Đưa hình ảnh 15 Nhà giàn DK1 trên biển đảo quê hương đến gần thanh niên, sinh viên
(Dân trí) - Ngày 30/8, tại Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng sẽ diễn ra Lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng”. Đặc biệt, lần đầu tiên hình ảnh đầy đủ về 15 Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc sẽ được giới thiệu tới công chúng.
Nhân dịp này, tại đây, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học tổ chức Lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh chủ đề “Nơi đầu sóng”.
“Nơi đầu sóng” gồm 21 câu chuyện về biển đảo quê hương của hai tác giả: Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai và Trần Thành do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 8/2019. Đây là tác phẩm chung, đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả: Một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo. Kỹ sư Trần Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
Nhà thơ - Nhà báo Lữ Mai, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chị là tác giả của 6 tập sách, đa dạng về thể loại như: Thơ, truyện ngắn, tản văn… Tháng 5/2019, chị đã có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN 490.
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai trong chuyến công tác tại Trường Sa.
Kỹ sư Trần Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa.
Nhận xét về cuốn sách, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, Giám đốc NXB Hội Nhà văn chia sẻ: “Cuốn sách đã trở thành một con tàu đưa tôi tới những vùng đảo xa của tổ quốc mà tôi chưa từng được đến. Và tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, những hồi còi tàu, những đêm biển đầy sao, những ngọn hải đăng, những câu chuyện về những người lính đảo, những người mẹ, người vợ ở đất liền, những lớp học và các thầy cô… hay chỉ là một ô cửa cũ như đã quá xa xôi tưởng chỉ còn trong ký ức, một đàn cá chuồn như đang bay dọc chân trời biển…
Tất cả những cảnh đó, người kia cách tôi ngàn trùng sóng vỗ nhưng giờ đây đang hiện diện trong chính đời sống ngày ngày của tôi ở mọi nơi chốn. Cuốn sách đã làm cho tôi tin rằng: Tôi đã đến những vùng đảo ấy, đã đón nhận sóng gió ấy, đã trở thành nhân chứng của những câu chuyện ấy và đã ngắm nhìn những hình ảnh kỳ vĩ ấy.
Nhà giàn DK1 trên biển đảo quê hương.
Và đó chính là sự kỳ diệu của văn học. Mỗi trang viết là sự tinh kết của quan sát, cảm xúc và tư duy từ đời sống chân thực giống như muối được tinh kết từ biển. Bởi vậy, cho dù chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nó chứa đựng cả một đời sống và những thông điệp. Có lẽ chỉ ngôn từ, cách nhìn và sự rung vang trong tâm hồn của một thi sĩ mới dựng lên được một đời sống sâu sắc và ám ảnh đến vậy”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng dành những lời ưu ái khi nhận định: “Khác với rất nhiều cuốn sách trước đó, “Nơi đầu sóng” không phải nghệ thuật hư cấu, mà là tản văn, tạp văn. Một dạng ghi chép, thấy sao ghi vậy. Chính vì thế, cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng.
“Nơi đầu sóng” gồm 21 câu chuyện về biển đảo quê hương của hai tác giả: Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai và Trần Thành.
Đây là vẻ đẹp của Sự thật. Cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, con người và cảnh sắc ở một quần đảo được nhìn bằng con mắt đằm thắm, tinh tế mà không kém phần sâu sắc. Đây cũng là một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà các tác giả đã cắm cho Trường Sa, một vùng máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.
Ngoài nội dung ra mắt sách, điểm nhấn của sự kiện còn ở Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển.
A.Thế