Đừng nhân bản những lòng tốt chưa được kiểm chứng

Trên Facebook, có khá nhiều câu chuyện về lòng tốt, như nhặt được ví, tiền, tài sản có giá trị ai đó đánh rơi, muốn tìm chủ nhân để trả lại… được chia sẻ, lan truyền đến chóng mặt. Thực tế, không ít câu chuyện là bịa đặt, đùa cợt thậm chí lừa đảo nhằm trục lợi.

Nhặt được tiền trong ngày … Cá tháng Tư

 

Đầu tháng Tư vừa rồi, trên nhiều trang cá nhân, “fanpage”, “group”, nhiều facebooker chia sẻ một câu chuyện về lòng tốt, có nội dung: “Trên đường đi làm về, đoạn từ Kim Sơn đến cầu Cầm, mình có nhặt được một ít tiền, đã được phân loại thành 5 triệu đồng và 10 triệu đồng, rất cẩn thận, kèm tờ giấy có ghi là “Tiền xạ trị lần 2 cho vợ”.

 

Đoán biết đây là tiền chữa bệnh của ai đó, đang rất cần thiết. Vậy mình viết thông báo này, ai là chủ nhân của số tiền trên thì liên hệ với mình nhé, số điện thoại 0165445xxxx. Mình còn một số câu hỏi để kiểm tra, nếu ai là chủ nhân thực sự thì hãy liên lạc với mình.

 

Sau 10 ngày, nếu không có ai nhận, mình xin đem số tiền này đi làm từ thiện. Bạn nào đọc qua bài, xin hãy chia sẻ và comment, hy vọng sẽ tìm được chủ nhân của cọc tiền đó”.

 

Chủ nhân của câu chuyện này là một tài khoản Facebook tên Nguyễn Văn T. Câu chuyện được đăng vào ngày 1/4. Địa danh được nhắc tới là xã Kim Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

 

Ngay lập tức, “status” nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Mọi người thi nhau “share” thông tin này để người đánh mất sớm nhận được tiền trị bệnh. Chỉ trong vài ngày, “status” trên của T nhận được hơn 70.000 lượt thích, hàng nghìn bình luận, gần 50.000 lượt chia sẻ. Đó là còn chưa kể các “fanpage”, “group”, diễn đàn cũng copy thông tin này đăng tải trên trang và tiếp tục nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, bình luận.

 

Cộng đồng mạng khen ngợi lòng tốt của chàng thanh niên tên T vì đã “nhặt được tiền rơi, tìm người trả lại” – một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng cũng có một số facebooker băn khoăn hoặc tỏ ra nghi ngờ: “Tờ giấy để kẹp trong tiền có vẻ hư cấu quá”; “Sao bạn không đến công an trình báo? Chắc chắn việc tìm được chủ nhân của số tiền sẽ dễ dàng hơn là đăng lên mạng thế này”; “Bức hình này nhìn quen quá, không biết đây là lòng tốt thật sự hay chỉ là chiêu trò câu view, câu like”, “Đăng tải vào ngày Cá tháng Tư thế này, không biết bao nhiêu phần trăm là sự thật. Dù vậy vẫn mong đây không phải là trò đùa cợt”…

 

Thế nhưng, những bình luận băn khoăn đó nhanh chóng “chìm nghỉm” trong hàng loạt các bình luận đầy thiện chí, ca ngợi chàng thanh niên. Thậm chí, những bình luận tỏ vẻ nghi ngờ còn bị “ném đá”, bị cho là vô cảm vì “không biết xúc động trước lòng tốt”.

 

Bất ngờ là sau vài ngày đăng tải, T đã xóa bài đăng trên. Trước đó, T không có bất kỳ thông báo nào là đã tìm được chủ nhân số tiền, giao tiền cho công an hay đã đem làm từ thiện… Liên hệ với số điện thoại mà T đăng tải, T nói rằng, câu chuyện trên thực tế chỉ là một trò đùa vui ngày Cá tháng Tư. Vì tốc độ lan truyền của bài viết quá nhanh nên T đã xóa bài đăng này.

 

Nhưng có lẽ, T không biết “con cá tháng Tư” của mình tai hại đến mức nào. Bởi dù bài đăng trên trang của cậu đã gỡ thì hàng loạt những “fanpage”, “group” khác đã đăng lại câu chuyện vẫn tồn tại.
 
Lòng tốt biến tướng

 

Lòng tốt biến tướng

 

Điều đáng buồn, đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng mạng bị lôi kéo, lan truyền một trò đùa gắn mác lòng tốt. Trước đó, cũng từng có một câu chuyện nhận được rất nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ của một chủ tài khoản tên L. T. Đ đăng tải.

 

Đ cho biết, mình nhặt được chiếc ví có nhiều giấy tờ quan trọng, 3 thẻ ngân hàng và 3 triệu đồng tiền mặt, muốn trả lại chủ nhân. Tuy nhiên, cộng đồng mạng sau đó cũng đã xác minh được rằng, đây là một trò lừa không hơn không kém. Vì sau khi đăng tải thông tin, mọi người vào bình luận ồ ạt nhưng Đ không hề phản hồi.

 

Nếu muốn tìm được người đánh rơi thì khi chụp ảnh phải để rõ CMND, bằng lái xe, đằng này, trong ảnh CMND, bằng lái xe đều úp xuống, tiền để đè lên trên, che hết các thông tin quan trọng. Có facebooker còn bình luận, cho biết đã gọi vào số điện thoại Đ. đăng tải thì bất ngờ bị trừ mất 15.000 đồng trong tài khoản…

 

Cũng từng có một thanh niên khác đăng tin trên Facebook nhặt được chiếc ví có tới 45 triệu đồng tiền mặt. “Status” nhanh chóng ngập “like” và “comment”, nhiều người ồ ạt nhảy vào khen ngợi lòng tốt, tính thật thà của “chủ thớt”.

 

Dường như nhận ra “cơn bão” này đang có vẻ mạnh dần lên và khó kiểm soát nên sau đó, thanh niên này đã đăng đàn đính chính rằng, đó chính là ví của mình, chỉ là một trò đùa, rồi xóa “status”.

 

Đừng lừa đảo niềm tin

 

Khi bạn “share” một thông tin của ai đó trên Facebook thì nội dung ấy sẽ hiển thị trên trang cá nhân của bạn, rồi hiện lên trên bảng tin của những người trong danh sách bạn bè của bạn. Có thể bạn của bạn thấy thông tin đó hay ho và tiếp tục “share”, cứ như vậy, thông tin lan truyền rất nhanh.

 

Các bạn hãy cẩn thận và có trách nhiệm hơn với những thông tin mình chia sẻ, đặc biệt là những tin tức lan truyền ồ ạt trên mạng. Chúng ta chủ động tiếp nhận thông tin và cần tự tạo cho mình một “bộ lọc” để phân tích nó.

 

Chúng ta đọc được một câu chuyện về lòng tốt, chúng ta thấy xúc động, và bấm nút chia sẻ để thỏa mãn cảm giác “mình vừa làm một việc tốt”. Tuy nhiên, thông tin khi chưa được xác minh thì chỉ là thông tin. Đừng vô cớ tin nó và đem nó đi lan truyền.

 

Hãy tiếp nhận thông tin có chọn lọc, chứ đừng ồ ạt theo số đông, tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng. Chúng ta không thể “share”, dù đã lờ mờ nhận ra những điều không hợp lý, những thứ chưa rõ ràng trong các thông tin lan truyền.

 

Đặc biệt, các bạn trẻ cũng không nên “câu like”, “câu share”, hoặc đùa cợt bằng những câu chuyện gắn mác lòng tốt. Ai cũng biết Facebook là nơi “chém gió”, tán gẫu, các thông tin bạn đăng tải ai tin thì tin, ai không tin thì tùy. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến trách nhiệm của mình.

 

Bằng việc đăng những thông tin không trung thực, bạn có thể thu hút lượng “like”, “share”, người theo dõi ào ạt trong giai đoạn đầu nhưng sau đó ắt hẳn sẽ bị quay lưng. Quan trọng nhất, hành động đùa cợt đó cũng chính là lừa đảo lòng tin.

 

Hãy nghĩ đến cảm giác của những người ủng hộ, chia sẻ câu chuyện của bạn khi họ biết được sự thật. Chắc chắn, họ sẽ rất bất bình và suy sụp lòng tin. Vì thế, đừng để những trò đùa cợt trở thành mầm mống khiến xã hội trở nên đa nghi trước các câu chuyện về lòng tốt.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam