Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò

(Dân trí) - Khi các bạn bè đồng trang lứa chỉ mỗi việc cắp sách đến trường, thì với Nhung, Duyên, Ngọc, Trung… ngoài việc học thì các em còn phải làm đủ thứ việc để có tiền trang trải cho việc học. Vậy mà, các em lại học rất giỏi.


Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò  - 1


Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò  - 2

Cuộc sống quá khó khăn, ngoài giờ học, Thùy Nhung phụ giúp bố mẹ đủ thứ việc để có thêm thu nhập
 

 

Nhà nghèo nhưng học cực giỏi

 

Căn nhà lá ọp ẹp nằm sâu hun hút trong ấp 2, đường Thanh Niên, xã Lê Minh Xuân là nơi trú ngụ  của gia đình cô học trò “nức tiếng học giỏi” Huỳnh Thị Thùy Nhung (lớp 9/4 trường THCS Phong Phú, huyện Bình Chánh). Ở cái xóm ngụ cư này, hỏi đến Nhung thì ai cũng biết. Bởi, ở cô bé nhỏ nhắn này không chỉ học cừ khôi mà còn đảm đang việc gia đình.

 

Cả gia đình Nhung sống trong căn nhà lá hoang sơ cất tạm từ năm 1999 để trông coi đất mới khai hoang của chủ. Gia cảnh khó khăn, ông Huỳnh Văn Tài, bố Nhung hằng ngày phải đi làm thuê đủ thứ việc từ đắp bờ đê, phụ hồ, làm nhà… bất kể ngày nắng hay mưa. Nhưng công việc cũng không ổn định, nhiều lúc không có việc phải ở nhà.

Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò  - 3
Võ Quốc Trung

 

Mẹ Nhung, bà Lài Thị Bé bị viêm xoang mãn tính nhưng phải đi phụ dọn quét, rửa chén cho quán ăn gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Thương ba mẹ một đời vất vả, nên từ khi mới học lớp 1, Nhung đã trở nên đảm đang lạ thường. Ngoài giờ học, Nhung về phụ mẹ làm nhang. Trong căn nhà xiêu vẹo, đôi tay nhỏ nhắn nhuộm vàng bột màu nhang của Nhung vẫn quay đều đặn giữa đêm khuya. Bà Lài tâm sự: “Nhà nghèo quá, để có tiền đóng học phí, cứ mỗi khi hè về, Nhung xin đi làm thêm đủ việc. Thương con, tôi chỉ biết động viên…”.

 

Hằng ngày, Nhung phải cọc cạch trên con ngựa sắt vượt 15km để đến trường. Nhà xa, nhiều khi em phải gói cơm mang theo để ăn trưa. Nhưng cái khó, cái khổ đã không cản được ước mơ tới trường của em. 10 năm liền, Nhung luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc của trường. “Nhiều lúc học bài tới khuya nhìn ra ngoài vẫn thấy mẹ ngồi cặm cụi so từng bó nhang, em thấy thương mẹ lắm. Chỉ biết ráng cố gắng học thật giỏi để ba mẹ khỏi buồn lòng”, Nhung tâm sự.

 

Đồng cảnh ngộ nhưng học giỏi như Nhung đó là Võ Quốc Trung, học sinh lớp 11A15, trường THPT bán công Phan Chu Trinh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

 

Cha mất khi vừa tròn 5 tuổi, Trung lớn lên trong sự thiếu trước hụt sau của gia đình. Mẹ của Trung một thân một mình chạy đôn chạy đáo để nươi 7 đứa con thơ khôn lớn. Các anh chị lớn đã có gia đình nên không phụ giúp mẹ được gì. Chỉ có anh Sáu đi làm biển để phụng dưỡng mẹ và lo cho Trung ăn học. Nhưng ăn của biển cũng lắm chua cay… Gánh nặng thời gian đã làm mẹ của Trung già nua. Anh Sáu đi biển mỗi tháng về một lần, căn nhà ọp ẹp không có chỗ ngủ khi trời mưa bên biển là nơi trú ngụ của Trung và mẹ.

 

Thương mẹ, cậu học trò ân nặng chỉ có 40 kg, gầy quắt, đen ngòm vì gió biển Võ Quốc Trung hằng ngày phải đi vác cá thuê để kiếm tiền đi học. Mỗi sáng, em phải vác hàng tấn cá từ dưới ghe lên bờ. Tiền công mỗi giỏ cá nặng 30kg là 500 đồng. Khiêng 10 giỏ mới có đủ tiền mua ổ bánh mì lót dạ trước khi đến lớp nhưng vẫn không đủ sức ngăn cản ước mơ đến trường của em. Nhìn giỏ cá mà em phải vác nặng nhọc, lê từng bước lên bờ, thiết nghĩ có lẽ không gì có thể ngăn cản nổi ước mơ tới trường của em.

 

Khó khăn là vậy, 11 năm liền Trung đều là học học sinh giỏi của trường. “Đi làm mực, khiêng cá, phụ muối mắm… kiếm tiền đóng học phí để được đến trường là niềm vui của em rồi”, Trung cười hóm hỉnh.
 
 
Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò  - 4

Mỹ Duyên

 

Đôi bạn cùng tiến

 

Trong lớp 11B1, trường THPT Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai có đôi bạn cùng tiến Nguyễn Thị Mỹ Duyên và Trần Bích Ngọc. Hai em là tấm gương sáng về vượt khó, học giỏi. Những nỗ lực đó được vinh danh xứng đáng khi ngày 21/08 vừa qua, cả 2 em cùng được lên TP.HCM nhận học bổng “Chung một ước mơ” do báo Tuổi trẻ và tập đoàn SCG tổ chức.

 

Cha mất sớm, mẹ đi làm phu quét rác trên TP.HCM, hàng ngày, Mỹ Duyên phải ở nhà với bà ngoại già 75 tuổi. Tiền công ít ỏi, mỗi tháng mẹ cũng tằn tiện gửi về 300.000 đồng để Duyên chăm sóc ngoại. Để có tiền đi học, Duyên tự xoay xở đủ hướng. Ngoài thời gian học trên lớp, hằng ngày em phải đi làm việc nhà cho các nhà hàng xóm để có tiền đóng học phí. Không những vậy, tối đến em phải tranh thủ thời gian đi dạy kèm cho các em học lớn dưới để có tiền trang trải cho việc học hành và có tiền chữa bệnh cho mình.
Gánh nặng mưu sinh tuổi học trò  - 5

Trần Bích Ngọc đi xé sợi bèo (nguyên liệu đan lát) cho các cơ sở xuất khẩu

 

Căn nhà nhỏ, nằm lọt thọt giữa ruộng đồng mênh mông là chỗ trú ngụ của 2 bà cháu. Nhà không có điện, Duyên phải học bằng ánh đèn dầu nên đôi mắt ngày càng cận nặng hơn. Tài sản của em chỉ vọn vẹn có 2 con gà mái và 4 con gà con. Hằng ngày, Nhung phải đi bộ đến trường học. Bản thân Duyên bị bệnh tim bẩm sinh nên mẹ đã phải bán tất cả tài sản để điều trị cho em. Nay bệnh tim của em đã ổn nhưng vì sức khỏe yếu nên lại bị bệnh đau đầu, bao tử, thấp khớp… hành hạ. Ước mơ của 2 bà cháu của Duyên là mong sao có ánh sáng đèn điện để em học bài. “Nhưng 3 triệu đồng để kéo điện là một số tiền quá lớn đối với gia đình em. Ước mơ giản dị đó xa vời quá anh ạ”, Duyên thút thít.

 

Người bạn cùng cảnh ngộ nhưng học giỏi như Duyên đó là Trần Thị Bích Ngọc. Nhà nghèo, cha chạy xe ôm và làm thuê ở bến cá để kiếm thêm thu nhập. Mẹ bán rau câu dạo tại cổng các trường học. Thu nhập của cả gia đình không ổn định, chỉ khoảng 1,4 triệu/tháng. Nhiều hôm, biển động cha Ngọc không đi làm được phải ở nhà. Cả nhà phải chật vật kiếm miếng ăn từng ngày nhưng cả 3 chị em Ngọc ai cũng được đến trường và học rất giỏi.

 

Vì thế, hàng ngày, sau giờ lên lớp, Ngọc phụ giúp mẹ nấu rau câu, gặt lúa thuê và bán vé số để kiếm tiền đóng học phí. Cả mùa hè vừa rồi, Ngọc không giống như các bạn có một mùa giản dị, nghỉ ngơi để bắt đầu một năm học mới. Ngọc phải đi xé sợi bèo (nguyên liệu đan lát) cho các cơ sở xuất khẩu. Để hoàn thành được một sản phẩm, Ngọc phải chật vật tước từng sợi bèo sao cho thật khéo, không bị đứt và đều.

 

Để hoàn thành được một sản phẩm em phải làm mất nửa ngày nhưng chỉ nhận 5000 tiền công. Nhiều đêm tối về em bị  đâu lưng, ê ẩm hết cả người vì phải ngồi cả ngày.

 

Hè năm ngoái, Ngọc đi bán vé số. Do mới vào nghề nên bị mấy tên lưu manh lừa lấy hết vé số. Em ngồi khóc hoài vì không dám về nhà bị ba mẹ đánh. Ba, mẹ thì bị mắc bệnh hoài vì chứng thất khớp, phải nằm viện hoài nhưng 3 chị em Ngọc ai cũng học giỏi. Riêng Ngọc 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

 

Mỗi em có một hoàn cảnh nhưng tất cả đều có một điểm chung là ý chí vươn lên trong cuộc sống. Vượt khó, học giỏi và dám vượt qua khó khăn thử thách để được đến trường, thế giới tri thức sẽ rộng mở với các em. 

 

Công Quang - Văn Vĩnh