Được mất việc SV gác bằng ĐH tự kinh doanh riêng

(Dân trí) - Chuyện sinh viên ra trường không xin được việc nên phải tự bươn trải bằng đủ thứ nghề kiếm sống không còn lạ. Tuy nhiên những cái được, mất không phải ai cũng đã hiểu và suy nghĩ thấu đáo về điều này

Không bon chen, thời gian tự do không gò bó

 
Đây là lí do đã khiến không ít những bạn trẻ lựa chọn hình thức “tự kinh doanh” thay bằng việc đến đến cơ quan với mức lương không đủ sống. Hải (cựu sinh viên HV Ngân Hàng) ra trường với tấm bằng khá tuy nhiên dù đã mất 4 tháng đi gõ cửa các ngân hàng để xin việc thì kết quả vẫn là “chờ đấy”.
 
Chán nản cậu đành “rẽ đường” sang làm kinh doanh cho một công ty về phần mềm nhưng cũng chỉ trụ được 3 tháng. Lí do mức lương khởi điểm được 5 triệu nhưng cậu phải bỏ quá nhiều chi phí cho những lần cafe với khách hàng, xăng xe chạy cả ngày ngoài đường và một vài khoản khác. Kết quả cuối tháng lĩnh lương nhưng cậu vẫn phải khất chủ nhà trọ đến tháng sau đóng tiền cả thể.

Quyết định dời bỏ công ty, cậu về tự mở cho mình một cửa hàng bán tranh thêu tay qua sự hướng dẫn của một người chị họ. Công việc ban đầu tuy có phần nhàm chán bởi suốt ngày phải “cắm chốt” ở cửa hàng tuy nhiên giờ giấc thoải mái và không phải bon chen nhiều khiến cậu khá thoải mái.

Được mất việc SV gác bằng ĐH tự kinh doanh riêng
Các bạn trẻ cần suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cho con đường đi của mình ( Nguồn ảnh Internet)

Câu chuyện của Thu (cựu sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cũng tương tự với Hải, tuy nhiên cô lại chọn hình thức kinh doanh buôn bán quần áo online để kiếm thu nhập. Ra trường không xin được việc cho dù cô đã đâm đơn ở khắp các “cửa”, bố mẹ lại làm nông nghiệp không có tiền khiến Thu trăn trở suy nghĩ.
 
Sau 6 tháng chờ đợi mà việc không có, cô bạn bắt đầu lân la lên các trang mạng tìm mối lấy quần áo để về bán online. Việc nhập hàng không khó nhưng quan trọng đòi hỏi người bán phải có con mắt thẩm mĩ biết kết hợp đồ sao cho đẹp và mốt nhất, công việc khiến Thu thấy vui và thú vị. Không bị ai gò bó, quản lí, cô tự sắp xếp thời gian của mình nên công việc khá thoải mái.

Không chỉ có Hải, Thu mà nhiều sinh viên đã quyết định tự kinh doanh riêng để kiếm sống thay bằng việc phải oằn mình theo nhịp hối hả và đầy áp lực của cơ quan. Tuy nhiên không phải ai cũng lựa chọn cho mình được con đường đi đúng và đạt kết quả tốt.

Mất nhiều cơ hội được cọ xát, va chạm

 
Làm việc ở một công ty có tiếng đồng nghĩa với việc bạn được đặt lên vai một người khổng lồ để bước đi được nhanh và thuận tiện hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng nhìn ra điều này và đủ lòng kiên nhẫn để thử cho bản thân mình nhiều cơ hội khác nhau.
 
Chuyện của Vinh (Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình cho sự tiếc nuối vì cái vội vàng và nôn nóng của tuổi trẻ. Tốt nghiệp trường ĐH Luật, cậu dự định xin về tòa án huyện làm nhưng thời điểm Vinh ra trường phía huyện chưa có chỉ tiêu.
 
Mặc dù đã được người mách “đợi 4 tháng nữa” nhưng lòng tự ái khiến cậu buông xuôi và không quan tâm đến điều đó. Trong thâm tâm Vinh nghĩ mình đã học ở một trường tầm cỡ quốc gia mà về xin việc ở huyện phải chờ dài cổ thật không đáng, và để khẳng định “giá trị” của mình cậu đã tự hủy đơn xin việc đó để vào TP Hồ Chí Minh tìm cơ hội tốt hơn.
 
Tuy nhiên may mắn đã không đến với cậu khi lặn lội nơi đất khách quê người đến gần 2 năm nhưng công việc vẫn chỉ là “thời vụ” trong đó “ghế” ở huyện đáng ra là của cậu đã phải nhường cho người khác có năng lực kém hơn.

Minh Trang (ĐH Quốc gia HCM) lại dở khóc dở cười vì nâng quá cao cái tôi cá nhân để đánh mất cơ hội vào tập đoàn lớn. Ra trường với tấm bằng giỏi, Trang nghĩ bản thân mình không đi “làm thuê” mà tự làm chủ cho chính mình để khẳng định cho bạn bè và gia đình biết cô hoàn toàn có thể tự lập.
 
Sẵn có vốn được gia đình đầu tư cộng thêm với kiến thức “có sạn” cô trau dồi được từ khi còn là sinh viên, Trang nhanh chóng thành lập cho mình được công ty riêng chuyên về tổ chức tour du lịch.
 
Gần 1 năm đầu làm ăn suôn sẻ nhưng bước sang đến năm thứ 2 vận hành của công ty như xuống dốc không phanh mà nguyên nhân là do cô không có kinh nghiệm như các công ty khác. Thời điểm không thể cứu vãn được nữa, Trang đành đóng cửa công ty mình và bắt đầu đi “làm thuê” để học hỏi kinh nghiệm.

Lời kết

 
Dù bạn lựa chọn con đường đi như thế nào cũng cần có thời gian suy ngẫm và xem xét cho phù hợp nhất với bản thân. Đôi khi không phải cứ lao mình vào một guồng quay cụ thể nào đó sẽ tốt, tuy nhiên cũng không phải vì muốn khẳng định bản thân mình sớm mà đánh liều tự mở kinh doanh riêng.
 
Thời điểm chuyển giao từ sinh viên sang người đi làm có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức vì thế các bạn trẻ cần có thời gian suy ngẫm thật kĩ trước khi quyết định.

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vũ Ân