Gặp gỡ cô giáo yoga “cận 9X” đáng yêu

(Dân trí) - Trong nhiều năm nay, yoga trở thành bộ môn rất được yêu thích tại Việt Nam. Thanh Thúy, một cô giáo yoga còn rất trẻ đã có những chia sẻ thú vị về những vui buồn với nghề.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Đỗ Thị Thanh Thúy

 

Năm sinh: 1989

 

Cựu sinh viên khoa Quốc tế, trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Hiện đang là giáo viên dạy yoga.

 

Sở thích: yoga, đọc sách.

 

Chào Thúy, bạn đến với yoga thế nào?

 

Từ thời sinh viên, mình đã rất thích những hoạt động có tác dụng giải phóng cơ thể nhưng không có điều kiện để theo học các lớp yoga. Bởi vậy, Thúy mua sách về đọc, tìm hiểu và thử luyện tập. Tuy nhiên ở nhà thiếu không khí luyện tập, người hướng dẫn nên trong quá trình hít thở không biết điều chỉnh thế nào cho chính xác.

 

Cách đây một năm, khi còn đang làm việc tại một công ty, mình cảm thấy thường xuyên bị stress và buồn phiền nên đã tìm đến yoga theo lời khuyên của bạn bè.

 

Sau khi học được 1 - 2 tháng đầu, mình thấy rất hiệu quả vì sự “lột xác” của bản thân. Tinh thần trở nên thoải mái, cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn hơn rất nhiều hay ngay cả chế độ sinh hoạt cũng được điều chỉnh một cách khoa học, điều độ hơn. Càng học, mình càng thấy thích và trở thành niềm đam mê lúc nào không biết.

 
Tốt nghiệp đại học, Thúy bất ngờ rẽ ngang sang dạy yoga.
Tốt nghiệp đại học, Thúy bất ngờ rẽ ngang sang dạy yoga.
 

Tốt nghiệp khoa quốc tế, ban đầu đến với yoga vì yêu thích, sao bạn lại chọn công việc dạy học?

 

Trong một lần gặp nhóm các thầy giáo yoga người Ấn Độ đang tập, mình cũng mạnh dạn đề nghị tập cùng nên thấy được khả năng của bản thân. Từ lúc đó, trong suy nghĩ của Thúy đã manh nha ý tưởng “dạy học”.

 

Vì khá thân thiết, khi mình trình bày ý tưởng đã được các thầy ủng hộ nhiệt tình. Ngay sau đó, mình đã cùng tập luyện cùng họ. Quá trình ấy khá gian nan và mất nhiều công sức.

 

Nếu đơn thuần biểu diễn các động tác dẻo thì mới chỉ giống như làm xiếc còn để dạy yoga, mình phải học rất nhiều thứ như giải phẫu, triết lý, lịch sử yoga, thiền, cách thở, bấm huyệt, trị liệu..

 

Khoảng thời gian này, mình đã tập cùng các thầy rất căng thẳng trong vòng hai tháng, hàng ngày mất 4 - 5 tiếng với cường độ luyện tập rất cao. Bên cạnh đó, mỗi khi ở phòng Thúy còn tìm hiểu kỹ về lý thuyết để trả bài với thầy theo lối vấn đáp.

 

Từ tháng 4/2013, bạn bè thuê địa điểm nhờ mình dạy nên khả năng lên lớp của Thúy đã cải thiện và phát triển dần. Nhờ vậy, mình trở nên tự tin hơn rất nhiều nên khi nhận được lời mời dạy chính thức ở trung tâm đã đồng ý luôn.

 
Thanh Thúy nhí nhảnh giữa đời thường.
Thanh Thúy nhí nhảnh giữa đời thường.
 

Bạn có gặp khó khăn gì khi tập và dạy yoga không?

 

Thời gian đầu, do còn bỡ ngỡ và lo lắng cho sức khỏe của học viên, mình dạy những động tác cơ bản. Vì trình độ không đồng đều nên có người đã nhận xét, phê bình Thúy dạy không hiệu quả vì bài tập còn nhẹ nhàng quá.

 

Hay có một lần, mình đang dạy một học viên trẻ động tác gập người thì bỗng nhiên ngã luôn xuống đất. Lúc đấy, Thúy rất bối rối, sợ hãi nhưng phải nhanh chóng trấn áp bản thân cho thật bình tĩnh để hỏi han bạn ấy về thể trạng, sức khỏe.

 

Sau khi biết bệnh của học viên đó, mình đã điều chỉnh lại phương pháp dạy sao cho mỗi người đều có một chế độ tập phù hợp với thể trạng sức khỏe.

 

Thúy có thể cho biết niềm vui từ công việc dạy học mang lại cho bạn?

 

Trong một lần đi trợ giảng cho thầy Ấn Độ, sau khi kết thúc buổi học, Thúy còn được tặng hoa, quà. Lần đầu tiên được quà với danh nghĩa giáo viên, mình vui và thích lắm, gửi bó hoa về tặng mẹ, thậm chí còn khoe ríu rít cùng cả nhà.

 

Cuối mỗi buổi tập, các học viên thường “chào cô giáo”, “cảm ơn cô giáo”. Trong lớp nhiều chị lớn tuổi hay các bác trung tuổi nên ban đầu khi nghe gọi cô giáo, Thúy còn bỡ ngỡ,chưa quen nhưng sau dần lại yêu tiếng gọi ấy.
 
Thanh Thúy nhí nhảnh giữa đời thường.

 

Phải đi dạy mới hiểu hai tiếng ấy thiêng liêng thế nào, cảm xúc khó tả lắm. Cũng vì điều đó mà mình càng có ý thức, trách nhiệm hơn với nghề, với chất lượng giảng dạy của từng buổi tập.

 

Bên cạnh đó, Thúy cũng thường xuyên hỏi han, trò chuyện cùng các học viên để hiểu rõ hơn từng người, từ đó tạo không khí lớp gần gũi, thoải mái đồng thời lựa chọn phương pháp dạy phù hợp.

 

Trong mỗi buổi tập, mình luôn chú ý quan sát sắc mặt, thái độ của mọi người. Nếu ai buồn phiền hay mệt mỏi, Thúy giảm bài tập xuống để họ đỡ căng thẳng hoặc cuối giờ hỏi han giúp học viên có cảm giác được quan tâm.

 

Cũng vì yêu nghề mà suốt nửa năm dạy học, mình không nghỉ buổi nào. Có những ngày bị sốt, đột ngột ốm đau nhưng Thúy vẫn cố gắng đến lớp do không muốn làm lỡ việc của học viên. Bạn bè thậm chí còn trêu mình là: “Rủ đi chơi thì chối nhưng đi dạy thì mưa gió cũng không bỏ bữa nào”.

 

Thúy có ý định gắn bó lâu dài với công việc dạy yoga không?

 

Đối với Thúy, yoga không đơn thuần là bộ môn luyện tập hay nghề nghiệp để nuôi sống bản thân mà đã trở thành niềm đam mê và có ý định gắn bó lâu dài.

 

Xác định ban đầu trở thành một doanh nhân giống bố nhưng trải nghiệm được niềm hạnh phúc được đứng trên giảng đường, nghe hai tiếng gọi thiêng liêng “cô giáo”, Thúy đã có kế hoạch cụ thể để trở thành một giảng viên đại học.

 

Sắp tới, mình dự định đi du học và khi về nước, ngoài công việc chính trên giảng đường, Thúy sẽ cố gắng sắp xếp mỗi tuần 2 buổi dạy yoga.

 

Cảm ơn Thúy về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc Thúy sớm đạt được những dự định của mình!

 

Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm