Dung dăng đi "chợ học"

“Mình từng đi xuyên Việt, Thái Lan, Campuchia... nhưng có một nơi cực gần mà mình chưa bao giờ đến, đó là đi... chợ!”, H sinh viên năm I đại học KHTN kể. Thế là, tranh thủ ngày hè, H chăm chỉ xách giỏ tập đi chợ. Đi rồi mới biết, hóa ra đi chợ cũng lắm cái hay để học.

Học đảm đang

 

“Đi chợ khó thấy mồ!” - nhiều bạn tuổi tím đã thú nhận như thế, bởi không ít bạn cứ gọi là “bé cái nhầm” khi đi chợ. Lần đầu mua cá không biết chọn, H mua phải cá ươn, thế là cả nhà bạn hôm đó đành ăn đỡ trứng chiên. M (trường Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) đi chợ mà không rành giá, lại gặp cô bán hàng nói thách nên lớ ngớ mua tới 65.000đồng một cái gối có in hình gấu Pooh chỉ đáng giá gần 20.000đồng. Sau lần đó, M học được kinh nghiệm: muốn mua gì phải tham khảo giá cả trước và không nên tỏ ra quá thích thú với món đồ đang xem để tránh... “hố hàng”.

 

Bạn sẽ không thể trở thành người đảm đang được nếu bạn không thử ra chợ học cách chọn lựa những thức ăn tươi ngon, tìm hiểu giá cả thị trường để cò kè bớt một thêm hai... Thật đấy!

“Chuyên gia” đi chợ nói gì?

 

Nhiều bạn nghĩ thời nay phải đi siêu thị mới sang chứ đi chợ thì “nhà quê” lắm, nhưng cô thì vẫn thích đi chợ hơn. Ở siêu thị, người ta đóng gói sẵn, đông lạnh tất cả mọi thứ, mình phải mua cả gói, cả hộp, đâu được lựa chọn mua riêng những miếng vừa ý, vừa lượng mình cần.

 

Chợ không sạch như siêu thị nhưng không gian chợ dù sao cũng thoáng đãng hơn không gian máy lạnh của siêu thị. Bản thân cô đi chợ đã mấy mươi năm nhưng cũng chưa khám phá hết được các hang cùng ngõ hẻm của chợ, lâu lâu lại phát hiện được một góc hay hay có hàng khoai mì hấp rất ngon, có bà cụ bán mắm đúng vị Huế... thú vị lắm.

 

Các bạn tuổi tím, đặc biệt là các bạn gái nên thỉnh thoảng cùng mẹ đi chợ để thấy được “cái hồn mộc mạc” của chợ Việt mình, và cũng để tập dần làm người phụ nữ của gia đình nhé.

 

Cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân

Học ứng xử

 

Lần khác, H nhờ nhỏ bạn “rành chợ như lòng bàn tay” dắt đi chợ để học hỏi. Đi đến hàng nào, nhỏ bạn cũng lật tung mọi thứ lên xem, chê hết thứ này đến thứ khác rồi... ngoe nguẩy bỏ đi, khiến ai cũng lắc đầu. Nhỏ lí sự: “Người ở chợ “ghê” lắm, mình hiền hiền khờ khờ là bị họ ăn hiếp liền”.

 

Chẳng biết nhỏ nói có đúng không nhưng NH thấy kì quá nên chẳng dám rủ cô bạn cùng đi chợ nữa. B (trường Lê Quý Đôn, Q.3) chia sẻ: “Thật ra, những người ở chợ không ghê gớm như một số người nghĩ. Mình cứ thành thật nói cho họ biết là mình không biết lựa, nhờ họ chọn giúp thức ăn ngon để về má khỏi la. Thế là chẳng ai nỡ bán mắc hay bán đồ không ngon cho mình”.

 

Bạn đừng nghĩ “dân chợ búa” là thiếu văn hóa nên mang kiểu ứng xử không lịch sự ra đối đãi với họ. Tuy là nơi mua bán xô bồ, nhưng hầu hết mọi người đối xử với nhau rất thân tình, gặp người quen là chào hỏi, tay bắt mặt mừng. Đi chợ, bạn sẽ học được một điều rằng, hãy mỉm cười và cởi mở với người khác, bạn sẽ nhận lại được điều tương tự.

 

Học chia sẻ

 

Có đi chợ H mới thấy thương bà, thương mẹ. Chợ đông đúc, nóng nực mà phải chọn thứ này, mua thứ kia sao cho vừa túi tiền, đủ dinh dưỡng, thích hợp với mọi người... quả là không đơn giản. Chả thế mà lần đầu H đi chợ nấu cơm, bà và bố chẳng ăn được. Bà thì cao huyết áp còn bố thì bị dị ứng thịt bò mà H lại chỉ mua có món đó. Sống ở nhà bao nhiêu năm mà H chẳng để ý, chỉ đến khi tự tay đi chợ bạn mới nhận ra.

 

Còn P (Q.1) thì rất hay càu nhàu mỗi khi mẹ nấu một món gì đó lặp lại, cho đến khi P tự đi chợ nấu ăn bạn mới hiểu và thấy thương mẹ: “Chợ thì ngày nào cũng chỉ có bấy nhiêu món thịt cá, mình không có thời gian, nhiều khi ra chợ loay hoay mãi mà chẳng biết mua gì. Thế là cứ bao nhiêu đó món mà xào đi xào lại”.

 

Bạn thấy không, mình đến trường để học thì đã đành, nhưng đến chợ mình cũng học được nhiều điều thú vị và bổ ích đấy chứ! Không tin, bạn cứ thử một lần dung dăng ra chợ mà xem!

 

Theo Phương Anh - Thường Quê

Mực Tím