Đường bóng cây nơi chốn yên bình
(Dân trí) - Những hàng cây xanh mướt,thẳng dài,chạy cùng với sự tít tắp của con đường. Cây gắn với đường như một người bạn tâm giao, tri kỉ.
Hồi tiểu học, cuốc bộ đến trường, tôi thích thú vô cùng khi đi trên đường quốc lộ. Hai bên đường xum xuê cây cổ thụ. Những cành cây như những cánh tay lực lưỡng của người khổng lồ vươn dài, vô tư hứng nắng mặt trời. Trên cánh tay ấy, lấp lánh muôn nghìn chiếc lá xanh tươi. Bóng cây ôm trọn lòng đường. Đường mát rượi, nắng không thể dàn trải mà chỉ là những chấm bi xinh xẻo, điểm xuyết trên mặt đường.
Ngoại bảo hàng cây có từ thời Mỹ xâm lược Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, biến cố dữ dội của lịch sử, đặc biệt là những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, cây vẫn hiên ngang lớn lên, thách thức đạn bom kẻ thù, như một chứng nhân anh hùng cho một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc.
Hàng cây thời bình lưu giữ những kỉ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ của tôi và những người bạn. Đi học về,chúng tôi núp sau thân cây, đợi bạn đi qua, bất ngờ lao ra òa một cái, bạn giật mình, bất ngờ,…Tiếng cười hồn nhiên tan trong cái xanh mướt mát của cành, của lá. Nhớ những buổi chiều, cả bọn cùng thi xem tay đứa nào ôm kín thân cây, rồi chí chóe bởi ai cũng tự cho rằng vòng tay mình là dài nhất…
Tiếng cười hồn nhiên tan trong cái xanh mướt mát của cành, của lá...
Năm tôi học lớp ba, đường được nâng cấp, mở rộng. Những cây xanh cổ thụ tưởng như sẽ bám trụ mãi với con đường lần lượt bị đốn gục. Chín tuổi, lòng tôi se thắt trước những xác cây nằm xòa trên mặt đường.
Rồi…từ đêm hôm ấy và những đêm kế tiếp, màn đêm bị xé toang và nhuốm màu rùng rợn bởi tiếng kêu não nề, thảm thiết của chim éc lợn: “Éc…éc...”. Những người mê tín xì xào là điềm gở. Những người hiểu biết chép miệng,thở dài: “Cây bị phá, chim mất tổ ấy mà…”
Đường quốc lộ giờ rộng lớn, khang trang. Hàng liễu thướt tha như níu kéo chút mơ màng, lãng mạn giữa nhịp sống thị trường quá đỗi tất bật. Bóng liễu rũ mình trên mặt đường láng mịn…
Những kẻ hay hoài niệm như tôi, bất giác cái sự nhớ trở thành nỗi da diết khôn nguôi về hàng cây cổ thụ xum xuê, về tiếng chim éc lợn não nề, thảm thiết…Quá trình đô thị hóa buộc mỗi người phải biết đón nhận những sự thay đổi cần thiết!
Lâu lắm rồi, tiếng chim éc lợn chẳng còn khuấy tan sự tĩnh mịch đêm khuya. Chắc chúng đã tìm được một chốn yên bình!
Thúy An