Đừng đẩy con vào chân tường

Mấy ngày nay, người dân Hà Nội không khỏi bàng hoàng về cái chết của anh T, bác sĩ Bệnh viện Quân y 108. Người giết anh T không ai khác chính là Tr, con gái đầu lòng của anh. Những lời khai của cô gái 18 tuổi này đã làm tất cả những người có mặt tại buổi hỏi cung bị sốc.

Con nông nổi, bố mất bình tĩnh

Theo lời khai ban đầu của Tr, khoảng 14 giờ ngày 22/8, anh T từ bệnh viện về nhà, khi lên đến tầng 3 thì phát hiện phòng con gái đóng kín cửa.

Gõ cửa, nhưng không thấy con ra mở, anh T nghi ngờ có điều gì đó bất thường và kiên nhẫn chờ cho đến khi cửa được mở.

Khi vào phòng của cháu Tr, anh T nghe thấy tiếng động lạ trong tủ quần áo và sau đó, tìm thấy Nguyễn Minh H, 18 tuổi (trú tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm), là bạn trai của Tr, đang trốn ở đây. Không kìm nổi cơn giận dữ, anh T đuổi H ra khỏi nhà, đồng thời đánh mắng con gái.

Cũng phải nói thêm, vì không đồng ý với mối quan hệ giữa H và Tr nên trước đó, nhiều lần gia đình anh T đã ngăn cản, không cho con gái gặp và quan hệ với H.

Đứng ở ngoài, thấy người yêu bị bố đánh, nên H đẩy cửa phòng vào can ngăn. Như đổ thêm dầu vào lửa, anh T đã dùng chiếc ghế trong phòng đánh Tr và đuổi H ra khỏi phòng.

Không ngờ, Tr đã giơ con dao Thái Lan thường để gọt hoa quả và dọa: “Nếu bố tiếp tục đánh, con sẽ giết bố”.

Vậy nên khi anh T lao vào Tr, cô con gái đã cầm dao đâm thẳng vào ngực bố. Hậu quả, anh T đã chết trên đường đi cấp cứu vì vết dao đâm trúng tim.

Áp lực từ cha mẹ quá nặng nề

Lứa tuổi 13-18 là tuổi trẻ đang hình thành nhân cách, trẻ thường tự coi mình là người lớn và rất “khó chịu” khi phải nghe những lời ra lệnh của bố mẹ. Trẻ trong lứa tuổi này cũng rất dễ rơi vào tâm trạng cô đơn và hành động dại dột.

Theo kết quả nghiên cứu “Nhu cầu tham vấn của học sinh một số trường trung học trên địa bàn Hà Nội” của tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi và các cộng sự khoa tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội, cho thấy thái độ của học sinh về cuộc sống hiện tại thật sự đáng lo ngại.

Có tới 27,75% học sinh đang gặp những khó khăn trong quan hệ với người khác (cha mẹ, gia đình, quan hệ với bạn bè và thầy cô giáo...), trong số này có tới 85% cho biết, nguyên nhân gây những khó khăn về tâm lý xuất phát từ sức ép của gia đình.

TS Mùi kể lại chuyện một học sinh có mâu thuẫn gay gắt với mẹ tâm sự: “Rất ít khi em được mẹ gọi em bằng con xưng mẹ. Mẹ thường gọi “mày” xưng “tao”! Mẹ còn bảo mẹ nuôi em chỉ là nghĩa vụ chứ chẳng có tình cảm gì cả. Em không hiểu vì sao lại như thế”.

TS Mùi cho rằng mỗi khi gặp khó khăn, cách tích cực nhất mà các em lựa chọn là tâm sự với người khác.

Tuy nhiên, đối tượng tâm sự chủ yếu của giới teen là bạn bè nhưng do hiểu biết có hạn, các em thường định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch, khiến nhiều em rơi vào bế tắc...

Tránh xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ

 

Trong trường hợp của anh T, chẳng ai nói anh không yêu con, không lo lắng cho tương lai của cháu Tr. Chỉ có điều, cách yêu và cách dạy con theo kiểu áp đặt, cấm đoán của anh T đã khiến Tr cảm thấy mất tự do, dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

 

Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý Trung tâm tư vấn hạnh phúc gia đình, để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân bản. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ, đặc biệt đối với lứa tuổi teen.

 

Không ai không có lúc tức giận, đó là điều hiển nhiên, nhưng dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì mắng con là “hư hỏng”, “ngu đần”, “vô tích sự”, để đạt được hiệu quả, các bậc phụ huynh nên nói lên cảm xúc của mình.

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm