Du học sinh Việt là những nhà "bán ngoại giao" quảng bá đất nước
(Dân trí) - Lê Ngọc Vinh tin tưởng rằng mỗi du học sinh Việt tại nước ngoài đều là những nhà "bán ngoại giao", đang làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Từ ngày 15 tới 17/8, tại Hà Nội đang diễn ra Đại hội đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 3. Hơn 200 thanh niên ưu tú, có nhiều thành tích trong học tập, lao động, sáng tạo, chiến đấu… đã về Thủ đô tham dự Đại hội.
Diễn đàn "Nói đi đôi với làm" của các đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Chiều qua (16/8), các đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã tham gia diễn đàn mang chủ đề “Nói đi đôi với làm”. Diễn đàn được tổ chức tại Bộ Nội Vụ, có sự chủ trì của Nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn – Vũ Mão.
Đây là diễn đàn các đại biểu trẻ gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng bởi phương châm “Nói đi đôi với làm” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở thế hệ thanh niên.
Thanh niên nông thôn “li nông không li hương”
Anh Lại Văn Điệp (áo xanh) tại cơ sở sản xuất của mình
Với những gì đã làm được, anh Điệp đã là một tấm gương sáng “Nói được làm được” mà nhiều thanh niên phải noi theo. Anh chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của mình: “Đối với thanh niên nông thôn như chúng tôi, ngoài sự mạnh mẽ về mặt tinh thần để thúc đẩy bản thân cố gắng còn cần phải có kế hoạch cụ thể để có thể tiếp cận cơ hội và thành công. Bởi vì ở các vùng nông thôn, thanh niên không có nhiều cơ hội như thanh niên thành phố”.
Do đó, anh Điệp thiết tha mong rằng Đoàn các cấp giúp đỡ thanh niên nông thôn tạo ra những mô hình kinh tế, cơ sở sản xuất tiên tiến để tạo việc làm. Đồng thời, đại biểu Lại Văn Điệp cũng chỉ ra sự khó khăn, bất cập của thanh niên nông thôn trong việc tiếp cận nguồn vốn 120 của TƯ Đoàn (vốn vay của “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm” nhằm hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương - PV), dẫn tới việc nhiều người có chí làm giàu nhưng không có vốn để bắt tay vào sản xuất, kinh doanh.
“Thanh niên nông thôn chúng tôi muốn làm giàu theo phương châm “li nông không li hương” (tức là chuyển đổi kinh tế nông nghiệp sang các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ… nhưng không rời bỏ quê hương mà làm giàu trên chính mảnh đất ông cha mình – PV). Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo hết sức giúp đỡ, đồng hành cùng thanh niên nông thôn”, anh Điệp bày tỏ.
Tiếp nhận ý kiến giàu tâm huyết của anh Điệp, lãnh đạo TƯ Đoàn đã khẳng định rằng sẽ chỉ đạo Ban thanh niên nông thôn xuống cơ sở để tìm hiểu tình hình thực tế việc triển khai nguồn vốn 120, từ đó đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Cùng với đó, TƯ Đoàn sẽ tích cực đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình kinh tế thanh niên đang hoạt động hiệu quả tới các địa phương, nghiên cứu các mô hình mới từ sự đóng góp ý kiến của các đại biểu.
Việc đưa ra giải đáp tức khắc cho nguyện vọng của đại biểu là cách làm của TƯ Đoàn nhằm bám sát vào mục tiêu “Nói đi đôi với làm” được đề ra tại diễn đàn này.
Du học sinh Việt là những nhà “bán ngoại giao”
Một ý kiến khác cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm tại diễn đàn “Nói đi đôi với làm” là của đại biểu Lê Ngọc Vinh (SN 1995), đại diện Hội Sinh viên Việt Nam bang Nam Úc.
Anh Lê Ngọc Vinh phát biểu tin tưởng rằng mỗi du học sinh Việt tại nước ngoài đều là những nhà "bán ngoại giao", đang làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Anh Vinh cho biết trong thời gian ở nước ngoài học tập, chính các du học sinh đã mang hình ảnh của đất nước tới với bạn bè quốc tế thông qua nhiều hoạt động như “Tuần lễ Việt Nam tại Úc”, “Tết Việt Nam”, “Rằm Trung Thu”… Đặc biệt, trong thời gian diễn ra căng thẳng biển Đông, các du học sinh cũng đã tổ chức những cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 tại vùng biển nước ta. Đó là những hoạt động mà thanh niên Việt ở Úc đã thực hiện để hướng về Tổ quốc, bên cạnh mong muốn được trở về quê hương đóng góp sức mình phát triển kinh tế.
Qua những việc làm đã thực hiện được, Ngọc Vinh mong muốn rằng: “Tôi mong TƯ Đoàn sẽ quan tâm hơn nữa trong việc định hướng cho du học sinh Việt trên toàn thế giới qua việc cung cấp thông tin thường xuyên và chính thống, làm sao để việc truyền tải không khô cứng hay mang tính ép buộc mà để các bạn trẻ có lí tưởng phấn đấu”.
Vinh cũng chia sẻ quan điểm cá nhân: “Tôi tin rằng mỗi du học sinh ở nước ngoài là một nhà “bán ngoại giao” giúp quảng bá đất nước chúng ta ra thế giới. Vì vậy, việc các du học sinh được tụ hội trong các tổ chức của Đoàn, cung cấp thông tin đầy đủ sẽ là rất cần thiết’.
Đáp lại ý kiến của anh Lê Ngọc Vinh, lãnh đạo TƯ Đoàn rất tâm đắc với cụm từ “nhà bán ngoại giao”. Ông Vũ Mão - Nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn chia sẻ tư tưởng này với toàn thể đại biểu và lưu ý đại diện Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao để có thể hỗ trợ, phát triển cộng đồng du học sinh như là những tuyên truyền viên đắc lực trên phương diện ngoại giao
Mai Châm