Dương Thụy: “Tôi viết hồn nhiên như tôi sống”

Dương Thụy, cây bút có thể nói là “100% TPHCM” (vì sinh đúng năm 1975 tại đúng nơi vừa được đổi tên là TPHCM), cầm bút từ lúc còn học trung học với lối viết “dễ thương nhưng tỉnh táo đầy lý trí”. Dương Thụy đã có những chia sẻ về tác phẩm cũng như cuộc sống của chị:

>> Một chuyện tình hiếm hoi ở Oxford

Để chuẩn bị cho cuộc trò truyện này, tôi đã tìm đọc lại khá nhiều truyện của chị. Và tôi nhận thấy rằng: Truyện của chị dường như thường có yếu tố ngoại: nhân vật ngoại, bối cảnh ngoại?

Đúng vậy, tôi có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài cũng như đi nhiều nước.

Tôi nhận thấy người Việt Nam mình còn nhiều định kiến cũng như hiểu lầm người nước ngoài, hoặc do mình tự ti quá rồi tự tôn chăng?

Tôi muốn chia sẻ với mọi người những gì mình mắt thấy tai nghe để những bất đồng về văn hóa trong một thế giới phẳng ngày nay bớt gay gắt. Tôi cũng thích lấy bối cảnh nước ngoài để truyện có không khí lãng mạn và mới lạ hơn.

Chị có nghĩ rằng những am hiểu về cuộc sống của giới sinh viên Việt Nam ở Châu Âu là thế mạnh của mình?

Đúng đó là thế mạnh của tôi, vì tôi là người trong cuộc.

Nhưng liệu có nên cảnh báo một điều thế này: cái gì khai thác mãi rồi cũng sẽ cạn?

Dĩ nhiên đến lúc sẽ cạn nhưng tôi vẫn luôn đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên vốn sống sẽ tiếp tục được cập nhật. Tôi không chỉ “chăm chăm” vào cuộc sống giới sinh viên ở hải ngoại mà sẽ mở rộng đối tượng hơn.

Sở trường của chị dường như là về những love story xuyên biên giới và lãng mạn?

Đó là một trong những sở trường của tôi, hiện tại tôi thấy đó là đề tài “dễ thương”, giúp tôi thư giãn trong sáng tác sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhưng về lâu về dài, tôi chưa định được cho mình sẽ viết về đề tài gì khác.

Chị nghĩ sao khi có người nói rằng: Dương Thụy không chỉ có vẻ ngoài tiểu thư mà văn cũng rất tiểu thư?

Tôi không hiểu sao lại có nhận xét bề ngoài tôi tiểu thư, có lẽ vì trong tôi mảnh mai, trắng trẻo và nhỏ nhắn chăng?

Nhưng tôi lại rất “bụi đời”, tôi một mình xông xáo đi rất nhiều nơi, bằng những phương tiện rất “bèo”. Trong công việc tôi không nề hà bất cứ chuyện gì và làm rất “hùng hục”.

Còn nói văn tôi “tiểu thư” thì cũng không hẳn, nhưng chắc chắn là văn tôi không “gai góc” rồi.

Oxford thương yêu đã có một kết thúc hoàn hảo. Nếu cho chị viết lại tác phẩm này, liệu chị có thay đổi nó?

Nhiều đọc giả trách tôi hay viết truyện kết thúc có hậu, nhưng tôi thích những kết thúc như thế vì tôi cho rằng cuộc sống vốn tốt đẹp nếu chúng ta làm chủ được cuộc đời mình.

Tôi không thay đổi nếu viết lại vì mạch truyện đã tự nó tạo nên một kết thúc như thế.

Tôi có cảm giác, chị khá vội với phần kết truyện?

Tôi chưa từng hối tiếc về những gì mình làm vì tôi khá thận trọng và lý trí. Trong sáng tác, tuy văn phong có lãng mạn nhưng tôi viết cũng chuyên nghiệp. Tôi không đưa tác phẩm ra ngoài nếu chưa đọc lại và chỉnh sửa nhiều lần.

Bên cạnh “lưng vốn” về thể loại truyện ngắn, chị đã mạnh dạn đầu thử sức với một cuốn truyện dài tới hơn 300 trang. Và tôi nghĩ chị đã thành công với cuốn sách này, một tác phẩm viết lôi cuốn, hấp dẫn. Tôi đã đọc nó chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Và điều tôi tò mò muốn hỏi là: chị sẽ còn  tiếp tục với thể loại dài hơn này chứ?

Tôi rất muốn nhưng như mọi người biết tôi không có nhiều thời giờ cho sáng tác vì công việc chính của tôi hiện nay là giám đốc truyền thông - đối ngoại cho một công ty nước ngoài.

Muốn viết truyện dài phải đầu tư rất nhiều thời giờ, công sức và kể cả một đề tài thú vị. Khi nào tôi tìm ra một đề tài nào khác thú vị tôi sẽ cố gắng lại viết truyện dài, không nói trước được.

Chị từng là thành viên của Hội bút Hương đầu mùa vang bóng một thời. Tâm thế cầm bút bây giờ chắc chắn sẽ khác khi chị còn là “hương đầu mùa” . Tôi muốn hỏi về “sự khác” ấy ở chị?

Ngày trước tôi rất hãnh diện ở trong hội bút Hương đầu mùa. Trong khi những bạn khác cùng tuổi với tôi viết rất sâu sắc như Châu Giang, Trang Hạ, Phan Hồn Nhiên, Hải Miên… thì tôi lại rất hồn nhiên, viết để giải trí, để truyền tải cuộc sống học trò giản dị.

Nhiều người khuyên tôi nên tập viết “người lớn” hơn nhưng tôi không quan tâm bởi với tôi sáng tác là một thú vui, chẳng cần khó nhọc tập làm người lớn. Giờ thì tôi vẫn giữ phong cách đó, viết dễ dàng và nhẹ nhàng.

Tôi không có bất kỳ áp lực nào do người khác tạo ra hay do chính bản thân mình tạo ra. Xem ra, tôi vẫn cho mình còn là “hương đầu mùa” chăng?

Bức ảnh xuất hiện trong sách với lời ghi chú: “Dương Thụy tại đại học Oxford, bối cảnh xảy ra chuyện tình Oxford thương yêu” khiến tôi khá tò mò. Nói như vậy thì “chuyện tình Oxford” là có thật?

Nếu không đến Oxford làm sao tôi dám lấy bối cảnh nơi đây cho cuốn truyện của mình? Tôi đâu thể tự mình tưởng tượng ra.

Tôi đi du học ở Liège (vương quốc Bỉ) nhưng Oxford là nơi tôi ao ước được đặt chân vào. Tôi đã đến Oxford khi công ty gởi tôi đi tu nghiệp một tháng ở Anh.

Ở đầu câu chuyện của chúng ta chị có nói rằng mình  thích lấy bối cảnh nước ngoài để truyện có không khí lãng mạn và mới lạ hơn. Tôi nảy ra 2 ý thế này: chị có nghĩ rằng truyện ngắn trẻ của chúng ta hiện nay đang thưa vắng dần mầu sắc lãng mạn? và ý thứ hai là: ngoài việc tạo một không khí mới lạ cho tác phẩm của mình bằng “yếu tố ngoại” chị có ý định làm mới lạ bằng những cách thức khác?

Tôi có đọc các sáng tác mới nhưng không đầy đủ lắm nên không thể nói là thiếu màu sắc lãng mạn hay không.

Tôi không cố tình đưa “yếu tố ngoại” vào sáng tác mà vì cuộc sống của tôi gắn liền với “yếu tố ngoại” do tôi làm việc trong công ty nước ngoài, sếp và đồng nghiệp là người nước ngoài, tôi hay đi công tác và có bạn bè người nước ngoài nên khi viết, tự khắc những “yếu tố ngoại” hiển nhiên hiện ra trong sáng tác của mình.

Tôi viết hồn nhiên như tôi sống và vì cuộc sống tôi luôn được làm mới nên chắc rằng sáng tác của tôi cũng sẽ có gì đó mới hơn ngày hôm qua.

Theo Phong Điệp
Văn Nghệ Trẻ