Đường về nhà của người Việt trẻ
Nhiều thanh niên gốc Việt hải ngoại đang đổ về Việt Nam làm việc, phần vì háo hức muốn tận mắt thấy quê hương, phần vì bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục ở đây. Là người Việt, họ có được nhiều thuận lợi trong kinh doanh, nhưng cũng gặp một số rào cản.
Tờ Financial Times của Anh số hôm qua đăng bài của Amy Kazmin tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn mà những thanh niên người Việt hải ngoại gặp khi trở về quê cha đất tổ.
Phạm Công Thành, 29 tuổi, cùng gia đình rời Việt Nam sang Đức khi mới bốn tuổi. Tại Đức, sau khi lấy bằng MBA và bằng cao học về công nghệ thông tin, anh vào làm cho một công ty di động viễn thông lớn của Đức.
Nhưng năm 2003, hôn thê người Đức của Thành nói cô muốn biết thêm về quê nhà của người cô sắp kết hôn. Ban đầu, Thành miễn cưỡng trước viễn cảnh trở về một đất nước mà anh xem là kém phát triển, thiếu cơ hội. Bố mẹ của anh cũng tỏ ra không vui.
Tuy vậy, anh cũng quyết định xin nghỉ sáu tháng và cùng hôn thê quay về TPHCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, để làm cho một doanh nghiệp xuất khẩu.
“Rất dễ tìm việc”, anh cho biết. “Mặc dù Việt Nam có nhiều người giỏi kỹ năng, nhưng sẽ khác nếu anh được đào tạo ở Tây phương. Cách nghĩ và làm việc đều khác”.
Sau sáu tháng, anh trở về với công việc ở T-Mobile International tại Đức. Nhưng hồi tháng giêng, Thành lại về Việt Nam, lần này với tư cách Tổng giám đốc của Mobile Solution Services, một công ty bản địa, có vốn đầu tư nước ngoài và bán các dịch vụ như trò chơi và chuông reo điện thoại.
“Có nhiều cơ hội lắm”, Thành tâm sự. “Bạn cảm nhận khao khát thay đổi của con người, thay đổi thế giới, cuộc sống bản thân, thay đổi đất nước. Nếu bạn có một giấc mơ, bạn có thể xây dựng giấc mơ ấy tại đây”.
Lợi thế
Những người Việt ở hải ngoại có nhiều lợi thế: được học ở Tây phương, hiểu lề lối làm việc của Tây phương, thuần thục cả tiếng Anh và tiếng Việt, và cũng biết về văn hóa Việt Nam. Nhưng lịch sử nhiều biến động của đất nước cũng tạo nên những hàng rào cho người Việt trở về.
Henry Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt 33 tuổi và là người góp vốn trong Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam, nói: “Có cả thành kiến”.
“Có những lần tôi đi họp và người ta hỏi: Sếp của anh đâu rồi?” - ông Nguyễn nhớ lại. “Tôi bảo: Tôi là sếp nè, nhưng họ cứ tưởng tôi đùa. Nếu tôi đem theo một người bạn da trắng, họ sẽ ồ lên: Tốt tốt, các anh đúng là công ty Mỹ”.
Từ mấy năm qua, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại đem chất xám và đầu tư về nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn nói Việt kiều vẫn còn gặp sự hồ nghi của người trong nước, nhiều người không hiểu làm sao ai đó lại từ bỏ cuộc sống mà chắc là dễ chịu lắm ở phương Tây để về làm việc ở một nước đang phát triển.
Va chạm
Asia Nguyễn, một cô gái Mỹ gốc Việt 30 tuổi hoạt động về vấn đề HIV/AIDS, cho hay cô từng gặp thái độ không tốt của các đồng nghiệp lớn tuổi hơn ở Việt Nam, những người thường có các bình phẩm không hay về Việt kiều.
“Vấn đề mang tính chất thế hệ”, cô nhận xét. “Những người trẻ tiếp xúc với toàn cầu hóa cảm thấy ít bị đe dọa hơn. Có lẽ các bạn ấy lớn lên trong giai đoạn có nhiều cơ hội hơn, nên các bạn không cảm thấy mình phải tích trữ và bảo vệ mọi thứ”.
Rào cản giữa người Việt trong và ngoài nước khi làm việc chung thường được phản ánh qua khía cạnh ngôn ngữ tinh tế mà sắc nhọn. Nhiều thanh niên gốc Việt giao tiếp với người thân trong gia đình bằng tiếng Việt. Nhưng nếu họ không học tiếng Việt một cách chính quy, họ có thể thấy không tự tin rằng khả năng ngôn ngữ của họ đủ cho giao thiệp kinh doanh.
Asia Nguyễn thừa nhận khi nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt, họ không nói về các vấn đề như chính trị và phát triển. Vì thế tiếng Việt của cô chưa đủ độ tinh tế và sâu sắc khi về lại Việt Nam.
Kết quả là trong các buổi họp, cô thường nói chuyện bằng tiếng Anh, một điều cũng thường thấy ở nhiều Việt kiều khác. Thế nhưng, cô nói thỉnh thoảng người trong nước xem việc dùng tiếng Anh của cô là biểu hiện của sự hợm hĩnh, hay ra vẻ ta đây giỏi hơn.
Henry Nguyễn của IDG cho biết anh chỉ nói được độ 80% tiếng Việt lưu loát, đặc biệt là khi phải dùng đến ngôn ngữ trong kinh doanh.
“Tôi nói tiếng Việt không trôi chảy như tiếgn Anh”, anh nói. Dù vậy, Nguyễn thường dùng tiếng Việt trong các cuộc họp bàn về công việc. “Tôi cố gắng nói được”, Nguyễn tâm sự. “Cố gắng như thế chứng tỏ rằng tôi tôn trọng và lịch thiệp”.
Bất chấp các thách thức họ đối diện, đa số Việt kiều nói họ cảm thấy hài lòng khi làm việc ở Việt Nam, cả trên phương diện cá nhân và nghề nghiệp.
Ông Thành tâm sự: “Tôi luôn có ý nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ về và giúp đất nước này bằng tất cả khả năng của mình”.
Theo Vnexpress/BBC, FT