm phần mềm Adobe After Effect để tạo hiệu ứng sẽ mang lại lợi thế”.
Mai Châm - Quỳnh Như
Ảnh: NVCC