Áp lực đồng trang lứa đè nặng thế hệ Gen Z
(Dân trí) - Đối với các bạn trẻ Gen Z, cụm từ "peer pressure" (áp lực đồng trang lứa) không còn xa lạ. Những người ở độ tuổi 20 hiện nay đang trải nghiệm áp lực này rõ ràng hơn ai hết.
Áp lực đồng trang lứa là những áp lực do xã hội tạo ra hoặc bản thân mình tự tạo ra khi so sánh với những người cùng thế hệ. Nó hiện diện sâu trong tiềm thức, khiến bản thân chúng ta thực hiện các phép so sánh giữa bản thân với những người đồng lứa tuổi, từ đó nảy sinh những áp lực và cảm xúc tiêu cực.
Áp lực đồng trang lứa hiện hữu trong cuộc sống của tôi
Bản thân tôi là một Gen Z (những người sinh ra trong khoảng những năm từ 1997 tới 2012) và chưa bao giờ tôi thấy áp lực đồng trang lứa hiện hữu đến vậy. Internet đã góp phần nhiều vào điều này.
Vào Facebook, chẳng cần lướt lâu để tôi bắt đầu bắt gặp bài viết của một người bạn cấp 2 "khoe" bản thân vừa được làm việc ở một công ty lớn. Lướt thêm chút nữa là thấy những bài báo chia sẻ về bạn này dành học bổng mấy tỷ đi Mỹ hay đàn em khóa dưới đạt giải nhất ở một cuộc thi kia.
Tôi lựa chọn đóng Facebook lại, chuyển qua Instagram. Câu chuyện cũng chả khác là bao. Tôi dành vài phút ngắn ngủi của mình để vào phần Story (câu chuyện). Không thể tin được độ dài của một story 15 giây mà vẫn có thể khiến tôi cảm thấy bị áp lực đến vậy.
Lại thêm một story cô bạn cùng cấp 3 chụp màn hình số tiền trong tài khoản ngân hàng, đã che số cụ thể nhưng vẫn nhìn rõ là dài bao nhiêu. Một anh bạn khác thì khoe một cách khéo léo hơn, chỉ chia sẻ là đã sử dụng tháng lương đầu của mình để tự mua chiếc iPhone đời mới nhất thôi.
Đến khi lên TikTok, áp lực đồng trang lứa vẫn chưa buông bỏ tôi. Trang For You Page (Dành cho bạn) của tôi tràn ngập các TikTok chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu từ sớm. Những video được giật tít với tiêu đề hấp dẫn như "Khởi nghiệp bằng 1 triệu, mình đã làm như thế nào?", "Lương tháng 7 chữ số làm những công việc gì?".
Không kinh doanh, đầu tư thì cũng là những video của các bạn đi thực tập, kể về cuộc sống ở văn phòng một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Toàn là những người tôi chưa quen, chưa từng một lần nói chuyện hay gặp gỡ nhưng vẫn khiến tôi bất an được. Tài ghê!
Nghe xong thì có vẻ cách để tránh áp lực đồng trang lứa của tôi là nên ngừng sử dụng mạng xã hội nhỉ? Đâu có dễ vậy khi trong cuộc sống bình thường thì ta vẫn vô tình gặp áp lực đồng trang lứa đấy thôi.
Đã bao nhiêu lần bạn ngồi ăn cơm, bố mẹ lại kể về một "con nhà người ta" năm nay vừa ra trường nhưng lương đã mấy trăm triệu? Đã bao nhiêu lần bạn ngồi tán ngẫu với đám bạn lại được nghe kể về đứa này vừa đỗ vào công ty bạn hằng mơ ước?
Áp lực đồng trang lứa từ đâu mà xuất hiện?
Theo Ths. Nguyễn Văn Mạnh (Tổ chức Basicneeds Việt Nam), áp lực có thể đến từ bên ngoài (bạn bè đặt ra cho ta) hoặc từ bên trong (tự ta đặt cho mình) từ đó ảnh hưởng tới giá trị cá nhân (những điều mình coi trọng).
Ở tuổi 20 này, đa phần chúng ta vẫn đang loay hoay, chưa biết bản thân thực sự muốn gì. Do đó, chúng ta tự lấy người khác, những người gần giống chúng ta nhất để làm thước đo cho bản thân. Và khi bạn không đạt được những điều họ đạt được, bạn cảm thấy mình đang thụt lùi so với tất cả.
Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta là một cá thể riêng biệt. Dù có giống nhau đến mấy thì chúng ta vẫn có điểm khác biệt. Ngay cả hai anh em sinh đôi có nét tương đồng về ngoại hình nhưng đâu thể giống nhau về cả hành vi, tính cách. Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn của người khác lên bản thân mình rồi cảm thấy bị áp lực là điều không nên.
Chấp nhận "sống chung với lũ"
Nếu bạn đọc bài viết này để tìm kiếm câu trả lời làm thế nào để không gặp áp lực đồng trang lứa thì rất tiếc, tôi không thể giúp được bạn. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy vô tư, thoải mái nhưng sẽ có những lúc bạn sẽ cảm thấy áp lực đó đè nặng lên bạn. Và điều đó hết sức bình thường!
Đối với tôi, áp lực đồng trang lứa là một con dao hai lưỡi. Ở mức vừa phải, đây như một động cơ giúp bạn đi đúng hướng nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn rất nhiều.
Bước đầu tiên để tiến gần hơn với việc cởi bỏ áp lực đồng trang lứa chính là đối diện và chấp nhận. Chấp nhận không đồng nghĩa với cam chịu. Chấp nhận áp lực này giống như chấp nhận việc có lúc bạn sẽ bị điểm kém hay không đủ tiền để mua một món đồ bạn thích chẳng hạn. Khi cố né tránh nghĩa là chúng ta đang có những suy nghĩ đó, đang muốn đẩy nó đi. Càng cố đẩy thì lại càng bị mắc kẹt trong đó.
Nếu bắt gặp bản thân đang trải qua cảm xúc này, hãy chủ động tìm cách để thoát khỏi nó. Đừng để áp lực đồng trang lứa trở thành gánh nặng. Bởi vì cũng giống tuổi dậy thì, ai rồi cũng phải trải qua áp lực đồng trang lứa mà thôi.