Gặp nữ đạo diễn tuổi 18 xinh xắn tài năng
Còn rất trẻ nhưng cô gái xinh xắn Nguyễn Thị Minh Phương đã đạt Giải Búp sen vàng phim tài liệu do khán giả bình chọn với phim "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ".
Đến với phim với một tờ rơi quảng cáo
Rất tình cờ khi Phương học lớp 11, trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) tới trường Trần Phú - nơi cô đang theo học phát tờ rơi giới thiệu về chương trình học làm phim miễn phí. Bị hấp dẫn ngay từ đó, Phương quyết định tham gia lớp học.
Trải qua vòng kiểm tra một số kiến thức và hiểu biết về phim, cô vui vẻ chia sẻ những kỉ niệm đáng yêu ngày hôm ấy.
Mỗi người chọn lấy một cụm đồ vật có sẵn và nhanh chóng phác thảo ý tưởng của mình bằng một đoạn văn ngắn. Một con dao, một chiếc áo cũ, một chiếc đèn pin là cụm đồ vật Phương đã chọn để tập làm đạo diễn.
Câu chuyện khá nhiều kịch tính, cụm đồ vật trên khiến cô bạn nghĩ ngay đến hình ảnh một tên trộm trong đêm, tay đèn pin, tay cầm con dao đã dính máu. Và cao trào phía cuối câu chuyện của mình, Phương đặt nhân vật ở trong một ngõ tối, khi bị phát hiện và ông ta sợ hãi chạy trốn.
Sau vòng phỏng vấn, Phương may mắn là một trong 20 bạn trở thành học viên chính thức của TPD. Khóa học diễn ra trong 10 buổi, mỗi buổi kéo dài khoảng từ 3-4 tiếng. Lúc đầu khi chưa biết đến phim tài liệu, Phương nghĩ đây là một thể loại phim rất khô khan, ví như các phim phóng sự về chiến tranh, kí sự hành trình,.. thể loại phim rất khó để thu hút giới trẻ. Nhưng khi tham gia học, hiểu thêm nhiều khía cạnh của phim tài liệu thì thấy đó là một thể loại phim cực thú vị.
Những buổi đầu còn khá nản vì tâm lý “đốt cháy giai đoạn”, ai cũng muốn nhanh chóng được làm một sản phẩm gì đó, “hoành tráng” như phim truyền hình và được chiếu trên ti vi. Học dần rồi mới hiểu và cảm thấy yêu thích phim tài liệu.
Đến giữa khóa học, mọi người phải đưa ra ý tưởng của mình cho bài tốt nghiệp cuối khóa. Lúc đầu, Phương định chọn môn thể thao mạo hiểm parkour để dựng phim nhưng vì điều kiện học tập, đi lại không cho phép nên chuyển sang đề tài gia đình – một đề tài đã rất quen thuộc.
Cô cảm thấy hơi buồn vì không thể khai thác một hướng đi mới mẻ hơn. Nhưng rồi có nhiều nháp tốt, phục vụ cho ý tưởng của mình, Phương lại có thêm hứng thú cho việc thực hiện những thước phim đầu tay. Cô dũng cảm, đưa máy quay vào trong chính cuộc sống hàng ngày tại gia đình mình để khai thác những chi tiết được đánh giá “đắt”.
Câu chuyện xoay quanh diễn biến tâm lý phức tạp: Bố mẹ không hiểu con cái, con cái không hiểu bố mẹ. Đặc biệt Phương đi sâu vào suy nghĩ của một cậu bé được bố mẹ chiều chuộng nhưng lại không cảm nhận được tình cảm ấy, suốt ngày than thân trách phận.
Giải thưởng là một bất ngờ
“Cho tôi một vé về tuổi thơ” phải dựng đi dựng lại rất nhiều lần. Mỗi lần dựng là một lần chỉnh sửa. Khi Búp sen vàng 2012 chuẩn bị diễn ra, các thành viên trong TPD kêu gọi Phương tham gia. Có khoảng 30-40 bài thi được gửi đi và cô đạo diễn tiềm năng này may mắn được lọt vào top 10.
Lúc nhận được giải thưởng Búp sen vàng cho phim tài liệu, cô vẫn không khỏi bất ngờ và ngỡ ngàng. Kể từ đó, Phương càng yêu thích làm phim và hăng say trong những kế hoạch sắp tới để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.
Niềm vui lại một lần nữa đến với đạo diễn trẻ tài năng này khi Cho tôi một vé về tuổi thơ đang là một trong những đề cử sáng giá của liên hoan phim YxineFF – Giải thưởng phim ngắn trực tuyến quốc tế. May mắn hơn nữa, Minh Phương sẽ vinh dự được đại diện cho các nhà làm phim trẻ sang Mỹ tham gia chuyến giao lưu văn hóa vào hôm nay (29/10). Hoạt động do Viện Văn Hóa & Giáo Dục Việt Nam tại Hoa Kỳ (IVCE) tổ chức nhằm mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam tới các học sinh, sinh viên Mỹ.
Cuộc sống đơn giản của cô nàng thích hoài cổ
Phương nhận thấy mình không quá xì tin và cá tính như các bạn đồng trang lứa. Có thể vì bố mẹ bận công việc, Phương sống với ông bà ngoại từ nhỏ nên có phần già dặn hơn tuổi, không thích cái gì quá mới.
Phương có xu hướng hoài cổ: thích nhạc xưa, thích nếp sống, nét đẹp của Hà Nội xưa, thích những bộ phim kinh điển như hài Chaplin. Tuy không có một tài năng thiên bẩm nào cho nghệ thuật nhưng chính những tác phẩm kinh điển mà cô bạn được tiếp cận từ khi học lớp 4 như: Lão Hạc, Những người khốn khổ, Tiếng gọi nơi hoang dã hay Thép đã tôi thế đấy... khiến cho tâm hồn cô bạn trở nên sâu sắc và phong phú hơn.
Bây giờ, Phương rất thích đọc sách của Joe Ruelle – một cái tên khá quen thuộc với các bạn trẻ của VTV6. Anh ấy nhìn xã hội Việt Nam dưới con mắt của người nước ngoài nhưng sâu sắc và chi tiết hơn rất nhiều so với cách nhìn của người Việt nhìn về xã hội của mình.
Bên cạnh đó nữ đạo diễn hâm mộ Michale Moore – một người được mệnh danh là bức tượng đài của phim tài liệu.
Phương nghĩ mình sẽ không bó buộc vào điện ảnh. Cô cảm thấy mình có những cái cảm riêng về phim nhưng khi làm việc trong một môi trường điện ảnh, thường xuyên tiếp xúc với các anh chị được đào tạo bài bản trong các trường nghệ thuật thì Phương cho rằng mình không có chất nghệ thuật ăn vào máu như họ.
Sắp tới Phương sẽ đi du học ở Mỹ như ước mơ từ nhỏ và theo học ngành báo truyền hình.
Theo Hoa học trò