Đường đi của “thiên thần”

“Thiên thần” là cái tên thân thương mà các bạn trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II TPHCM đặt cho Cao Ngọc Cảnh, sinh viên năm 2 khoa Công nghệ Thông tin. Chàng sinh viên 20 tuổi nhưng chỉ cao 1,12 m, nặng 20 kg với đôi mắt trong veo, lông mi cong vút, khuôn mặt trẻ con…

Cảnh bảo: “Lúc học ở phổ thông, mọi người gọi mình là Tí hon, Sọ Dừa (nhân vật trong chuyện cổ tích), Ốc tiêu, giờ thì có thêm tên mới là Thiên thần, “người thấp mà lại họ Cao”… Tên gì mình thấy cũng dễ thương vì nó hợp với cơ thể mình”.

 

Giấc mơ của Sọ Dừa

 

Sinh ra trong gia đình có ba anh chị em, Cảnh là con trai đầu và hai cô em gái. Lúc mới sinh, Cảnh cũng như mọi đứa bé khác, nặng 3,1 kg, phát triển bình thường nhưng đến khi vào năm học lớp 2 thì cơ thể không phát triển nữa.

 

Thân hình bé thế nhưng Cao Ngọc Cảnh có một nỗ lực đáng nể: từ năm học lớp 1 đến hết lớp 12 đều là học sinh khá giỏi, được chọn đi thi “vở sạch chữ đẹp”, thi kể chuyện, là học sinh giỏi văn của huyện.

 

“Trong các câu chuyện cổ tích, Cảnh thích nhất là chuyện “Sọ Dừa” vì nhân vật trong chuyện giống mình quá, nhưng đoạn kết cuộc đời mình chắc không được như Sọ Dừa”, Cảnh nói.

 

Năm 2004, khi vừa bước chân vào giảng đường, với sức học của mình, Cảnh được trường Cao Đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II chọn vào đội tuyển đại diện cho trường đi thi Olympic tin học khối Đại học chuyên nghiệp. Tuy không đoạt giải nhưng với Cảnh đó là hành trình học hỏi làm chủ tri thức với nhiều kỷ niệm khó quên.

 

Nhà nghèo, vì mưu sinh nên khi Cảnh vừa được 5 tháng tuổi ba mẹ phải gởi Cảnh cho người dì và ông bà ngoại nuôi. Hành trình đến trường của Cảnh và hai cô em gái là chuỗi ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của ba mẹ và ông bà ngoại.

 

Cảnh kể: “Hết việc đồng án, ba lại đi biển câu cá mực để kiếm thêm tiền chợ búa. Ngày Cảnh thi đậu vào trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II, lo lắm vì không có tiền học nên bà con ở quê mỗi người góp một ít. Gia đình thì lo sức khoẻ của Cảnh không đủ khi một mình phải bươn chải ở Sài Gòn nên có ý không cho mình đi học, nhưng không học thì làm sao có thể làm chủ cuộc đời.

 

Không có tri thức thì làm sao nói được chuyện nuôi sống mình, chẳng lẽ cứ để ba mẹ, ông bà ngoại nuôi hoài…. Thế là Cảnh khăn gói vào Sài Gòn học đại học. Nhớ lại hôm dự thi, giám thị đuổi Cảnh ra ngoài “cho các anh chị thi”, đến khi Cảnh trình giấy báo dự thi cùng các giấy tờ cần thiết, giám thị đã ngỡ ngàng xin lỗi…

 

Ước mơ chiếm lĩnh tri thức

 

Bước chân vào giảng đường, thỏa mãn niềm ao ước từ thưở bé, nhưng càng học Cảnh càng nhận ra thế giới tri thức bao la vô tận. Càng học lại thấy tri thức mình càng thiếu nên chàng sinh viên tí hon luôn trăn trở: “Liệu sức khoẻ và điều kiện kinh tế có cho phép mình học tiếp lên cao?”.

 

Từ miền quê nghèo Quãng Ngãi, mỗi tháng ba mẹ dành dụm gởi cho Cảnh 400.000 đồng để ăn uống. Với 400.000 đồng, cuộc sống của Cảnh quá đỗi nhọc nhằn nên khi mới vào sài Gòn, Cảnh phải đi làm thêm. Cảnh phụ ép plastic cho một tiệm gần trường kể kiếm thêm tiền thu nhập.

 

Cuộc sống cơ cực nhưng cảnh luôn lạc quan: “5 giờ sáng Cảnh thức dậy đánh cầu với các bạn, chạy bộ cho người khoẻ rồi mới đi học. Tiền ít nên phải chi tiêu cho có “kế hoạch” nhưng bạn em nhiều lắm nên tháng nào cũng được mời dự sinh nhật, nên cứ “thâm thụt” hoài” - Cảnh cười vui và kể.

 

Và niềm vui nhất của Cảnh là đi đâu cũng được bạn bè yêu thương, quý mến, các bạn ở cùng ký túc xá luôn bênh vực, giúp đỡ Cảnh mọi công việc. Không vì thế mà Cảnh chủ quan nên việc gì mọi người làm được thì Cảnh làm được. Thật bất ngờ khi biết sức học của Cảnh được xếp hàng top 10 trong lớp. Cảnh còn là Uỷ viên Ban chấp hành Liên Chi đoàn và hoạt động nào cũng tham gia hết mình.

 

Hỏi đùa về chuyên yêu đương, một chút suy tư, chàng sinh viên 20 tuổi nói với tôi: “Mình cũng thấy rung động trước các cô gái đẹp, cũng để ý một người nhưng chưa dám nói. Chắc “người ta” cũng biết. Mình nghĩ quan trọng là yêu nhau thật sự, còn hình thể không quan trọng lắm…”

 

Học công nghệ thông tin nên rất cần một chiếc máy tính. Hè năm rồi, ba mẹ Cảnh dành dụm cho Cảnh 3 triệu đồng, mượn thêm của người cô 1,2 triệu đồng, Cảnh “tậu” được một chiếc máy vi tính để thực hành.

 

Thời gian rảnh rỗi, Cảnh đọc “Thần đồng đất Việt” và thiết kế một trang web cho mình với địa chỉ: www.thienthanxanh.de.tt.

 

Nói chuyện với “thiên thần”, cứ ngỡ như đang trò chuyện với một đứa bé lên 6, 7 tuổi nhưng các câu trả lời của chàng sinh viên tí hon lại làm mọi người phải giật mình bởi khát vọng vươn lên và tinh thần chịu khó học hỏi không ngừng.

 

Theo Hồ Duyên

Người Viễn Xứ